Chủ nhật, 28/07/2024, 19:24[GMT+7]

Tiền Hải Ứng phó kịp thời với thử thách đầu tiên trong mùa bão lụt

Thứ 2, 24/06/2013 | 19:22:41
1,048 lượt xem
Tiền Hải là huyện ven biển, có hai mặt giáp sông là sông Hồng và sông Trà Lý; huyện được bao bọc bởi hai tuyến đê là đê biển số 5, số 6 với tổng chiều dài 53,7 km, trên hai tuyến đê có 12 kè và 31 cống. Với đặc điểm đó, mỗi khi có tin bão chuẩn bị đổ bộ vào, nhân dân các xã luôn thấp thỏm, lo âu, lãnh đạo huyện, xã tất bật đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo phòng chống lụt bão (PCLB) và các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng luôn dành cho Tiền Hải sự quan tâm đặc biệt.

Ngư dân huyện Tiền Hải chủ động neo buộc thuyền trước khi bão số 2 đổ bộ vào.

Cơn bão số 2 vừa qua có thể coi là lần “tập dượt”, thử thách đầu tiên với Tiền Hải trong mùa mưa bão năm 2013.Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, hầu hết các cơn bão đổ bộ vào Tiền Hải thường vào ngày thứ 7, chủ nhật. Mặc dù là ngày nghỉ nhưng không khí làm việc tại UBND huyện tất bật, khẩn trương gấp bội so với ngày thường. Các đồng chí lãnh đạo liên tục đi xuống các địa phương, các vùng trọng yếu để kiểm tra, đôn đốc. Các đồng chí Huyện ủy viên, Thường vụ Huyện ủy có mặt tại điểm trực quy định để chỉ đạo xã, cụm theo đúng phương án đã đề ra từ trưa ngày 22/6.

 

9 giờ 30 phút ngày 23/6, theo dự báo bão số 2 còn cách Tiền Hải hơn 100 km về phía Đông Nam. Tính mạng con người là quý hơn cả, lúc này công việc rà soát số tàu thuyền, lao động trên biển vào nơi trú ẩn an toàn được ưu tiên số một. Kỹ sư Đỗ Mạnh Toàn, cán bộ tổng hợp PCLB thông báo nhanh cho chúng tôi: 718 phương tiện (trong đó có 5 đôi đánh bắt xa bờ), 2.088 lao động trên biển đã cập bến an toàn; 363/530 nhân khẩu của 173 hộ dân sống ngoài đê quốc gia đã vào nơi sơ tán; 1.977/2.496 lao động của 1.319 hộ nuôi trồng thủy - hải sản và 1.508 chòi coi ngao chấp hành đúng yêu cầu không ra đầm, bãi.

 

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Trần Minh Tiến cho biết thêm, các công việc chuẩn bị vật tư, phương tiện... đều được rà soát, kiểm tra sẵn sàng ứng phó với bão số 2. Các vật tư của tỉnh dự trữ tại kho của Hạt Quản lý đê điều; bao bì và áo phao của huyện dự trữ tại kho vật tư của UBND huyện và Ban Quản lý Bến cá Cửa Lân... bảo đảm số lượng, chất lượng. Các phòng Công Thương, Tài chính - Kế hoạch  chuẩn bị xong phương tiện (ôtô tải, xe khách, thuyền), kinh phí, xăng dầu, lương thực (gạo, mì tôm) để phục vụ công tác PCLB. Lực lượng tại chỗ, nòng cốt ứng cứu thuộc Trung đoàn 8, Đồn Biên phòng Cửa Lân, lực lượng dự bị động viên luôn sẵn sàng chờ điều động khi cần thiết. Rời UBND huyện, 14h ngày 23/6, chúng tôi có mặt tại Bến cá cửa Lân, địa điểm trực của lực lượng cứu hộ, cứu nạn.

 

Tại đây, đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh đang kiểm tra việc neo đậu an toàn của các tàu, thuyền tránh trú, bão và hướng dẫn một số doanh nghiệp chằng chống nhà xưởng, thiết bị... Theo ông Hoàng Văn Túy, Trưởng Tiểu ban cứu hộ, cứu nạn huyện, ngay sau khi nhận được chỉ đạo của tỉnh, Tiểu ban đã kết hợp với Đồn Biên phòng Cửa Lân, UBND các xã ven sông, ven biển kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển khẩn trương về nơi trú bão an toàn. Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, bố trí, sắp xếp tàu, thuyền tại khu neo đậu tránh va đập gây vỡ và chìm tàu, kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, các đầm bãi và chòi coi ngao.

 

Cùng với lực lượng cứu hộ, chúng tôi đã có cuộc thị sát tại  xã Đông Hoàng.Tại khu vực trường bắn xã Đông Hoàng, một đoạn đê bao có nguy cơ vỡ, nếu xảy ra vỡ đê nước biển sẽ tràn ngập toàn bộ trường bắn. Ngay lập tức, phương án được đưa ra, Công ty Hùng Thắng (đơn vị đang thi công đê biển số 6) điều động người, máy móc đắp  nối đoạn đê thêm 7 m, cao trình 3,5 m (trước đó là 2 m).

 

Bão số 2 (tên quốc tế Benbinca) ảnh hưởng đến huyện Tiền Hải từ ngày 22/6 với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 9, kèm theo mưa đã tan. Nhờ chuẩn bị chu đáo, các cấp ủy đảng, chính quyền vào cuộc tích cực và nhân dân chủ động, tự giác nên hậu quả bão gây ra không đáng kể. Không có thiệt hại về người; nhà ở của dân, trụ sở làm việc và trường học an toàn; doanh nghiệp không thiệt hại... Mặc dù mưa không to, gió không lớn nhưng do bão ập đến vào đúng lúc triều cường nên thiệt hại chủ yếu là nuôi trồng thủy sản: tại Bến cá Nam Thịnh bị đắm 1 tàu 24 CV; 1.373 ha đầm  nuôi trồng thủy - hải sản ngoài đê bị ngập, sạt lở bờ bao; 20 - 30% diện tích nuôi ngao bị xô dạt (tổng diện tích nuôi ngao 2.100 ha).

 

Đến thời điểm này, nhịp sống của người dân Tiền Hải đã trở lại bình thường, công tác khắc phục hậu quả sau bão như tiêu úng bảo vệ mạ mùa, vệ sinh môi trường, tổ chức bốc vãi ngao cho bảo đảm mật độ được triển khai tích cực... Có thể thấy sau cơn bão số 8 năm 2012 thiệt hại hơn 1.100 tỷ đồng đã là bài học kinh nghiệm cho Tiền Hải. Lần này cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt hơn, nhân dân bớt chủ quan, lơ là. Không những xã, huyện, mà trong 2 ngày (22 và 23/6), ngoài các công điện chỉ đạo, đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh liên tục trực tiếp xuống Tiền Hải để kiểm tra, đôn đốc công tác PCLB.

 

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, trước, trong và sau bão số 2 vẫn còn một số cán bộ, đảng viên và người dân chưa nhận thức đầy đủ về công tác PCLB. Tại một số địa phương, những công trình vi phạm Luật Đê điều vẫn tồn tại; một số xã như Nam Hưng chưa kịp thời báo cáo số nhân khẩu ngoài đê quốc gia đã vào nơi an toàn; gần đến thời điểm bão vào vẫn còn 3 hộ dân tại Đông Long không chịu di dời; việc khắc phục sự cố điện ở một số xã như Nam Hưng, Nam Phú vẫn còn chậm.

Bài, ảnh: Phan Lợi

  • Từ khóa