Thứ 5, 16/01/2025, 05:01[GMT+7]

Hưng Hà: Tìm lối đi cho xuất khẩu sản phẩm truyền thống

Chủ nhật, 20/08/2023 | 08:24:21
7,072 lượt xem
Xuất khẩu các mặt hàng truyền thống như sợi dệt, khăn bông, găng tay... vốn là thế mạnh trong phát triển kinh tế của huyện Hưng Hà, tổng giá trị xuất khẩu hàng năm lên tới hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, gần 3 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh, suy thoái kinh tế, sản lượng xuất khẩu sản phẩm đang giảm mạnh. Trước thực tế này, huyện Hưng Hà đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, tạo đòn bẩy để các làng nghề đưa sản phẩm vươn xa.

Sản xuất găng tay tại Công ty TNHH Toàn Thắng.

Công ty TNHH Toàn Thắng (cụm công nghiệp Đồng Tu) chuyên sản xuất khăn tay, găng tay và sợi OE. Sản phẩm của Công ty được xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản... Doanh thu xuất khẩu đạt trên 300 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho trên 400 lao động làm việc trực tiếp và 500 lao động vệ tinh với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, không nằm ngoài vòng xoáy thị trường, từ đầu năm 2023 đến nay sản lượng xuất khẩu sợi dệt, găng tay và khăn bông của Công ty giảm tới 50%; 2 dây chuyền sản xuất sợi đã phải tạm dừng hoạt động, năng lực sản xuất sợi một tháng đạt 400 tấn, nay giảm còn 200 tấn, chủ yếu phục vụ nội địa do không có đơn hàng xuất khẩu. 

Ông Trần Văn Vực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết: Trong quá trình sản xuất, chúng tôi giám sát chặt chẽ từng khâu như se sợi, dệt, tẩy nhuộm, may và đóng gói nhằm tạo uy tín với khách hàng. Bên cạnh đó, chúng tôi tích cực tìm kiếm nhiều thị trường, chú trọng thay đổi mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực sản xuất, bằng mọi giá giữ vững và khẳng định thương hiệu của làng nghề để thu hút các đối tác nước ngoài đến tiêu thụ sản phẩm.

Trước đây, Công ty TNHH Cơ khí, dệt may xuất khẩu Thanh Chất, xã Thái Phương xuất khẩu khăn bông sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc với trên 100 tấn sản phẩm/năm. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2023, lượng hàng xuất khẩu giảm 30%. Hiện Công ty chỉ tập trung sản xuất các đơn hàng được ký kết năm 2022, thậm chí còn phải đối mặt với nguy cơ thiếu đơn hàng trong những tháng cuối năm 2023. Phát huy lợi thế sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cùng với kinh nghiệm nhiều năm làm việc với khách hàng quốc tế, Công ty đã lên phương án mở rộng thị trường xuất khẩu. 

Ông Bùi Thanh Chất, Giám đốc Công ty cho biết: Để giữ vững thị trường truyền thống, Công ty luôn sẵn sàng đáp ứng yêu cầu về mẫu mã cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đơn hàng. Bên cạnh đó, Công ty không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời tìm kiếm chất liệu mới với giá thành hợp lý để đưa sản phẩm đạt chất lượng cao với giá thành phù hợp đến khách hàng. Ngoài ra, Công ty luôn giữ mối quan hệ chặt chẽ với đối tác, cùng đối tác chia sẻ khó khăn. Công ty đang tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm thị trường xuất khẩu để mở rộng sang Thái Lan và châu Phi.

Bà Nguyễn Thị Chi, công nhân Công ty TNHH Cơ khí, dệt may xuất khẩu Thanh Chất cho biết: Tôi làm việc ở Công ty gần 20 năm nay, lương đạt 6 triệu đồng/tháng. Công việc phù hợp với độ tuổi và sức khỏe của chúng tôi. Thời điểm này, do Công ty thiếu hụt đơn hàng phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, rút ngắn giờ làm... nên thu nhập của chúng tôi giảm đáng kể. Chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành có giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tạo việc làm ổn định cho lao động.

Huyện Hưng Hà có hơn 200 làng có nghề với hơn 2.000 hộ dân tham gia hoạt động và có hơn 180 doanh nghiệp hoạt động trong các làng nghề. Hiện toàn huyện có 53 làng nghề, 4 xã nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận, trong đó 20 làng nghề dệt khăn, 22 làng nghề dệt chiếu, 5 làng nghề mây tre đan, 3 làng nghề bún bánh, 1 làng nghề mộc, 2 làng nghề làm hương. Nghề và làng nghề phát triển đã tạo việc làm cho hơn 22.000 lao động, chiếm 66% tổng số lao động của làng nghề. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trong các làng nghề chưa phát triển tương xứng để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm truyền thống của các làng nghề vì thiếu thông tin kinh tế, khoa học công nghệ; một số doanh nghiệp chưa ký được trực tiếp với khách hàng, phải qua trung gian nên bị ép giá, chưa chủ động thị trường.

Ông Trần Hữu Nam, Bí thư Huyện ủy Hưng Hà cho biết: Để tìm lối đi cho xuất khẩu sản phẩm truyền thống của các làng nghề trong các giai đoạn hiện nay theo hướng bền vững, vừa qua chúng tôi đã liên hệ với một số doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa quốc tế, xuất nhập khẩu và phân phối hàng tiêu dùng tại thị trường Dubai, Ấn Độ, Philippines... để gỡ khó cho các doanh nghiệp, vì đây là những thị trường tiềm năng mà các sản phẩm truyền thống của Hưng Hà chưa thâm nhập được. Việc kết nối sẽ giúp doanh nghiệp địa phương không mất nhiều thời gian đi tìm kiếm khách hàng còn khách hàng có thể mua được hàng tại xưởng mà không mất thêm chi phí trung gian, từ đó giúp hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các hội chợ quốc tế, đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại trên môi trường thương mại điện tử; tăng cường hoạt động của các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn; bồi dưỡng kỹ năng cho lao động có tay nghề cao trong các doanh nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm để có thể xuất sang thị trường châu Âu và châu Mỹ. Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, thị trường nội địa cũng cần được chú trọng khai thác đẩy mạnh chương trình xúc tiến đầu tư. Các ngành chức năng cùng chính quyền địa phương cần rà soát, đánh giá những sản phẩm truyền thống có thế mạnh xuất khẩu để định hướng đầu tư phát triển.

Công ty TNHH Cơ khí, dệt may xuất khẩu Thanh Chất, xã Thái Phương không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thanh Thủy