Thứ 2, 23/12/2024, 11:42[GMT+7]

Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững

Chủ nhật, 27/08/2023 | 20:26:37
17,485 lượt xem
Theo số liệu công bố hiện trạng rừng năm 2022, tỉnh Thái Bình có 4.248,06ha rừng ven biển phân bố tại 12 xã ven biển của hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải. Nhiều năm qua, rừng ven biển Thái Bình đóng vai trò rất lớn trong việc phòng hộ ven biển, bảo vệ môi trường, lưu giữ đa dạng sinh học vùng bờ biển.

Thái Bình hiện có 4.248,06ha rừng ven biển tại hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải.

Rừng ngập mặn ven biển có chức năng phòng hộ chống xói mòn, duy trì cân bằng hệ sinh thái, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cung cấp nguồn giống động thực vật và an ninh, quốc phòng ven biển. Chính vì thế, bảo vệ và phát triển rừng luôn là một trong những nhiệm vụ được tỉnh đặc biệt chú trọng. Nhiều dự án trồng, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn được triển khai trên địa bàn tỉnh góp phần gia tăng đáng kể diện tích, chất lượng rừng. Cụ thể, từ năm 2015 đến năm 2022, diện tích rừng ven biển của tỉnh tăng 539ha (từ 3.709ha năm 2015 tăng lên 4.248,06ha năm 2022). Thời gian tới, Thái Bình tiếp tục có chủ trương trồng mới 1.000ha, trồng bổ sung 500ha rừng ven biển. Chủ trương này được cụ thể hóa trong đề xuất quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch lâm nghiệp tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030.

Việc thành lập Khu kinh tế Thái Bình là một trong những trọng điểm mang tính bứt phá, bước ngoặt để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tập trung khai thác lợi thế tài nguyên biển, phát triển kinh tế hướng ra biển nhằm khơi dậy tiềm năng kinh tế biển của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, XX.

Xác định rõ tầm quan trọng đó, chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Thái Bình là phát triển Khu kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, đặc biệt ở hai huyện ven biển với hệ sinh thái rừng ngập mặn. Để phục vụ phát triển Khu kinh tế Thái Bình theo quy hoạch chung của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát điều chỉnh tất cả các quy hoạch có liên quan bảo đảm thống nhất và đồng bộ với quy hoạch chung Khu kinh tế Thái Bình. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, các quy định phải điều chỉnh gồm: Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2012 - 2020 (quy hoạch này đã được UBND tỉnh điều chỉnh tại Quyết định số 600/QĐ-UBND ngày 28/3/2023); quy mô khu rừng đặc dụng (đã được UBND tỉnh điều chỉnh tại Quyết định số 731/QĐ-UBND ngày 17/4/2023 của UBND tỉnh về việc xác định vị trí, quy mô, diện tích, ranh giới khu rừng đặc dụng tại 3 xã ven biển Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thịnh (Tiền Hải). Theo đó, diện tích khu rừng đặc dụng là 1.320ha, gồm phần đất có rừng ngập mặn 632ha, diện tích đất chưa có rừng 688ha. Dẫn theo Quyết định số 731/QĐ-UBND, có bài báo thông tin không chính xác về việc Thái Bình phát triển Khu kinh tế làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Về việc này, ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Ngày 28/10/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1486/QĐ-TTg về quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 1486). Theo đó, giao UBND tỉnh Thái Bình có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình. Các quy hoạch liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp, bảo tồn phải điều chỉnh để bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình gồm: Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012 - 2020; khu rừng đặc dụng có tên gọi là Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải tại 3 xã: Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thịnh (Tiền Hải) đã xác lập theo Quyết định số 2159/QĐ-UBND, ngày 26/9/2014 của UBND tỉnh Thái Bình, vì so với Quyết định số 1486 khu rừng đặc dụng này chồng lấn rất nhiều với Khu kinh tế Thái Bình. Căn cứ Luật Lâm nghiệp năm 2017, Quyết định 1486, ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 600/QĐ-UBND, ngày 28/3/2023 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012 - 2020, Quyết định số 731/QĐ-UBND, ngày 17/4/2023 của UBND tỉnh về việc xác định vị trí, quy mô, diện tích, ranh giới khu rừng đặc dụng tại 3 xã ven biển Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thịnh (Tiền Hải).

Ông Đinh Hải Lục, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải ở 3 xã trên chỉ là tên gọi, thực chất đây là rừng đặc dụng, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định đây là vùng đất ngập nước và diện tích 12.500ha như trong bài báo nêu cũng không phải là con số chính xác khi quy mô, diện tích rừng đặc dụng này chưa có căn cứ pháp lý công nhận. Vì vậy, việc xác định vị trí, quy mô và ranh giới khu rừng đặc dụng ở 3 xã theo Quyết định số 731/QĐ-UBND của UBND tỉnh là hoàn toàn phù hợp và đúng với quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ đối với Khu kinh tế Thái Bình; không có việc Thái Bình “xóa sổ” hơn 11.000ha rừng ngập mặn như bài báo đã nêu.

Sau 6 năm được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập, đến nay Khu kinh tế Thái Bình đang dần hoàn thiện kết cấu hạ tầng và từng bước thu hút được nhiều dự án lớn, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của chính quyền cũng như người dân hai huyện ven biển Thái Thụy, Tiền Hải, trong đó có 3 xã Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thịnh. 

Ông Trần Minh Phùng, xã Nam Hưng (Tiền Hải) cho biết: Rừng tại khu vực này rất phân tán, manh mún, chia cắt và xen kẹp với đầm nuôi trồng thủy sản, việc sử dụng đất tại đây rất phức tạp, hầu như toàn bộ diện tích đất chưa có rừng (đầm, bãi triều...) đều được người dân sử dụng để nuôi trồng thủy sản. Tôi rất phấn khởi khi địa phương nằm trong Khu kinh tế Thái Bình bởi sẽ tạo việc làm ổn định cho nhiều con em, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế biển.

Thái Bình hiện đang tập trung triển khai nhiều giải pháp thu hút đầu tư, phát triển Khu kinh tế Thái Bình để trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, địa bàn có tính đột phá của tỉnh hướng tới mục tiêu tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Vì vậy, cần sự đồng thuận của các cấp ủy, chính quyền cũng như người dân để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Ngân Huyền