Thứ 2, 25/11/2024, 02:06[GMT+7]

Chủ động từ xa phòng, chống buôn lậu lợn và sản phẩm từ lợn

Thứ 4, 13/09/2023 | 08:17:16
6,045 lượt xem
UBND tỉnh vừa ban hành công văn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương về công tác ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam. Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389/ĐP) tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm phòng ngừa và quyết tâm giữ ổn định thị trường. Để hiểu rõ hơn về những hoạt động này, phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Nghiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh.

Lực lượng quản lý thị trường thành phố Thái Bình kiểm tra hoạt động kinh doanh thịt lợn tại chợ Đề Thám.

Phóng viên: Thời gian qua, tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép lợn và sản phẩm từ lợn vào Việt Nam, nhất là từ Campuchia diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước. Xin ông cho biết, tại Thái Bình tình hình hiện nay như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Nghiên: Trên địa bàn tỉnh hiện nay có gần 2.400 trang trại, gia trại chăn nuôi, trong đó có gần 1.400 trang trại, gia trại chăn nuôi lợn và ước tính có khoảng 250.000 hộ chăn nuôi; 6 cơ sở giết mổ tập trung, khoảng 1.700 điểm giết mổ nhỏ lẻ và hàng nghìn cơ sở, hộ kinh doanh thịt lợn. Vì vậy, có thể nói nguồn cung về lợn và sản phẩm từ lợn luôn bảo đảm cân đối đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân; tình hình giá cả thị trường mặt hàng lợn, sản phẩm từ lợn cũng tương đối ổn định. Qua theo dõi nắm địa bàn, phần lớn cơ sở, hộ hành nghề giết mổ lợn cơ bản mua lợn từ các trang trại, gia trại trong tỉnh và một số tỉnh lân cận. Hoạt động vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn trên địa bàn không có hiện tượng tăng đột biến, hàng hóa đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật theo quy định.

Phóng viên: Xin ông cho biết ý kiến về việc người chăn nuôi và cả người tiêu dùng đều lo ngại nếu có hiện tượng mua bán, vận chuyển lợn lậu vào địa bàn tỉnh và nguy cơ xảy ra dịch bệnh cho đàn vật nuôi, mất vệ sinh an toàn thực phẩm?

Ông Nguyễn Văn Nghiên: Những nỗi lo lắng đó của người dân là hoàn toàn có cơ sở. Ngay khi có tình trạng buôn bán, vận chuyển lợn trái phép qua biên giới vào Việt Nam ở một số tỉnh, thành phố, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo đấu tranh, ngăn chặn ngay bởi nó làm ảnh hưởng đến sản xuất, đồng thời gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn lợn trong nước. Lợn nhập lậu không rõ nguồn gốc, có thể được cho ăn các sản phẩm cấm dùng trong chăn nuôi, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, có nguy cơ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước và sức khỏe người dân. So với hàng hóa trong nước, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hàng nhập lậu nói chung thường có giá rẻ, cạnh tranh không lành mạnh nên gây bất ổn thị trường. Vì vậy, Cục Quản lý thị trường tỉnh xác định công tác chống buôn lậu, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn trái phép vào địa bàn tỉnh là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý của lực lượng từ nay đến tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Phóng viên: Các đối tượng buôn lậu có những hành vi, thủ đoạn nhằm trốn tránh pháp luật và sự quản lý, kiểm soát của cơ quan chức năng. Để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, là cơ quan thường trực của BCĐ 389/ĐP tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã có những giải pháp và triển khai thực hiện như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Nghiên: Ngay sau khi có các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, BCĐ 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh và BCĐ 389/ĐP tỉnh về công tác chống mua bán, vận chuyển trái phép lợn và sản phẩm từ lợn qua biên giới vào Việt Nam, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã quán triệt, triển khai nhiệm vụ tới cán bộ, công chức, người lao động trong đơn vị; đồng thời, xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong buôn bán, vận chuyển trái phép lợn, các sản phẩm từ lợn. Trong đó, đơn vị chỉ đạo Đội Quản lý thị trường số 1 (Đội chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) tăng cường các biện pháp kiểm soát trên khâu lưu thông tại các tuyến giao thông huyết mạch, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm kinh doanh động vật, lợn không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường. Các đội quản lý thị trường huyện, thành phố tập trung quản lý, giám sát địa bàn, nắm chắc các cơ sở giết mổ, kinh doanh, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn. Lực lượng quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với các ngành thành viên BCĐ 389/ĐP tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển, lưu thông, kinh doanh. Cục cũng chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, chấp hành pháp luật của người dân, doanh nghiệp; tổ chức ký cam kết với các doanh nghiệp, cơ sở giết mổ, kinh doanh không vi phạm, không tiếp tay mua bán, vận chuyển trái phép lợn và sản phẩm từ lợn. Trên cơ sở bám sát khả năng cung cầu hàng hóa, dự báo tình hình thị trường, Cục Quản lý thị trường tỉnh có giải pháp quản lý phù hợp và tham mưu UBND tỉnh, BCĐ 389/ĐP tỉnh chỉ đạo đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại hiệu quả, quyết tâm không để thị trường những tháng cuối năm bị xáo trộn, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hà Thanh
(thực hiện)