Chủ nhật, 28/07/2024, 19:25[GMT+7]

Bùi Văn Vương Tìm hướng đi mới cho nghề làm hương

Thứ 5, 04/07/2013 | 09:40:14
7,401 lượt xem
Lâu nay, nhắc đến nghề làm hương nhiều người thường nghĩ đây là nghề truyền thống làm theo phương thức thủ công, tiêu thụ ở thị trường nội địa. Tuy nhiên, anh Bùi Văn Vương ở thôn Dương Thanh (xã Thụy Dương, Thái Thụy) đã tìm ra một hướng đi mới cho nghề này là mua máy móc về sản xuất hương xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Cơ sở sản xuất hương xuất khẩu Minh Vương (xã Thụy Dương, huyện Thái Thụy) tạo việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn.

Anh Vương chia sẻ: Trước đây anh làm nghề xây dựng, nhận nhiều công trình ở miền núi, có thời điểm tạo việc làm cho khoảng 60 lao động với mức thu nhập từ 4 đến 6 triệu đồng/người/tháng; sau khi trừ mọi chi phí mỗi năm anh cũng giành dụm được nguồn vốn kha khá. Tuy nhiên, làm nghề này luôn phải đi xa nhà, có khi cả năm anh chỉ về thăm vợ con được 1 đến 2 lần.

Thời gian qua, việc xây dựng các công trình có xu hướng chững lại nên sau 7 năm gắn bó với nghề, đầu năm 2012 anh tính chuyện về quê tìm công việc nào đó vừa ổn định, gần gia đình vừa tạo việc làm cho nhiều lao động. Thấy người bạn trước đây cùng đi xây ở xã An Đồng (Quỳnh Phụ) mở xưởng làm hương xuất khẩu, anh sang tận nơi tham quan, học tập kinh nghiệm. Sau đó, Bùi Văn Vương quyết định vào miền Nam đặt mua máy làm hương và tìm đối tác ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Ấn Độ. Anh đầu tư 600 triệu đồng mở xưởng, mua máy, chọn 4 thợ sang An Đồng học kỹ thuật làm hương rồi về dạy nghề cho những lao động khác.

Tháng 3/2012, cơ sở sản xuất hương xuất khẩu của Bùi Văn Vương chính thức đi vào hoạt động. Làm hương truyền thống có bí quyết riêng về hương liệu, còn với hương xuất khẩu mỗi nén làm ra phải đạt tiêu chuẩn và qua kiểm định nghiêm ngặt của khách nước ngoài như: nén nhỏ đều, dài 23 cm, chắc, không rạn nứt. Nguyên liệu sản xuất hoàn toàn bằng than, mùn cưa, keo với một quy trình nghiền, định mức pha chế nhất định… Để đáp ứng được yêu cầu của bạn hàng, ngoài việc tự nghiên cứu các mẫu hàng, anh Vương còn tìm đến nhiều cơ sở sản xuất hương xuất khẩu ở Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội… học thêm bí quyết, kinh nghiệm. Những nén hương đầu tiên sản xuất ra, hai vợ chồng rất lo lắng, chỉ đến khi bạn hàng Ấn Độ sang kiểm tra chất lượng, họ gật đầu đồng ý tiêu thụ anh mới thở phào nhẹ nhõm. Sau đó không lâu, mẻ hương đầu tiên của cơ sở Minh Vương đã được “xuất ngoại”. Chỉ tính riêng năm 2012, anh đã xuất sang thị trường Ấn Độ 80 tấn hương. Từ đầu năm 2013 đến nay, nhu cầu sản phẩm tăng lên, mỗi tháng cơ sở của anh sản xuất 24 tấn hương thành phẩm.

Đến thăm cơ sở của anh Vương vào một ngày tháng 6, chúng tôi thực sự ngạc nhiên trước những nén hương làm ra từ máy, mười nén đều như nhau cả mười, tròn trịa, sáng bóng, khi đốt cháy đều, cuộn, tàn hương không rơi. Đặc biệt, công đoạn làm hương tại xưởng chỉ dừng ở việc sản xuất thô, sang Ấn Độ đối tác sẽ tẩm hương liệu phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Hiện nay, xưởng sản xuất hương xuất khẩu Minh Vương có 14 máy, tạo việc làm cho 32 lao động, chủ yếu là những phụ nữ lớn tuổi ở nông thôn với thu nhập bình quân từ 1,8 đến 2,4 triệu đồng/người/tháng. Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi tháng 2 vợ chồng anh Vương thu lãi từ 17 đến 20 triệu đồng, dự kiến khoảng 2 năm sẽ thu hồi toàn bộ vốn đầu tư. Không chỉ sản xuất hương, Bùi Văn Vương còn duy trì nghề xây dựng, tạo việc làm cho khoảng 30 lao động. Anh cho biết, hiện nay nhu cầu hương ở Ấn Độ rất lớn, sản phẩm làm ra bao nhiêu cũng tiêu thụ hết và được bạn hàng rất tin dùng vì chất lượng, mẫu mã bảo đảm. Thời gian tới, anh dự kiến chuyên làm hương, đầu tư mua thêm máy móc, thuê thêm nhân công để tăng sản lượng. Tuy nhiên, cái khó của hai vợ chồng hiện nay là không có mặt bằng, vườn đã xây kho chứa hàng, sân nhà tận dụng làm xưởng sản xuất và phải phơi hương nhờ ở nhiều nơi.

Vì vậy, anh Bùi Văn Vương mong muốn được chính quyền địa phương, huyện, tỉnh phê duyệt dự án đầu tư mở rộng sản xuất, tạo điều kiện cho thuê từ 1.000 đến 2.000 m2 đất, vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động để tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa