Chủ nhật, 28/07/2024, 19:24[GMT+7]

UBND tỉnh Nghe và cho ý kiến về một số dự án, đề án quan trọng

Thứ 5, 04/07/2013 | 20:45:29
1,334 lượt xem
Ngày 4/7, UBND tỉnh tổ chức họp để nghe và cho ý kiến về Dự án nâng cấp Trường Trung học Nông nghiệp Thái Bình lên Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thái Bình; Đề án phát triển các phương tiện đánh bắt xa bờ, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường biển; Báo cáo kết quả đấu thầu giai đoạn 1 và phương án triển khai xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải bằng nguồn vốn ODA.

Đồng chí Phạm Văn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Ảnh: Bình Minh

* Ngày 4/7, UBND tỉnh tổ chức họp để nghe và cho ý kiến về Dự án nâng cấp Trường Trung học Nông nghiệp Thái Bình lên Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thái Bình; Đề án phát triển các phương tiện đánh bắt xa bờ, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường biển. Đồng chí Phạm Văn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Dự họp có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp nhận hồ sơ về đề nghị  nâng cấp Trường Trung học Nông nghiệp Thái Bình lên Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thái Bình, nhưng chưa ra quyết định phê duyệt do trường còn thiếu nhiều điều kiện. Thời gian gần đây, Trường Trung học Nông nghiệp Thái Bình đã được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, tăng biên chế giáo viên; tăng cường công tác tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo… Đến nay, nhiều tiêu chí của trường đã đáp ứng đủ điều kiện để trở thành trường cao đẳng. Theo Dự án, trước mắt trường đào tạo 6 ngành, gồm chăn nuôi, thú y, trồng trọt, bảo vệ thực vật, kế toán, quản lý đất đai. Thông qua hoạt động đào tạo của trường nhằm đáp ứng nhu cầu cân đối nguồn lực nông nghiệp, bảo đảm đủ nhân lực cho các ngành kỹ thuật nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh.

Mục tiêu việc phát triển các phương tiện đánh bắt xa bờ là nhằm hoàn thành việc tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản, hiện đại hóa đội tàu để phù hợp với từng nhóm nghề, ngư trường khai thác, nâng cao thu nhập cho ngư dân, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường biển. Theo đó, giai đoạn 2013-2015, phấn đấu đóng mới, cải hoán, hiện đại hóa đội tàu công suất 300 CV trở lên là 80 chiếc, trong đó đóng mới 6 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá; 100% số tàu khai thác hải sản vùng ngoài khơi được trang bị máy thông tin liên lạc hiện đại; 100% tàu đánh bắt xa bờ có khu neo đậu tránh, trú bão thuận tiện, an toàn; 30% - 40% tàu cá vùng khơi được tổ chức sản xuất theo mô hình có tàu hậu cần dịch vụ nghề cá trên ngư trường và thu mua sản phẩm khai thác…Vốn cần đầu tư để phát triển các phương tiện đánh bắt xa bờ trong giai đoạn này ước khoảng 160 tỷ đồng.

Sau khi nghe các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Nông nghiệp & PTNT kết hợp với Trường Trung học Nông nghiệp sắp xếp lại tổ chức các phòng, khoa theo hướng gọn nhẹ, nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả đào tạo. Các ngành nghề đạo tạo cần tập trung chủ yếu về trồng trọt, chăn nuôi, quản lý đất đai, bảo vệ thực vật, thú y; không đào tạo ngành kế toán vì đã có nhiều trường đào tạo ngành này. Đồng thời, kiện toàn đủ số lượng giáo viên có trình độ chuyên môn đạt chuẩn để bảo đảm công tác đào tạo có chất lượng ngang bằng với các trường cao đẳng, đại học khác. Sở Nông nghiệp & PTNT sớm bổ sung thêm những nội dung chưa đầy đủ để hoàn thiện Dự án và thực hiện đầy đủ các thủ tục trình UBND tỉnh phê duyệt để đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xét duyệt.

Đối với Đề án phát triển các phương tiện đánh bắt xa bờ, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường biển, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản nhất trí với nội dung đã nêu. Tuy nhiên, về cơ chế chính sách hỗ trợ, tỉnh sẽ thảo luận thêm với Sở Nông nghiệp & PTNT và Sở Tài chính để có cơ chế hỗ trợ riêng của tỉnh nhằm phát triển phương tiện đánh bát xa bờ có hiệu quả.

* Cùng ngày, UBND tỉnh họp nghe UBND Thành phố Thái Bình báo cáo kết quả đấu thầu giai đoạn 1 và phương án triển khai xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải bằng nguồn vốn ODA. Đồng chí Phạm Văn Ca, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Dự án cải tạo và xây dựng hệ thống thoát nước Thành phố Thái Bình được Chính phủ đưa vào danh mục công trình sử dụng tín dụng ODA năm 2008 với tổng mức đầu tư tương đương 10 triệu EURO, trong đó phía Na Uy tài trợ 85% và đối ứng của Việt Nam là 15%. Dự án được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 tập trung xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải gồm: trạm xử lý, hệ thống cống bao, các trạm bơm tăng áp và một số thiết bị phục vụ công tác vận hành được phê duyệt với giá 208,819 tỷ đồng (tương đương 8,9 triệu EURO); giai đoạn 2 gồm các hạng mục: kè sông Đoan Túc, sông 3-2, cống đầu sông Vĩnh Trà, cống hộp đường Trần Thủ Độ...

Đến thời điểm đóng thầu (9h ngày 30/11/2012) đã có 8 nhà thầu tham gia mua hồ sơ mời thầu gói thầu giai đoạn 1, 3 hồ sơ dự thầu đã nộp theo đúng thời gian quy định. Kết quả, Công ty cổ phần Kỹ thuật SEEN (Hà Nội) trúng thầu với giá dự thầu 7,85 triệu EURO, giảm 12,7%, giá cuối cùng 6,91 triệu EURO, thời gian thi công 700 ngày. Dự kiến chậm nhất trong tháng 7/2013, chủ đầu tư sẽ hoàn tất các thủ tục và ký kết các hợp đồng xây dựng, tư vấn giám sát quốc tế; trước tháng 7 âm lịch sẽ tổ chức khởi công. Một trong những khó khăn nhất của dự án đó là công tác giải phóng mặt bằng khu vực xây dựng nhà máy, hiện nay đã lập trích đo địa chính nhưng tất cả 43 hộ đều chưa ký.

Sau ý kiến phát biểu của đại diện các sở, ngành, kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh yêu cầu UBND Thành phố khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để dự án sớm được thi công, trong đó tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng. Đối với vốn đối ứng, trong quá trình triển khai nếu thiếu thì UBND Thành phố phải sớm làm tờ trình HĐND tỉnh xem xét, tránh tình trạng sử dụng nguồn vốn không đúng mục đích. Đối với nguồn vốn đầu tư dư ra do giảm giá trong đấu thầu, UBND Thành phố có thể sử dụng cho hạng mục kè sông Đoan Túc ở giai đoạn 2. Trong quá trình triển khai, nếu vướng mắc đến đâu thì giải quyết ngay đến đó, nếu thấy cần thiết có thể lập ban chỉ đạo thực hiện dự án. Đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND Thành phố sớm hoàn thiện đánh giá tác động môi trường của dự án và gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định.

Nguyên Bình - Minh Hương

  • Từ khóa