Chủ nhật, 28/07/2024, 19:30[GMT+7]

Chi cục Thú y Nỗ lực phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản

Thứ 6, 05/07/2013 | 08:53:00
1,250 lượt xem
Những tháng đầu năm 2013, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản diễn biến khá phức tạp, như bệnh tai xanh ở lợn, dịch đốm trắng ở tôm đã bùng phát ở nhiều địa phương. Trước thực trạng trên, Chi cục Thú y đã kết hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, địa phương và chỉ đạo hệ thống thú y cơ sở nhanh chóng vào cuộc, xử lý kịp thời nên dịch bệnh trên đàn gia súc, thủy sản được khống chế, bảo đảm cho người chăn nuôi yên tâm tiếp tục đầu tư tái đàn.

Lực lượng thú y xã Vũ Hòa (Kiến Xương) phun hóa chất tiêu độc khử trùng phòng, chống bệnh tai xanh ở lợn.

Ngay từ đầu năm, Chi cục đã triển khai công tác tiêm phòng vụ xuân hè cho đàn gia súc, gia cầm đến các huyện, thành phố và hướng dẫn người chăn nuôi tiêm đầy đủ các loại vắc xin theo quy định. Đối với gia cầm, Chi cục đã cung ứng khoảng 120.000 liều vắc xin các loại, trong đó có 32.000 liều vắc xin cúm H5N1 chủng Re6 và 66.590 liều phòng bệnh Niu-cát-xơn, Gumboro, tụ huyết trùng, dịch tả vịt, đậu gà. Các loại vắc xin tiêm phòng bệnh cho đàn lợn đạt kết quả tương đối khá, tiêm phòng dịch tả được gần 600.000 con, tụ dấu 284.362 con, lở mồm long móng gần 180.000 con…

Kết quả 6 tháng đầu năm, tiêm vắc xin các bệnh đỏ ở lợn và lở mồm long móng đã tăng từ 30 - 60% so với cùng kỳ năm trước; trong đó tiêm vắc xin dịch tả tăng 51%, tụ dấu tăng 31%, phó thương hàn tăng 30%, lở mồm long móng gia súc tăng 61%. Việc giám sát dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm được duy trì thường xuyên thông qua hệ thống thú y cơ sở và qua đường dây nóng của Chi cục. Nhiều ca bệnh đã được Chi cục kiểm tra, xác minh kịp thời ngay sau khi tiếp nhận thông tin dịch bệnh từ cơ sở. Thực hiện Dự án VAHIP, Chi cục đã lấy 108 mẫu Swabs ở 3 chợ trên địa bàn huyện Đông Hưng, Thái Thụy và Quỳnh Phụ đem đi xét nghiệm. Kết quả có 2/108 mẫu dương tính cúm A, không có mẫu nào dương tính với vi rút cúm gia cầm Subtype H5N1.

Đặc biệt, việc phòng chống dịch bệnh tai xanh trên đàn lợn được Chi cục thực hiện khá hiệu quả, giảm thiệt hại đáng kể cho người chăn nuôi. Ngay khi có thông tin dịch bệnh tại xã Vũ Hòa (Kiến Xương), Vũ Đoài, Vũ Vân (Vũ Thư) và Phú Xuân (Thành phố Thái Bình), Chi cục Thú y đã xuống kiểm tra, xác minh, đồng thời chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định công bố dịch và các biện pháp dập dịch. Đồng thời, tăng cường cán bộ xuống cơ sở chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, giám sát các biện pháp phòng chống dịch, như quản lý, điều trị lợn ốm, tổ chức tiêm 12.830 liều vắc xin tai xanh tại các ổ dịch, sử dụng 810 lít hóa chất Benkocid và 14 tấn vôi bột để thực hiện tiêu độc khử trùng chuồng trại và xung quanh chuồng nuôi… Dịch bệnh tai xanh đã phát sinh tại 117 hộ chăn nuôi, với số lợn mắc bệnh là 528 con trong tổng đàn 1.283 con; số lợn điều trị khỏi bệnh là 424 con, chết và tiêu hủy 104 con.

Như vậy, việc vào cuộc kịp thời của Chi cục, cùng với sự chỉ đạo kiên quyết thực hiện các biện pháp của cơ sở nên dịch bệnh sớm được khống chế, số lợn khỏi bệnh chiếm tỷ lệ cao. Đối với kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật, vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ được Chi cục duy trì nền nếp, hiệu quả, đúng quy trình, kỹ thuật. Đến hết tháng 6/2013, Chi cục đã kiểm tra và cấp 3.612 giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển trong nước cho trên 2 triệu con lợn các loại, trên 3,6 triệu con gia cầm; cấp giấy kiểm dịch sản phẩm động vật cho trên 647.000 kg thịt và gần 658.000 quả trứng gia cầm.

Ngoài ra, việc kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Thái Bình, Công ty cổ phần Thực phẩm An Vũ (Quỳnh Phụ)… được cán bộ của Chi cục trực tiếp thực hiện. Từ đầu năm đến nay đã kiểm soát giết mổ được 5.784 con lợn, xử lý 82 con lợn không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y. Đối với thú y thủy sản, trong tháng 3/2013, tại xã Nam Phú (Tiền Hải) đã xuất hiện ngao chết bất thường, Chi cục đã phối hợp với Chi cục Nuôi trồng thủy sản, Phòng Nông nghiệp & PTNT Tiền Hải tiến hành kiểm tra, xác định nguyên nhân ngao chết và đưa ra các biện pháp xử lý, ngăn ngừa.

Đặc biệt, đầu tháng 4/2013 đã xảy ra hiện tượng tôm chết tại 13 thôn, thuộc 4 xã ở 2 huyện Tiền Hải và Thái Thụy, Chi cục đã nhanh chóng kiểm tra lâm sàng, lấy mẫu chẩn đoán xác minh do vi rút đốm trắng gây ra. Sau khi xác định được bệnh ở tôm, Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp & PTNT các biện pháp xử lý và trình UBND tỉnh ủy quyền cấp hóa chất hỗ trợ cho 4 xã có dịch 5.700 kg Chlorine để cấp phát đến các hộ dân xử lý gần 40 ha ao đầm nuôi tôm. Cùng với các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản, Chi cục Thú y còn phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y. Đến hết tháng 5/2013, đã kiểm tra được 9 cơ sở kinh doanh, 1 cơ sở sản xuất thuốc thú y và các sản phẩm thuốc thú y đang lưu hành trên địa bàn tỉnh của 21 công ty sản xuất thuốc thú y. Qua kiểm tra, Chi cục đã xử lý tiêu hủy gần 21.000 liều vắc xin các loại không bảo đảm yêu cầu bảo quản, không rõ nguồn gốc xuất xứ; thu hồi và tiêu hủy 350 sản phẩm thuốc thú y…; xử phạt 57,5 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: Ngoài những kết quả đạt được, thẳng thắn nhìn lại thì việc tiêm vắc xin định kỳ vụ xuân hè đạt tỷ lệ  chưa cao so với tổng đàn phải tiêm. Việc kiểm tra, kiểm dịch cho tôm sú, cá giống nước ngọt xuất bán ra thị trường của các cơ sở sản xuất, cũng như lượng tôm nhập về nuôi còn thấp so với số lượng thực tế nuôi thả. Đặc biệt, một số địa phương tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch còn lơ là và có tư tưởng không muốn công bố dịch, đồng thời chưa nắm bắt chính xác, cụ thể diễn biến dịch bệnh trên đàn vật nuôi của địa phương… Để khắc phục những hạn chế trên, thời gian tới Chi cục Thú y tiếp tục phối hợp với Báo Thái Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tăng cường tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản, nhất là việc tiêm vắc xin, chăn nuôi an toàn sinh học, tiêu độc khử trùng, giám sát phát hiện dịch bệnh…

Bài, ảnh: Nguyên Bình

 

  • Từ khóa