Thứ 3, 02/07/2024, 14:07[GMT+7]

Huyện đoàn Quỳnh Phụ Ðồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp

Thứ 2, 08/07/2013 | 09:00:33
1,410 lượt xem
Với phương châm “Hướng về cơ sở” trong công tác chỉ đạo, hỗ trợ và tổ chức hoạt động, những năm qua công tác Đoàn, Hội của huyện Quỳnh Phụ đã có bước chuyển rõ rệt, đặc biệt là triển khai và thực hiện có hiệu quả phong trào “Bốn đồng hành với thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp”.

Cơ sở sản xuất khung xe đạp thời trang của đoàn viên Dương Anh Tuấn tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn.

Bí thư Huyện đoàn - Khổng Minh Toại cho biết: Thanh niên tại địa phương đi làm ăn xa ngày một đông, số thanh niên còn lại ở nông thôn không nhiều, để thu hút, tập hợp họ đến với tổ chức Đoàn, coi Đoàn là người bạn đồng hành, là  địa chỉ tin cậy thì chỉ có đổi mới, nâng cao nội dung, hình thức, chất lượng các phong trào hoạt động, đáp ứng những nhu cầu bức thiết như: việc làm, thu nhập thì mới thu hút và giữ chân được thanh niên. 

 

Xác định được điều đó, những năm qua Huyện đoàn Quỳnh Phụ luôn đặt phong trào thanh niên lập nghiệp lên hàng đầu. Trong đó chú ý công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề giúp thanh niên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương; xây dựng và triển khai kế hoạch Đoàn tham gia phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo tới từng đoàn viên với nội dung chính là: Khuyến khích, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả; trang bị kiến thức khoa học, kỹ thuật; tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn phát triển kinh tế. 6 tháng qua, Huyện đoàn đã mở trên 30 lớp học nghề, định hướng nghề nghiệp cho trên 2.000 lượt đoàn viên thanh niên (ĐVTN). Tại nhiều cơ sở, thanh niên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, năng động trong phát triển ngành nghề truyền thống của địa phương… giúp diện mạo nhiều vùng quê đổi thay, nhiều thanh niên làm giàu hiệu quả.

 

Để thực hiện phong trào “Bốn đồng hành với thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp”, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho đoàn viên, hội viên thanh niên vay vốn phát triển gia trại, trang trại và sản xuất kinh doanh. Đến nay đã giải ngân trên 33 tỷ đồng cho 3.000 hộ gia đình ĐVTN vay với lãi suất ưu đãi, hàng trăm đoàn viên được tạo điều kiện vay từ nguồn vốn 120 của Trung ương đoàn. Có vốn, kiến thức, thanh niên đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình như: Xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp, nuôi trồng thủy sản, phát triển nghề truyền thống, mở các cơ sở sản xuất, kinh doanh… ngay tại địa phương. Toàn huyện hiện có trên 400 mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ, không chỉ tạo việc làm thường xuyên cho trên 2.000 lao động nông thôn mà còn mang lại thu nhập từ 80 - 150 triệu đồng/hộ/năm.

 

Đến thăm cơ sở sản xuất khung xe đạp thời trang của anh Dương Anh Tuấn, xã Quỳnh Minh, chúng tôi không chỉ ngạc nhiên về quy mô nhà xưởng của “ông chủ trẻ” mới ngoài 30 tuổi đời, mà còn khâm phục ý chí của một thanh niên đi lên từ hai bàn tay trắng. Tốt nghiệp Khoa Chế tạo, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 2002 với tấm bằng loại ưu nhưng Dương Anh Tuấn quyết định trở về quê hương thực hiện ước mơ sau khi tích lũy được chút kinh nghiệm từ các công ty liên doanh lớn tại Bắc Ninh. Những ngày đầu lập nghiệp thật vất vả, khó khăn, hầu như phải tự mày mò, chế tạo, tự đào tạo những công nhân đầu tiên và tự tìm đầu ra cho sản phẩm, nhưng rồi niềm vui cũng đã đến với anh khi suất xưởng những chiếc khung xe đạp đầu tiên ra thị trường.

 

Từ chỗ vừa làm chủ, vừa làm thợ, anh đã đào tạo được 10 thợ lành nghề, sản xuất trên 7.000 sản phẩm, doanh thu đạt 700 triệu đồng ngay trong năm đầu tiên. “Thừa thắng xông lên”, anh mở rộng quy mô sản xuất, đào tạo thêm nhiều thợ lành nghề; hiện tại xưởng của anh sản xuất cả khung xe đạp thời trang cho trẻ em và người lớn với tổng sản phẩm 6 tháng đầu năm 2013 đạt 25.000 chiếc, doanh thu trên 2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 40 thanh niên địa phương với thu nhập 2,5 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.

 

Còn đối với ĐVTN Nguyễn Văn Đức, thôn Vũ Xá, xã An Đồng, chúng tôi cảm phục bởi sự mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm của anh. Không giống phần lớn thanh niên khác cùng trang lứa xa rời vùng quê nghèo để tìm cuộc sống mới, sau khi tốt nghiệp THCS, Đức quyết tâm bám trụ lại với ước muốn làm giàu từ nghề “cha truyền con nối”. Ngay từ khi còn là học sinh tiểu học, rồi THCS, Đức đã đam mê “đục, đẽo” các sản phẩm từ gỗ. Các sản phẩm đồ gỗ nội thất, đồ gỗ mỹ nghệ do xưởng của anh sản xuất không chỉ chinh phục thị trường trong tỉnh, mà còn vươn tới các thị trường lân cận như: Namon> Định, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh… Bình quân mỗi tháng, anh xuất ra thị trường hàng chục bộ sản phẩm bàn, ghế, giường, tủ các loại với những hoa văn, mẫu mã đa dạng, phong phú; doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 17 - 20 lao động, thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng; lợi nhuận năm 2012 đạt trên 150 triệu đồng.

 

Thành quả mà Huyện đoàn Quỳnh Phụ đã làm được đó là tình trạng thanh niên nông thôn thất nghiệp đã giảm đáng kể, nhiều gia đình thanh niên từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu với phương châm "ly nông bất ly hương".

Bài, ảnh: Minh Nguyệt

 

 

  • Từ khóa