Thứ 5, 19/12/2024, 17:11[GMT+7]

Kỷ niệm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam 14/10 Hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Thứ 7, 14/10/2023 | 09:06:20
9,018 lượt xem
Thời gian qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) cho hội viên, nông dân để ứng dụng vào sản xuất, góp phần giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hướng đến phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn.

Mô hình trồng dưa lưới theo công nghệ Israel của chị Trần Thị Nhàn, xã Tiến Đức (Hưng Hà) cho hiệu quả cao.

Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Để việc hỗ trợ ứng dụng tiến bộ KHKT mang lại hiệu quả, các cấp hội đã tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân thành lập 102 mô hình kinh tế tập thể, trong đó có 6 hợp tác xã và 96 tổ hợp tác. Từ năm 2017 - 2023, các cấp hội cùng các tổ chức thành viên của MTTQ đã phối hợp tổ chức hơn 11.700 lớp tập huấn chuyển giao KHKT, công nghệ cao cho hơn 1 triệu lượt hội viên, nông dân; tín chấp với các ngân hàng hơn 3.500 tỷ đồng cho hơn 70.900 lượt hội viên, nông dân vay phát triển sản xuất; hỗ trợ hơn 9.500 tấn phân bón trả chậm trị giá hơn 137 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tổ chức hội còn khuyến khích, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia ứng dụng các thành tựu KHKT phù hợp với tình hình thực tế của gia đình, địa phương. Hàng năm, các cấp hội chủ động phối hợp với đơn vị tư vấn hỗ trợ, đào tạo, tập huấn xây dựng mô hình trình diễn VietGAP, sản phẩm OCOP và chuyển giao mô hình ứng dụng KHKT vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản cho hội viên, nông dân.

Được sản xuất trong môi trường thuận lợi với vốn và kiến thức trong tay cùng sự hỗ trợ của các cấp hội, nhiều hội viên, nông dân đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng KHKT vào sản xuất, mang lại hiệu quả cao gấp nhiều lần so với sản xuất truyền thống. Nhờ mạnh dạn vay vốn, đầu tư xây dựng mô hình trồng dưa lưới theo công nghệ Israel nên mỗi năm chị Trần Thị Nhàn, thôn Phú Vật, xã Tiến Đức (Hưng Hà) thu hoạch được khoảng 11 tấn dưa, thu lãi hơn 400 triệu đồng. “Được sự hỗ trợ của chính quyền, Hội Nông dân xã, gia đình tôi thuê lại đất của bà con, đầu tư 1,2 tỷ đồng xây dựng nhà màng trồng dưa lưới với diện tích khoảng 1,2 mẫu. Trồng dưa trong nhà màng có tác dụng giảm thiểu tác động của thời tiết đối với cây trồng, ngăn sâu bọ phá hoại. Cây dưa sinh trưởng và phát triển tốt, khi thu hoạch cho trái dưa có da đồng đều, màu sắc đẹp. Sản phẩm rất dễ bán, được siêu thị thu mua tận nơi, gia đình tôi chỉ việc bỏ công chăm sóc” - chị Nhàn chia sẻ.

Với mô hình nuôi vịt, bò kết hợp ao nuôi cá các loại, ông Mai Công Phướng, thôn Vạn Đồng, xã Hồng Dũng (Thái Thụy) thu lãi mỗi năm hơn 300 triệu đồng. Để có được thành quả này, ông Phướng đã tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT, các chuyến tham quan do Hội Nông dân xã tổ chức để ứng dụng vào mô hình của gia đình. Ông Phướng chia sẻ: Trên diện tích 7 mẫu, tôi nuôi khoảng 2.500 con vịt, 14 con bò và duy trì 4 ao cá. Trước đây đàn vịt của gia đình thường xuyên mắc bệnh do sàn của trang trại chưa bảo đảm vệ sinh. 2 năm trở lại đây tôi đầu tư 130 triệu đồng làm sàn inox, hệ thống ăn uống tự động và ứng dụng kỹ thuật nuôi mới, đàn vịt được nuôi theo quy trình khép kín. Từ đó giúp giải quyết vấn đề vệ sinh chuồng trại, vịt không chỉ khỏe, đẹp mà còn rút ngắn được thời gian nuôi từ 2 tháng rưỡi xuống còn 45 ngày. Mỗi năm tôi xuất bán cho thương lái khoảng 8.000 con vịt thương phẩm.

Ông Mai Công Phướng, xã Hồng Dũng (Thái Thụy) ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi vịt, thu lãi mỗi năm hơn 300 triệu đồng.

Ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Dũng cho biết: Cùng với mô hình của ông Phướng, nhiều hội viên, nông dân trong xã cũng đã tích cực ứng dụng KHKT để nuôi rươi kết hợp trồng lúa, nuôi gà đẻ... Hội Nông dân xã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, chuyển giao KHKT, hỗ trợ vay vốn, cung ứng phân bón cho hội viên, nông dân. Tuy nhiên, hầu hết các mô hình vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ, diện tích manh mún nên hiệu quả chưa cao.

Việc ứng dụng tiến bộ KHKT đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Thời gian tới, các cấp hội nông dân trong tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận và ứng dụng rộng rãi hơn nữa các thành tựu KHKT, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn tiếp tục có bước phát triển mới, xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và bền vững, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao, nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân.

Nguyễn Triệu