Thứ 7, 09/11/2024, 08:36[GMT+7]

Hưng Hà: Bức tranh kinh tế khởi sắc

Thứ 2, 30/10/2023 | 15:33:12
14,835 lượt xem
Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, huyện Hưng Hà đã triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. 9 tháng đầu năm, bức tranh kinh tế của huyện có nhiều điểm sáng, là tiền đề để hoàn thành tốt các mục tiêu năm 2023.

Hoàn thiện hạ tầng cụm công nghiệp Thống Nhất, huyện Hưng Hà.

Những gam màu tươi sáng

9 tháng đầu năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức đan xen nhưng các chỉ tiêu kinh tế của Hưng Hà vẫn tăng trưởng ấn tượng. Tổng giá trị sản xuất ước đạt 15.593,443 tỷ đồng, tăng 8,29% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 1.141 tỷ đồng, đạt 76% dự toán, bằng 105% cùng kỳ năm 2022. Điểm nhấn trong phát triển kinh tế là sản xuất nông nghiệp tiếp tục là thế mạnh của huyện. Trong đó, điển hình ở xã Chí Hòa đã quy hoạch 3 vùng chuyển đổi với diện tích 92ha gồm: khu vực đầm sen cửa Miếu thuộc thôn Vân Đài; khu vực trồng bưởi thôn Nhuệ; khu vực trồng cây dược liệu thôn Vân Đài. Các vùng sản xuất đều được đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi... bảo đảm cho việc tưới, tiêu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. 

Ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Chí Hòa cho biết: Nông dân trong xã đã từng bước tiếp cận với nền nông nghiệp hiện đại, chuyên nghiệp, đời sống kinh tế được nâng cao. Để tạo mọi điều kiện cho người dân chuyển đổi, chúng tôi rà soát quy hoạch vùng liền thửa, liền cánh, chú trọng huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông nội đồng, lưới điện để thuận lợi cho sản xuất.

Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hưng Hà cho biết: Đến nay, toàn huyện chuyển đổi được 152,7ha đất trồng lúa sang trồng các cây lâu năm và cây rau màu hàng năm; 850ha trồng cây ăn quả. Đồng thời, quy hoạch 3 vùng sản xuất gồm: vùng từ 200 - 300ha, vùng từ 150 - 200ha, vùng từ 100 - 150ha, phương thức luân canh đều là 2 vụ lúa chất lượng cao và 1 vụ màu. 9 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản đạt 2.705,619 tỷ đồng, tăng 2,66% so với cùng kỳ. Ngoài ra, huyện quy hoạch 153 điểm chăn nuôi tập trung, diện tích 691,12ha và 7 điểm quy hoạch nuôi cá lồng với 188 lồng cá. Toàn huyện có 176 trang trại và 2.040 gia trại sản xuất hiệu quả. Thời gian qua, Hưng Hà ban hành cơ chế hỗ trợ trên 17 tỷ đồng cho 5 vùng sản xuất gồm: dưa, bí xã Duyên Hải và Dân Chủ; ngưu tất xã Thống Nhất; cây ăn quả xã Cộng Hòa; cà rốt, ngô ngọt, lạc xã Điệp Nông; hỗ trợ giống cho 2 vùng sản xuất trồng cây dược liệu và 62ha lúa chất lượng cao tại xã Chí Hòa; chú trọng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa để nâng cao năng suất, trên cơ sở phát huy lợi thế từng vùng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nông dân Hồng Minh đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Nổi bật trong phát triển kinh tế của huyện là giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 9 tháng tăng 10,94% so với cùng kỳ năm 2022. Một số sản phẩm tăng trưởng khá như: chế biến lương thực thực phẩm tăng 10,36%; sản xuất đồ nhựa tăng 12,85%; sản xuất trang phục tăng 13,78%; dệt tăng 11,26%; sản xuất nước sạch tăng 15,65%... 

Ông Hoàng Văn Thụ, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: Thời gian qua, chúng tôi tham mưu UBND huyện ưu tiên phát triển một số lĩnh vực công nghiệp nền tảng, mũi nhọn, công nghệ cao; khẩn trương triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở rộng thị trường; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nhất là các chính sách về thuế, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất. Đây chính là cơ sở, nền tảng quan trọng để Hưng Hà hoàn thành mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp trong năm 2023.

Ngoài ra, 9 tháng đầu năm, huyện Hưng Hà còn phê duyệt 58 phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, thu hồi 223.369,3m2 đất với số tiền bồi thường, hỗ trợ trên 45 tỷ đồng; có 6/11 cụm công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích 282,8ha, trong đó có 10 dự án được triển khai từ đầu năm đến nay; tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp đạt 52,17%. Với những giải pháp đồng bộ, kinh tế Hưng Hà đang trên đà khởi sắc, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Hưng Hà đẩy mạnh mạng lưới siêu thị để nâng cao giá trị sản xuất.

Quyết tâm đạt mục tiêu

Để đạt mục tiêu tổng giá trị sản xuất 3 tháng cuối năm 2023 là 8.405,956 tỷ đồng, trong đó: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đạt 1.266,84 tỷ đồng; công nghiệp và xây dựng đạt 6.001,058 tỷ đồng; thương mại, dịch vụ đạt 1.198,059 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng năm 2023 đạt 10,8%, huyện Hưng Hà đã đề ra nhiều giải pháp thiết thực. 

Ông Phạm Cao Quân, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà cho biết: 3 tháng cuối năm là thời điểm tăng tốc để bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra cho cả năm, huyện kêu gọi các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và các tầng lớp nhân dân đồng sức đồng lòng, kịp thời khắc phục khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, phấn đấu hoàn thành toàn diện và vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2023. Trước mắt, các ngành chuyên môn và các địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá, phát hiện và chỉ đạo tổ chức sản xuất các mô hình có giá trị kinh tế cao; ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và tiếp thu khoa học kỹ thuật mới cho người dân; thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; tích cực mời gọi các nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp và các nhà đầu tư thứ cấp tham gia đầu tư vào các  cụm công nghiệp theo hướng ưu tiên các dự án có suất đầu tư lớn, giá trị tăng cao, ít ô nhiễm môi trường; thường xuyên nắm bắt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng, mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông, nhất là hạ tầng giao thông kết nối; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm để tạo kết cấu hạ tầng đồng bộ, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thanh Thủy