Thứ 3, 30/07/2024, 01:15[GMT+7]

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh Sôi động nghề và làng nghề ở Quỳnh Phụ.

Thứ 2, 13/09/2010 | 10:42:12
8,296 lượt xem
Mỗi năm các xã trong huyện sản xuất và cung ứng cho thị trường khoảng 2,3 triệu lá chiếu các loại, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 7.500 lao động. Nghề đan mây tre từ 7 xã ban đầu nay lan rộng ra tới 21 xã như Quỳnh Hải, Quỳnh Minh, Quỳnh Thọ, An Thái, Quỳnh Khê, An Đồng, An Quý, Quỳnh Mỹ…

Mỗi năm các xã trong huyện sản xuất và cung ứng cho thị trường khoảng 2,3 triệu lá chiếu các loại, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 7.500 lao động.

Nhận thức rõ vị trí, vai trò của nghề và làng nghề, thời gian qua huyện Quỳnh Phụ đã thực thi nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy ngành nghề thủ công phát triển toàn diện. Đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm tạo bước đột phá về tăng trưởng kinh tế, đồng thời là giải pháp quan trọng góp phần giải quyết nhu cầu việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

 

 Cùng với việc quán triệt sâu sắc chủ trương của tỉnh về phát triển nghề và làng nghề, BCH Đảng bộ huyện Quỳnh Phụ đã ban hành nghị quyết chuyên đề và xây dựng chương trình hành động cụ thể cho từng giai đoạn.

 

Chỉ đạo UBND huyện xây dựng đề án phát triển nghề và làng nghề đến năm 2010 làm căn cứ để các ngành, các xã triển khai. Việc phát triển ngành nghề thủ công được huyện tập trung vào hai hướng chính: Khôi phục nghề truyền thống và du nhập nghề mới.

 

Đến nay nhiều ngành nghề thủ công truyền thống có nguy cơ mai một đã được các địa phương khôi phục, từng bước mở rộng sản xuất; một số nghề không chỉ trụ vững mà còn phát triển ổn định, điển hình như các nghề thêu ren, đan mây tre, xe đay, đúc đồng nhôm, chế biến cói, cơ khí…

 

Riêng mảng ngành nghề mới, Quỳnh Phụ đã du nhập tổng cộng gần 20 nghề khác nhau như: Đính hạt cườm, gia công lưỡi câu, làm lông mi giả, gia công hàng mã, thêu áo Kimônô, đan lưới nilon, chạm khắc gỗ mỹ nghệ, thêu tranh nghệ thuật, bóc tách hạt điều…Từ chỗ còn nhiều xã “trắng nghề”, nay 100% số xã, thị trấn trong huyện đều đã có nghề. Trước năm 2000, toàn huyện chưa có xã nào được công nhận làng nghề, thì hết năm 2008 Quỳnh Phụ có tới 31 làng nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận; trong đó có 3 xã đạt tiêu chuẩn xã nghề là An Dục, An Tràng và An Vinh.

 

Một số nhóm nghề hiện đang phát triển khá ổn định, tiêu biểu hơn cả là nhóm nghề chế biến nông- lâm sản như dệt chiếu cói. Đây được coi là nghề truyền thống đã xuất hiện từ lâu tại các xã An Dục, An Tràng, An Hiệp, An Vũ, An Lễ và nay tiếp tục mở rộng sang một số xã mới như An Đồng, An Khê, Quỳnh Nguyên, Quỳnh Mỹ….

 

Nghề đan mây tre từ 7 xã ban đầu nay lan rộng ra tới 21 xã như Quỳnh Hải, Quỳnh Minh, Quỳnh Thọ, An Thái, Quỳnh Khê, An Đồng, An Quý, Quỳnh Mỹ… Nghề này hiện đang tạo việc làm ổn định cho khoảng 6.500- 7.000 lao động. Ngoài sản xuất đơn lẻ tại nhà, một số nơi đã thành lập các tổ hợp đứng ra tổ chức sản xuất và nhận bao tiêu sản phẩm đầu ra.

 

 Nhóm nghề chế biến LT- TP đang phát triển ở hầu khắp các xã trong huyện, mỗi năm chế biến khoảng 14.500 tấn lương thực các loại và xay xát trên 125.000 tấn thóc; sản phẩm từ các làng nghề Tô Hồ, Tô Đê (xã An Mỹ), Dụ Đại (Đông Hải) đã có uy tín trên thị trường được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao; 20 cơ sở xay xát  tại Đồng Tiến mỗi năm xay xát khoảng 30.000 tấn thóc các loại…

 

Hiện mỗi năm ngành chế biến LT- TP mang lại doanh thu khoảng 156 tỷ đồng và cung ứng cho thị trường khoảng 18.000 tấn bún và bánh đa, 800 tấn đậu phụ. Nhóm nghề sản xuất VLXD phát triển chủ yếu tại các xã ven sông Hoá và sông Luộc như An Bài, An Đồng, An Khê, Quỳnh Hoàng, Quỳnh Thọ… mỗi năm khai thác gần 1 triệu m3 cát, cho ra lò 48.000 tấn vôi, trên 15 triệu viên gạch xây các loại và 3 triệu viên ngói xi măng… tạo việc làm cho khoảng 3.800 lao động.

 

Nhóm nghề cơ khí được khôi phục tại 38/ 38 xã, thị trấn trong huyện với các sản phẩm chủ lực là cửa hoa, cửa xếp, cổng dậu, nông cụ, khung xe đạp, đồ gia dụng… Các ngành nghề phát triển là tiền đề cho các donh nghiệp trong làng nghề hình thành và phát triển, hiện tại Quỳnh Phụ có 8 doanh nghiệp và 36 chủ cơ sở sản xuất đang hoạt động hiệu quả, điển hình là Doanh nghiệp Bắc á (xã Quỳnh Giao), Công ty Việt Thắng (thị trấn Quỳnh Côi), cơ sở đồ gỗ Long Đĩnh, Đức Long (An Đồng)…

 

Ngành nghề phát triển còn góp phần giải quyết tốt vấn đề việc làm cho lao động khu vực nông thôn. Năm 2000 khu vực TTCN mới tạo việc làm cho khoảng 8.500 lao động thì nay đã tăng lên gần 39.000 người, chiếm 26,7% tổng số lao động trong độ tuổi của toàn huyện. Thu nhập của người lao động tuy chưa thật cao nhưng khá ổn định với mức trung bình từ 300.000- 450.000 đ/ người/ tháng.

 

Năm 2008, tổng giá trị sản xuất CN- TTCN của huyện Quỳnh Phụ đạt 435 tỷ đồng thì khu vực ngành nghề thủ công đóng góp khoảng 300 tỷ đồng. Nhiều sản phẩm từ nghề và làng nghề do người dân Quỳnh Phụ sản xuất ra đã có mặt ở thị trường cả trong và ngoài tỉnh, một số xuất khẩu ra cả thị trường thế giới như đồ gỗ mỹ nghệ, vàng mã, khung xe đạp, hàng mây tre…

Vũ Mạnh

  • Từ khóa