Chủ nhật, 17/11/2024, 23:10[GMT+7]

Tăng tốc những tháng cuối năm

Thứ 4, 01/11/2023 | 22:35:08
12,924 lượt xem
Từ đầu năm 2023 đến nay, kinh tế của tỉnh phát triển ổn định với tốc độ tăng trưởng 9 tháng đạt 7,72%, xếp thứ 6 vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 13 cả nước. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2023 trong bối cảnh còn nhiều khó khăn đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương phải tăng tốc triển khai quyết liệt các giải pháp.

10 tháng năm 2023, giá trị sản xuất, phân phối điện tăng 81,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong ảnh: Trung tâm Điện lực Thái Bình. Ảnh: Khắc Duẩn

Tạo đà bứt phá

Để tạo đà bứt phá, một trong những nhiệm vụ quan trọng được tỉnh chú trọng thực hiện là công tác thu hút đầu tư. Cùng với việc chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt và khó khăn, vướng mắc trong thu hút đầu tư để giải phóng, khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; chỉ đạo chấn chỉnh khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng lập, thẩm định và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục chủ trương đầu tư các dự án, tỉnh còn tổ chức làm việc với các đoàn công tác, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư; tổ chức thành công đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Australia, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Vương quốc Anh, trong đó đã ký được một số thỏa thuận hợp tác quan trọng và chỉ đạo triển khai kết quả sau chuyến công tác; đồng thời, tập trung triển khai công tác chuẩn bị tổ chức chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day” - một trong những sự kiện lớn, quan trọng của tỉnh nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển, lan tỏa môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài ra, tỉnh còn thành lập tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng; 3 tổ công tác chỉ đạo giải quyết các công việc còn tồn tại, vướng mắc do 3 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng và tổ công tác hỗ trợ triển khai dự án điện khí LNG; đồng thời, tổ chức đoàn công tác của tỉnh làm việc với 5 huyện về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh.

Với việc triển khai tích cực, hiệu quả đó, Thái Bình đã và đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Minh chứng rõ nét nhất chính là trong 10 tháng năm 2023 thu hút vốn đầu tư của tỉnh ước đạt gần 39.600 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022 với 103 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh (tổng vốn đăng ký gần 19.600 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó vốn FDI đạt 657,9 tỷ USD) và 17 dự án phát triển nhà ở (tổng vốn đầu tư gần 20.000 tỷ đồng).

10 tháng năm 2023, tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt 85,8 nghìn tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022.Trong ảnh: Khai thác thủy sản ở thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy).

Không chỉ chú trọng công tác thu hút đầu tư, tỉnh còn tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ngay từ đầu năm, tỉnh quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện giao và thông báo kế hoạch vốn sớm, chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện thủ tục, xây dựng kế hoạch tiến độ thi công và giải ngân chi tiết; chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng đẩy nhanh tiến độ dự án; đồng thời, thường xuyên tổ chức giao ban và kiểm tra các dự án, trên cơ sở đó kịp thời chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc. Chính vì thế, thời gian qua, Thái Bình luôn nằm trong tốp đầu các tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao trong cả nước, từ đó góp phần đẩy nhanh tiến độ một số dự án trọng điểm của tỉnh. Năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao gần 4.910 tỷ đồng; tổng kế hoạch vốn địa phương đã phân bổ gần 8.810 tỷ đồng. Đến hết tháng 10/2023, ước thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh đạt 85,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 46,8% kế hoạch tỉnh phân bổ.

Nỗ lực, quyết tâm cao thực hiện nhiệm vụ

Năm 2023 được xem là năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Chính vì thế, song song với các giải pháp phát huy thế mạnh của địa phương, Thái Bình còn tập trung chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thành phố trên cơ sở rà soát, đánh giá kết quả đạt được, đề ra các giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện, bảo đảm đạt cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2023 đã đề ra. Một trong những nhiệm vụ cần tập trung cao độ là công tác thu ngân sách nhà nước. Đến hết tháng 10/2023, tổng thu nội địa do ngành thuế thực hiện ước đạt gần 5.900 tỷ đồng, đạt 51,8% dự toán. 

Ông Đỗ Hồng Nam, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Trong 2 tháng cuối năm, ngành thuế tiếp tục triển khai Chỉ thị số 10/CT-UBND của UBND tỉnh về đẩy mạnh công tác thu ngân sách nhà nước năm 2023, thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế nhằm phấn đấu đạt được số thu ở mức cao nhất.

Cùng với ngành thuế, tại cuộc họp UBND tỉnh nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng, nhiệm vụ trọng tâm 2 tháng cuối năm 2023 được tổ chức vừa qua, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ. Trước mắt, tập trung sản xuất vụ đông hiệu quả, hưởng ứng mạnh mẽ phong trào thi đua trồng cây vụ đông do UBND tỉnh phát động; tiếp tục thúc đẩy phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh; thực hiện tốt hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; quản lý tốt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là dịp cuối năm; nắm bắt, triển khai và tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, cơ chế, chính sách của tỉnh, đặc biệt là các cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp...

Minh Hương