Chủ nhật, 17/11/2024, 23:13[GMT+7]

Thăng Long: Phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân

Thứ 6, 03/11/2023 | 08:18:43
15,126 lượt xem
Những năm qua, xã Thăng Long (Đông Hưng) thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập cho người dân, hướng tới xây dựng đô thị loại V. Trong đó, địa phương chú trọng du nhập, duy trì, phát triển các ngành nghề, đồng thời xây dựng các mô hình nông nghiệp hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cơ sở may của bà Nguyễn Thị Huyền, thôn Thần Khê, xã Thăng Long giải quyết việc làm cho 65 lao động địa phương.

Trước đây xã Thăng Long sản xuất nông nghiệp là chính nên đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Thời điểm nông nhàn rất nhiều lao động của xã phải đi làm ăn xa để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Vì thế, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế, chú trọng phát triển đa dạng ngành nghề sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Hiện toàn xã có hàng trăm lao động làm trong các công ty; hàng trăm người làm nghề xây dựng, mộc, cơ khí, may, lắp ráp bật lửa, gấp giấy tiền...; hơn 500 lao động đi làm ăn xa. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của xã 3 năm qua tăng bình quân 14,3% so với năm 2020, chiếm 55,69% cơ cấu kinh tế. 

Bà Nguyễn Thị Huyền, chủ cơ sở may ở thôn Thần Khê cho biết: Trước đây cả hai vợ chồng tôi đều đi làm ở công ty, không có thời gian chăm sóc con nhỏ. Thấy ở quê có nhiều lao động nông nhàn trong khi đời sống còn khó khăn, vợ chồng tôi bỏ công ty về nhà mở cơ sở may hàng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa (khoảng 30.000 sản phẩm/tháng), giải quyết việc làm cho 65 lao động, lương bình quân 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Nhờ có những người mạnh dạn đưa nghề về quê như bà Huyền, nhiều chị em có con nhỏ, người già, người khuyết tật ở xã Thăng Long có việc làm. 

Bà Nguyễn Thị Đượm, thôn An Liêm phấn khởi cho biết: Tôi đã hơn 50 tuổi, không thể đi làm ở công ty, chị Huyền đưa nghề về quê cho những người như chúng tôi làm rất phù hợp. Công việc nhẹ nhàng, môi trường làm việc rất tốt, thu nhập của tôi mỗi tháng 6 triệu đồng, nhờ đó cuộc sống gia đình cũng ổn định hơn. 

Còn bà Lương Thị Liễu, thôn Thần Khê dù phải đeo kính để cắt chỉ quần áo nhưng vẫn mừng vì mình còn tham gia làm kinh tế được. Bà chia sẻ: Vợ chồng tôi có tuổi rồi nhưng ngồi chơi trong khi kinh tế gia đình chưa vững thì không đành, tôi nhận việc về làm, vừa có thêm thu nhập trang trải cuộc sống và quan trọng là thấy mình vẫn có ích.

Không chỉ đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xã Thăng Long còn tập trung nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp với nhiều cách làm linh hoạt. Xã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống lúa, mùa vụ gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chuyển đổi gần 30ha cấy lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả; khuyến khích nông dân đầu tư máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất, giải phóng sức lao động. Phát triển chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp, an toàn sinh học tiến tới quy trình khép kín từ chăn nuôi đến giết mổ và phân phối để nâng cao chất lượng, tăng giá thành. Tổng đàn gia súc, gia cầm của xã hiện có hơn 11.400 con. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản bình quân 3 năm qua đạt 28 tỷ đồng. 

Là một trong những hộ thoát nghèo nhờ mạnh dạn chuyển đổi hơn 5.000m2 ruộng cấy lúa kém hiệu quả xây dựng thành công mô hình kinh tế VAC, bà Vũ Thị Dân, thôn Lộ Vị chia sẻ: Trên chuồng tôi nuôi gà, vịt con, dưới ao nuôi cá giống, ngoài vườn trồng đào, quất phục vụ thị trường tết. Mỗi năm xuất bán 3 - 4 tấn cá giống, mỗi tháng tiêu thụ 25 vạn con gà, vịt giống, trồng khoảng 600 cây quất chum, 1.500 gốc đào thế, trừ chi phí gia đình tôi thu lãi hơn 1 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 3 lao động thường xuyên với thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng, 4 - 5 lao động thời vụ với thu nhập 200.000 đồng/ngày.

Vợ chồng bà Lương Thị Liễu, xã Thăng Long dù cao tuổi song vẫn nhận việc về nhà làm để có thêm thu nhập. 

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Thăng Long cho biết: Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của xã đạt 10%; thu nhập bình quân đạt 62,2 triệu đồng/người/năm. Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế, giúp người dân nâng cao thu nhập làm động lực hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, hướng tới xây dựng đô thị loại V, thời gian tới xã Thăng Long tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, tiếp tục thực hiện sản xuất hàng hóa tập trung, tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, bán công nghiệp, đạt hiệu quả; khuyến khích, hỗ trợ đào tạo nghề để cung cấp lao động có tay nghề cho các doanh nghiệp. Cùng với đó, xã duy trì và mở rộng các nghề hiện có tại địa phương, khuyến khích nhân dân du nhập nghề mới, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ổn định, mở rộng sản xuất. Tổ chức rà soát, bổ sung các quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương trên cơ sở quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao gắn với xây dựng và phát triển đô thị.


Hiếu Nghĩa