Thứ 5, 09/01/2025, 23:38[GMT+7]

Đồng Phú Thu nhập cao trên vùng đất chuyển đổi ven đê

Thứ 4, 17/07/2013 | 08:24:09
2,569 lượt xem
Vài năm trở lại đây, nhiều hộ dân xã Đồng Phú (Đông Hưng) tận dụng đất ven đê sông Trà Lý và chuyển những diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây màu như mía, ngô, đậu tương, ớt... mang lại hiệu quả gấp 2 - 3 lần cấy lúa góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân.

Người dân Đồng Phú (Đông Hưng) tỉa lá mía trồng trên vùng đất bãi chuyển đổi.

Với đặc thù một phần diện tích đất trong đê thường ngập trũng, cấy lúa cho năng suất không cao nên UBND xã quyết định cho các hộ gia đình chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác phù hợp. Nhiều hộ dân thuê máy hút bùn để bồi đắp tăng thêm độ cao sau đó tiến hành ươm gieo các loại cây. Toàn xã chuyển đổi trên 20 ha, trong đó mía 6 ha và đậu tương, lạc, ngô 6 ha, diện tích còn lại trồng rau màu khác.

Với diện tích đất bãi, nhiều hộ chọn trồng độc canh cây mía, hộ nhiều khoảng 1 mẫu, hộ ít từ 2 - 3 sào, tập trung ở các thôn ven đê như Cao Phú, Đồng Cống... Trồng mía tốn nhiều thời gian và công chăm sóc nhưng lợi nhuận cao hơn so với các loại cây trồng khác. Theo kinh nghiệm của các hộ trồng mía nơi đây, thời gian xuống giống vào khoảng tháng Giêng để đến tháng 9, khi bắt đầu có gió heo may lúc đó mía mới ngọt, giá thành sẽ cao hơn. Gia đình anh chị Nhạ, Huyền (thôn Cao Phú) có 3 sào đất bãi trồng mía, lựa những ngày trời mát tiến hành tỉa lá, buộc thành từng khóm, chống đổ nếu có bão về. Chị Huyền cho biết: Gia đình tận dụng hết diện tích đất bãi  trồng mía, năm nay nghe dự báo có nhiều đợt mưa lớn nên anh chị mua dây, luồng về ràng mía thành hàng, không để như năm ngoái mưa to, gió lớn làm mía đổ nhiều.

Còn chị Nguyễn Thị Hạnh (thôn Cao Phú), ngay khi cấy xong 6 sào lúa mùa, chị tranh thủ thời gian sang bãi chăm sóc diện tích mía của gia đình. Chị vui vẻ trò chuyện: Mặc dù bận mải nhưng chị vẫn trồng thêm 3 sào mía bãi; trồng mía, người dân vất vả ở giai đoạn đầu vì vừa phải chăm sóc, vun xới vừa phun thuốc trừ sâu, khi cây đã lên cao mỗi tháng chỉ cần bóc lá một lần để cho cây sinh trưởng, phát triển. Tới vụ thu hoạch, ô tô xuống tận ruộng thu mua, nhiều hộ có thu nhập 5 - 6 triệu đồng từ trồng mía. Những hộ trực tiếp mang đi tiêu thụ thì lợi nhuận cao hơn, khoảng 10 - 12 triệu đồng. Nhiều hộ gia đình còn áp dụng phương pháp xen canh, khi cây mía còn nhỏ trồng xen kẽ một số loại rau màu ngắn ngày như lạc, dưa, bí giữa những hàng mía và hai bên đầu hộc, khi được thu hoạch thì mía cũng vừa lên cao. Nhờ đó giảm được tỷ lệ sâu bệnh và cỏ dại trên ruộng, làm tăng độ tơi xốp, khả năng giữ ẩm trong đất.

Trên diện tích 4 sào đất bãi của gia đình anh Phạm Văn Phưởng có 2 sào mía, 2 sào lạc. Sau khi thu hoạch 2 sào lạc, gia đình anh tiến hành làm đất gieo ngô và đậu tương hè thu; do được chăm sóc đúng kỹ thuật nên cây màu phát triển tốt. Anh cho biết: Trước đây, vùng đất này người dân đều cấy lúa nhưng năng suất thấp nên nhiều người chuyển sang trồng các loại rau màu. Do thời gian sinh trưởng của cây mía khá dài, phải mất từ 8 - 9 tháng mới cho thu hoạch, nên một số hộ chọn trồng cây màu ngắn ngày bởi dễ trồng, thích hợp với đồng đất bãi; trừ chi phí mỗi sào đậu tương, lạc cho thu nhập trên 2 triệu đồng.

Không chỉ chú trọng khai thác diện tích đất bãi chuyển đổi, xã Đồng Phú còn bố trí lịch gieo cấy vụ mùa sớm để tạo quỹ đất trồng cây vụ đông. Theo kế hoạch, toàn xã gieo trồng trên 180 ha cây vụ đông, chủ yếu là đậu tương, khoai tây, ngô và các loại rau màu khác. Bên cạnh đó, xã Đồng Phú tổ chức tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật về chuyển đổi cơ cấu giống cây màu để bà con học tập kinh nghiệm áp dụng vào sản xuất vùng đất chuyển đổi, đất trồng cây vụ đông nhằm đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình, tạo điều kiện cho các hộ dân yên tâm bám đồng ruộng để làm giàu ngay trên quê hương mình.

Bài, ảnh: Vũ Hảo

  • Từ khóa