Thứ 2, 23/12/2024, 01:28[GMT+7]

Nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp Bứt phá phát triển đô thị

Thứ 7, 18/11/2023 | 15:42:06
16,284 lượt xem
Với mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững gắn với bảo vệ môi trường, phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng, một trong những chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX đề ra là đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt 30% trở lên.

Khu đô thị Kỳ Đồng (thành phố Thái Bình) được đầu tư đồng bộ, hiện đại.

Thành phố Thái Bình - đô thị hạt nhân

Là đô thị hạt nhân có vai trò tạo sự liên kết, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, những năm qua, thành phố Thái Bình đã tập trung quy hoạch, chỉnh trang đô thị, thực hiện tốt công tác quản lý trật tự đô thị. Điều dễ nhận thấy sau những nỗ lực của Đảng bộ và chính quyền là kết cấu hạ tầng kinh tế thành phố ngày càng phát triển, hiện đại; không gian đô thị được mở rộng; nhiều khu đô thị, công trình kiến trúc khang trang, ấn tượng đã làm thay đổi diện mạo thành phố. 

Ông Đinh Gia Dũng, Chủ tịch UBND thành phố Thái Bình cho biết: Công tác lập quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị luôn được thành phố quan tâm. UBND thành phố đã chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án và tổ chức triển khai thực hiện. Hoàn thiện đồ án quy hoạch chung thành phố Thái Bình đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; cơ bản hoàn thành và phủ kín các quy hoạch phân khu trên địa bàn, trong đó có một số quy hoạch tại các khu vực đô thị quan trọng để phát triển đô thị (khu vực ven sông Trà Lý, khu đô thị hiện hữu, khu vực phía Tây Bắc thành phố, khu vực phát triển đô thị tại xã Đông Mỹ, Vũ Lạc, Vũ Phúc...); các quy hoạch chi tiết đã hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành làm cơ sở để triển khai các dự án đầu tư: quy hoạch các khu đất tạo nguồn, quy hoạch chi tiết tại quy hoạch phân khu ven sông Trà Lý, quy hoạch nút giao Phúc Khánh, quy hoạch mở rộng đường Hai Bà Trưng và chỉnh trang khu đất sân vận động, quy hoạch chi tiết khu trung tâm tại phường Lê Hồng Phong...

Một số đề án, dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển đô thị của thành phố được quyết liệt chỉ đạo thực hiện bảo đảm quy trình thủ tục, nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân như: Đề án di chuyển các cơ sở sản xuất, kinh doanh, một số cơ quan, đơn vị và một số điểm dân cư để phát triển đô thị ven sông Trà Lý; đề án cải tạo hạ ngầm đường dây điện, cáp thông tin tại một số tuyến phố; đề án đầu tư lắp đặt mạng lưới vị trí camera giám sát an ninh trên địa bàn... 

Ông Trương Văn Luyến, Chủ tịch UBND phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình) cho biết: Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa của phường Hoàng Diệu ngày càng được đầu tư, với hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi được đồng bộ hóa. Đặc biệt, Quảng trường Thái Bình đã trở thành điểm đến tham quan, vui chơi, giải trí của người dân trong và ngoài tỉnh. Thời gian tới, địa phương tiếp tục tận dụng mọi thời cơ, khai thác tốt nhất mọi nguồn lực, tiềm năng, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng phường Hoàng Diệu phát triển nhanh và bền vững.

Hướng mục tiêu phát triển đô thị xanh - trong lành - đáng sống

Trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 12 đô thị hiện hữu, nằm trong mạng lưới đô thị quốc gia, trong đó có 1 đô thị đạt tiêu chuẩn đô thị loại II (thành phố Thái Bình). Với hệ thống đô thị hiện hữu nêu trên, tỷ lệ đô thị hóa tỉnh Thái Bình hiện đạt khoảng 22,2%, thấp hơn khá nhiều so với chỉ tiêu đề ra. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện từ đầu nhiệm kỳ đến nay vẫn còn một số tồn tại, hạn chế khách quan dẫn đến một số khó khăn trong việc quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị trên địa bàn tỉnh như: Quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng chưa được phê duyệt, ảnh hưởng đến việc xác định vai trò của các đô thị trong mối quan hệ vùng, dẫn đến khó khăn cho địa phương trong việc xác định thứ tự ưu tiên, trọng điểm đầu tư phát triển hệ thống đô thị bền vững; nguồn lực để đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống đô thị là rất lớn trong khi ngân sách tỉnh còn hạn chế, nếu không xác định được khu vực ưu tiên đầu tư dễ dẫn đến đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, không đáp ứng được yêu cầu; các chỉ tiêu, tiêu chí về đô thị thông minh, bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu còn chung chung dẫn đến nhiều khó khăn cho các địa phương trong công tác triển khai, thực hiện...

Khu đô thị Thái Bình Dragon City, xã Vũ Phúc, thành phố Thái Bình.

Giai đoạn 2023 - 2025 là thời điểm then chốt để thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX đề ra là tỷ lệ đô thị hóa đạt 30% trở lên vào năm 2025. Nhận thức rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác phát triển đô thị, Tỉnh ủy, UBND tỉnh quyết tâm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị bằng những nhiệm vụ và giải pháp tạo động lực phát triển đô thị, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững trong thời gian tới. Tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, đề án, kế hoạch phát triển đô thị; đồng thời yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung dành mọi nguồn lực, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị.

Quá trình thực hiện, tỉnh tập trung hoàn thiện các quy chế, quy định và cơ chế, chính sách, bảo đảm thông thoáng, thuận lợi cho công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình đô thị hóa; nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững và đồng bộ về mạng lưới, chú trọng đến việc đổi mới toàn diện về phương pháp, nội dung và sản phẩm quy hoạch theo hướng quy hoạch đô thị phải có cách tiếp cận đa ngành, tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược; tập trung hoàn thành quy hoạch tỉnh và chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh; xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và chất lượng sống, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự, đồng thời chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện phân cấp và trao quyền mạnh mẽ cho các địa phương trong công tác quản lý đô thị; phát triển kinh tế khu vực đô thị, đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị; đẩy mạnh phát triển Khu kinh tế Thái Bình gắn với phát triển các đô thị ven biển...

Ngoài ra, dự thảo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chỉ ra 4 trụ cột tăng trưởng chính; trong đó, xây dựng các khu đô thị xanh, đẹp, trong lành, đáng sống cho người dân. Phát triển thành phố Thái Bình và khu vực phụ cận có vai trò trung tâm, động lực phát triển và từng bước trở thành đô thị lớn trong khu vực đồng bằng sông Hồng. 

Ông Phạm Việt Anh, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh đã có 9 đô thị được phê duyệt đồ án quy hoạch chung, các địa phương đang tổ chức thực hiện, xây dựng kế hoạch tập trung các nguồn lực đầu tư hệ thống các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để bảo đảm các tiêu chí về đô thị. Để hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX đề ra, thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành các đề án, chương trình, kế hoạch về phát triển đô thị; phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị.

Toàn cảnh công viên Kỳ Bá.


Nguyễn Thơi