Chủ nhật, 28/07/2024, 17:27[GMT+7]

Kiên cố hóa đê biển xung yếu trực diện với biển năm 2013 Vượt qua thách thức hoàn thành đúng kế hoạch

Chủ nhật, 28/07/2013 | 21:42:36
957 lượt xem
Kiên cố hóa đê biển xung yếu trực diện với biển năm 2013 là một trong những công trình phòng chống lụt bão có khối lượng thi công lớn và thời gian triển khai thực hiện ngắn nhất từ trước tới nay (từ tháng 1 - 30/6/2013) trong tỉnh.

Công ty cổ phần đầu tư Nhân Bình tập trung tối đa nhân, vật lực, góp phần cùng các nhà thầu hoàn thành tuyến đê biển số 6 trước kế hoạch 10 ngày.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo sâu sát, quyết liệt và giải quyết kịp thời những vướng mắc, đến nay toàn bộ công trình đã hoàn thành và vượt so với yêu cầu đề ra: Đê biển số 6 đến ngày 20/6 hoàn thành, vượt kế hoạch 10 ngày; đê biển số 7 và đê biển số 5 hoàn thành đúng tiến độ.

 

Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua được sự đầu tư của Nhà nước, toàn tỉnh mới bê tông hóa được 33 km và một số đoạn đê đang thi công dở. Trong khi đó Kế hoạch số 68/KH-UBND của UBND tỉnh đặt ra yêu cầu phải hoàn thành phần đê đang thi công dở và làm mới trên 20 km (gồm cả đê số 5 từ K15 đến K17+500). Như vậy, toàn bộ công trình thực tế phải thực hiện là 30,542 km, trong đó có 20,331 km đê làm mới và  10,211 km đê đang thi công dở; thời gian bắt đầu thi công đê mới là ngày 18/1/2013 và hoàn thành vào 30/6, đê thi công dở hoàn thành trước 30/4, riêng đê biển số 5, từ K15 – K17+500 hoàn thành trước 15/7/2013; tổng mức đầu tư là 1.117,42 tỷ đồng.

 

Với khối lượng công việc, thời gian thi công và nguồn vốn đầu tư trên, có thể thấy để hoàn thành theo đúng kế hoạch là cả một thách thức đối với tỉnh, các cấp, ngành, địa phương. Trước hết, nguồn vốn thực hiện đầu tư công trình không đủ, phải huy động từ nhiều nguồn khác nhau và vay tạm thời từ các nguồn khác để thực hiện dự án. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng vốn rất khó khăn, phức tạp, mất nhiều thời gian, trong khi đó tuyến đê biển xây dựng mới kéo dài hơn 20 km liên quan đến hàng nghìn hộ dân.

 

Theo Kế hoạch số 68, ngày 20/1/2013 các địa phương phải bàn giao mặt bằng toàn bộ các tuyến đê cho nhà thầu thi công, song trên thực tế, nhiều tuyến đê còn gặp vướng mắc nên bàn giao mặt bằng chậm. Cụ thể, gói thầu đê biển số 6, từ K35,54 đến K37,23 vướng 608 m2 đầm ngao giống, đến ngày 27/2 mới giải quyết xong; đê biển số 6, từ K27,5 - K29,2 vướng một nhà phía biển dài 70 m và 1 nhà phía đồng dài 40 m; đê số 6, từ K29,2 - K30,2 có 5 công trình xây dựng… giải phóng chậm so với yêu cầu đặt ra. Trong quá trình thi công, nhà thầu gặp không ít khó khăn khi phải huy động rất lớn nhân lực, thiết bị máy móc, tập kết vật liệu. Do mỗi gói thầu chỉ có một tuyến đường duy nhất để vận chuyển vật tư, nên một số hộ dân sợ xe vận chuyển làm hỏng đường đã tự ý chắn đường; đồng thời một số chủ bến bãi đã lợi dụng ồ ạt mua vật liệu để ép giá…

 

Trước những khó khăn trên, UBND tỉnh đã có những biện pháp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn rất cụ thể và giao nhiệm vụ cho từng ngành, đơn vị thực hiện. Điển hình như trước thực trạng nhân dân tự ý cấm đường, tỉnh đã yêu cầu huyện Tiền Hải tuyên truyền, vận động cho các hộ dân hiểu về ý nghĩa, sự cấp bách trong việc thi công đê biển xung yếu; nếu đường hỏng nhẹ huyện sẽ đứng ra sửa chữa, hỏng nặng tỉnh sẽ có cơ chế hỗ trợ.

 

Ông Phạm Thanh Bình, Phó Ban Quản lý dự án đê biển cho biết: Để tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công công trình đê biển theo kế hoạch của UBND tỉnh, Ban Quản lý dự án đã giao ban tại các gói thầu để làm rõ tiến độ thực hiện trong tuần; nếu tuần nào chậm tiến độ thì nhà thầu phải thực hiện bù vào tuần sau và Ban Quản lý lập báo cáo tiến độ tuần gửi về Ban Chỉ đạo triển khai nhiệm vụ cấp bách khắc phục, nâng cấp các đoạn đê biển xung yếu của tỉnh để có biện pháp xử lý; nhà thầu nào chậm tiến độ thì  xử lý kiên quyết, dứt điểm. 

 

Mặc dù công tác giải phóng mặt bằng bước đầu gặp một số khó khăn, song với sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh và sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, toàn tuyến đê được thực hiện đồng bộ, kịp thời giải quyết vướng mắc với hàng nghìn hộ dân để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Tuy nguồn vốn Trung ương bố trí có hạn, song để ứng vốn cho các nhà thầu thi công theo kế hoạch bố trí cho dự án, UBND tỉnh tạm ứng ngân sách tỉnh trên 300 tỷ đồng, do đó các nhà thầu đã nêu cao trách nhiệm thực hiện tiến độ đúng với cam kết. Để công trình được thực hiện nhanh, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh đã trực tiếp phụ trách từng gói thầu, hàng tuần đều tổ  chức kiểm tra hiện trường để chấn chỉnh và đôn đốc nhà thầu thực hiện.

 

Ngoài ra, Ban Quản lý dự án đê biển còn cử 1 cán bộ giám sát của Ban và 1 cán bộ giám sát của Chi cục Quản lý đê điều & PCLB để kiểm tra hàng ngày, ghi nhật ký về tiến độ và chất lượng; nếu đơn vị nào vi phạm đều bị xử lý nghiêm. Anh Phạm Văn Dân, thôn Định Cư, xã Đông Trà (Tiền Hải) cho biết: Tôi là người địa phương được Công ty cổ phần Đầu tư Nhân Bình thuê làm gói thầu đê biển số 6 từ K16+500 – K18, với nhiệm vụ đúc tấm lát mái và ống buy; trong thời gian làm ở đây, tôi thấy cán bộ giám sát của Ban Quản lý đều thực hiện kiểm tra, giám sát rất công tâm, sâu sát; mỗi tấm lát mái, ống buy đều được đổ đúng tỷ lệ quy định… Thực tế cho thấy, qua các đợt thanh tra chất lượng tại các gói thầu của Sở Xây dựng, kết quả chất lượng công trình đều đáp ứng yêu cầu, bảo đảm theo tiêu chuẩn thiết kế, thi công và nghiệm thu.

 

Việc hoàn thành nâng cấp các đoạn đê biển xung yếu trên đã góp phần không nhỏ khép kín toàn tuyến đê trực diện với biển để nâng cao khả năng phòng, chống bão, nhất là trong tình huống bão trùng hợp với lũ, triều cường dâng cao, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Công trình đê biển xung yếu đã đưa vào sử dụng, nhưng hiện nay nguồn kinh phí tạm ứng cho đê biển số 5 từ K15 – K17,5 mới bố trí được 40% giá trị hợp đồng, vì vậy UBND tỉnh đã đề nghị HĐND tỉnh cho phép ứng thêm 15,167 tỷ đồng để thanh toán cho nhà thầu theo đúng Kế hoạch số 68/KH-UBND.

 

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đề xuất, kiến nghị với HĐND tỉnh kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ kinh phí để thanh toán hết số tiền còn lại của công trình và hoàn trả tiền tạm ứng từ ngân sách tỉnh đã cho vay, với lượng vốn là 871,79 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đề nghị Tỉnh ủy, HĐND tỉnh cho chủ trương về việc bố trí vốn để nâng cấp, sửa chữa, làm mới các tuyến đường bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển vật tư, vật liệu vào thi công đê biển vừa qua. Đồng thời cho phép triển khai 3 tuyến đê biển còn lại vào cuối năm 2013 để khép kín tuyến đê trực diện với biển và đê cửa sông xung yếu, gồm: đê biển số 6, từ K11+500 đến K14+500; đê biển số 5, từ K3+953,5 đến K5+650…

            Bài, ảnh: Nguyên Bình

  • Từ khóa