Chủ nhật, 22/12/2024, 20:53[GMT+7]

Thái Bình bứt phá năm bản lề

Thứ 2, 01/01/2024 | 09:10:33
16,497 lượt xem
Khép lại năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025 với rất nhiều khó khăn, thách thức; tuy nhiên, bằng sự nỗ lực và quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị, kinh tế của tỉnh có sự bứt phá rõ nét, từ đó tạo nền tảng vững chắc hướng đến hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao giấy chứng nhận đầu tư và tặng hoa chúc mừng 3 nhà đầu tư tại khu công nghiệp Liên Hà Thái với tổng vốn đầu tư 270 triệu USD, ngày 4/10/2023. Ảnh: Khắc Duẩn

Kinh tế tăng trưởng tích cực

Kết thúc năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 67.948 tỷ đồng, tăng 7,37% so với năm 2022, cao hơn mức bình quân của cả nước; tổng giá trị sản xuất ước đạt 203.029 tỷ đồng, tăng 6,6% so với năm 2022. Do điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát tốt nên giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản được duy trì ổn định và đạt kết quả tích cực. Tổng giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 29.782 tỷ đồng, tăng 2,2% so với năm 2022. Công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện theo hướng thực chất, hiệu quả. Đến nay toàn tỉnh có 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 9 xã đã hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, 1 xã đã hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, đoàn thẩm định đã hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn.

Cùng với nông nghiệp, sản xuất công nghiệp và xây dựng cũng có mức tăng trưởng khá với tổng giá trị sản xuất ước đạt gần 138.000 tỷ đồng, tăng 7,6% so với năm 2022, trong đó giá trị ngành công nghiệp ước đạt hơn 103.000 tỷ đồng, tăng 7,9%, giá trị ngành xây dựng ước đạt gần 35.000 tỷ đồng, tăng 5,1% so với năm 2022. Trong năm, công tác chỉnh trang và phát triển đô thị được quan tâm chỉ đạo và đạt những kết quả tích cực; tỉnh đã lựa chọn, triển khai gần 30 dự án phát triển nhà ở với số vốn trên 20.000 tỷ đồng; đồng thời, hoàn thành một số công trình quan trọng góp phần thay đổi diện mạo đô thị và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân trên địa bàn thành phố Thái Bình như công viên Kỳ Bá, hồ Ty Rượu, tháo gỡ nút thắt đường Ngô Quyền, một số tuyến đường nội thành, hệ thống chiếu sáng, cây xanh...

Công tác thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc. Hết năm 2023, tổng vốn đăng ký đầu tư của các dự án đạt gần 90.000 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2022, trong đó vốn FDI đạt trên 3 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Trong năm, tỉnh đã tổ chức thành công các đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Australia, Vương quốc Anh..., ký kết một số thỏa thuận hợp tác quan trọng, đồng thời nâng cao vị thế, hình ảnh, quảng bá và mời gọi đầu tư vào tỉnh; tổ chức đón tiếp và làm việc với các đoàn công tác, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Thái Bình như Công ty TNHH Dentsu Kensetsu Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam, Công ty Tokyo Gas Nhật Bản, Hiệp hội Cơ điện, điện tử Đài Loan, Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc), Công ty TNHH Hyosung Việt Nam, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam...; làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam về phương án phát triển mạng lưới cấp điện của tỉnh, với Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam về triển khai một số dự án đầu tư tại Thái Bình. Quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác cải cách hành chính cũng như công tác thu hút đầu tư nên các chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của tỉnh đều tăng điểm và tăng bậc so với năm 2021 như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố, tăng 19 bậc; chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, tăng 7 bậc; chỉ số sự hài lòng về sự phục vụ hành chính SIPAS xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố, tăng 27 bậc. Công tác giải ngân vốn đầu tư công được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, chính vì thế tỉnh tiếp tục nằm trong tốp dẫn đầu của cả nước về giải ngân vốn đầu tư công, năm 2023 đạt 128% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Công tác thu ngân sách mặc dù bị ảnh hưởng do thực hiện chính sách giãn, hoãn và hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn bảo đảm tổng thu nội địa đạt trên 10.000 tỷ đồng.

Tạo đà đưa kinh tế phát triển

Để có được kết quả đó, ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã dự lường được tình hình và khó khăn phát sinh trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 nên đã tập trung nguồn lực, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ. Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo, làm việc với trung ương và các nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện một số dự án động lực quan trọng như cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08), tuyến đường bộ ven biển, dự án nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình, các thủ tục thành lập khu công nghiệp VSIP, khu công nghiệp Dược - Sinh học, khu công nghiệp Tân Trường, khu công nghiệp Hải Long, quy hoạch tỉnh, chỉ tiêu đất công nghiệp... Cùng với đó, tỉnh tổ chức thành công nhiều sự kiện, diễn đàn nhằm mở rộng quan hệ đối ngoại và hợp tác kinh tế quốc tế, thu hút đầu tư, đặc biệt đã tổ chức thành công chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day”, từ đó góp phần quảng bá hình ảnh mảnh đất, con người Thái Bình đồng thời mở ra cơ hội thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, UBND tỉnh tập trung rà soát, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các “điểm nghẽn” để khơi thông nguồn lực, khai thác các dư địa và thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực. Tỉnh đã thành lập tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng; 3 tổ công tác chỉ đạo giải quyết các công việc còn tồn tại, vướng mắc do các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng; tổ công tác hỗ trợ triển khai dự án điện khí LNG; đồng thời, tổ chức đoàn công tác của tỉnh làm việc với 5 huyện về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh.

Năm 2024 được dự báo nền kinh tế sẽ tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng với sự bứt phá của năm 2023 cũng như của giai đoạn 2021 - 2023 và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, nỗ lực khắc phục khó khăn vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp, tin rằng năm 2024 và những năm tiếp theo Thái Bình sẽ tiếp tục nâng cao vị thế, vươn lên tầm phát triển mới trong khu vực cũng như trên cả nước.

“Phát huy các thành quả đã đạt được, bước sang năm 2024, Thái Bình tiếp tục đẩy nhanh tiến trình thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở kiên định Mục tiêu tổng quát, quyết tâm bứt phá, tạo chuyển biến tích cực hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa trong thực hiện các chương trình, kế hoạch và trong thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược; giải quyết dứt điểm các hạn chế, yếu kém, các điểm nghẽn, vướng mắc; nâng cao chất lượng toàn diện, sức cạnh tranh của nền kinh tế; thu hút mạnh mẽ và khơi thông các nguồn lực; sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư để đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng; quan tâm toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và hiệu quả điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí”.

(Trích phát biểu của đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tại kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026)

Sản xuất tại Công ty Tân Đệ. Ảnh: Hà Thanh

Các chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình năm 2024

1. Về kinh tế:

- Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,5 - 9% so với năm 2023.
- Giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,1 - 2,2% so với năm 2023.
- Giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng 9 - 10,2% (trong đó công nghiệp tăng 9,3 - 10,9% và xây dựng tăng 8,2%) so với năm 2023.
- Giá trị sản xuất dịch vụ tăng 7 - 7,2% so với năm 2023.
- Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong GRDP (không tính thuế sản phẩm) đạt 81,4 - 81,5%.
- Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng số lao động toàn xã hội giảm còn khoảng 23,5%.
- Kim ngạch xuất khẩu tăng từ 6,2% trở lên so với năm 2023.
- Kim ngạch nhập khẩu tăng từ 9,4% trở lên so với năm 2023.
- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 6,3% so với năm 2023.
- Số xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2024: 10 xã trở lên.
- Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 9.878 tỷ đồng, trong đó thu nội địa (không tính tiền thu sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) đạt 4.798 tỷ đồng.
- Năng suất lao động (tính theo giá so sánh) tăng 8,3 - 8,8% so với năm 2023.
- GRDP bình quân đầu người (tính theo giá hiện hành) đạt 75,1 - 75,4 triệu đồng.

2. Lĩnh vực văn hóa - xã hội:

- Mức giảm tỷ lệ sinh đạt 0,1‰.
- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân còn dưới 9%.
- Số giường bệnh/vạn dân: 40 giường bệnh; số bác sĩ/vạn dân: 13,5 bác sĩ.
- Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,5%.
- Tạo việc làm mới cho từ 34.500 lao động trở lên.
- Có thêm 140 trường được đánh giá ngoài và công nhận đạt chuẩn quốc gia trong năm 2024.
- Tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa đạt trên 90%.

3. Về môi trường:

- Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%.
- Tỷ lệ cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 27,8%.


Minh Hương