Thứ 5, 02/05/2024, 21:20[GMT+7]

Nông nghiệp tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm gần đây

Thứ 4, 03/01/2024 | 20:08:22
16,788 lượt xem
Chiều ngày 3/1, các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Lê Minh Hoan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tại điểm cầu Thái Bình, đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị.

Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Năm 2023, ngành nông nghiệp thực hiện chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành. Thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông, lâm, thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng nên đạt được kết quả tích cực. Tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Sản lượng lúa đạt 43,5 triệu tấn, tăng 1,9% so với năm 2022; sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,79 triệu tấn, tăng 6,38%%; sản lượng thủy sản 9,32 triệu tấn, tăng 2,3%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt 53,01 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 12,07 tỷ USD, tăng 43,7% chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước. Một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao kỷ lục như: hàng rau quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%; gạo đạt 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%. Ngành nông nghiệp tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế qua đó giúp quảng bá hình ảnh, thương hiệu nông, lâm, thủy sản trong nước, khu vực và quốc tế, thúc đẩy tiêu thụ nông sản.

Số lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên tăng đều qua các tháng và đạt 11.000 sản phẩm, tăng 2.189 sản phẩm so với năm 2022. Nhiều hoạt động tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Năm 2023, cả nước có khoảng 78% xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó, có 256 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 270 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM.

Năm 2024, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu phát triển với các chỉ tiêu: tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3 - 3,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 54 - 55 tỷ USD; tỉ lệ xã đạt chuẩn NTM 80%; tỉ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42,02%, nâng cao chất lượng rừng; tỉ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 58%; tỉ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng NTM 82%.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng thành công của toàn ngành nông nghiệp đã đạt được trong năm 2023. Thủ tướng nhấn mạnh: Trải qua giai đoạn đầy biến động, ngành nông nghiệp đã vượt “cơn gió ngược”, thu được nhiều kết quả đáng trân trọng; từ bị động, lúng túng chuyển trạng thái sang chủ động, tự tin, sáng tạo, đưa ra nhiều sáng kiến để xoay chuyển tình thế.

Để đạt mục tiêu năm 2024, Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp bám sát phương châm chỉ đạo của Chính phủ năm 2024: kỷ cương, trách nhiệm, chủ động, kịp thời, tăng tốc, sáng tạo, hiệu quả, bền vững. Tổ chức thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tại các nghị quyết trung ương, luật, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành theo định hướng “nông nghiệp bền vững, minh bạch và có trách nhiệm”. Tập trung cho đổi mới sáng tạo, đặc biệt đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ… coi đây là động lực mới cho xây dựng nông nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án, nhiệm vụ đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo 3 nhóm trục sản phẩm chủ lực; cơ cấu lại sản xuất; thực hiện hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp; đẩy mạnh cơ giới hoá, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, tự động hoá trong sản xuất. Chú trọng khâu chọn lọc, tạo giống; phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch, chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị nông sản. Làm tốt dự báo cung cầu; phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh nuôi trồng, chế biến thuỷ hải sản, giảm khai thác, tập trung giải quyết dứt điểm kiến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Tăng cường quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, tạo điều kiện phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.

Ngân Huyền