Chủ nhật, 22/12/2024, 20:12[GMT+7]

Thái Bình: Vươn ra biển lớn Kỳ 2: Xây dựng Khu kinh tế Thái Bình trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh

Thứ 3, 09/01/2024 | 08:51:50
22,311 lượt xem
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao của nhân dân, việc xây dựng Khu kinh tế (KKT) Thái Bình trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã được triển khai mạnh mẽ.

Đến nay, khu công nghiệp Liên Hà Thái (Thái Thụy) đã thu hút được 15 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD. Ảnh: Khắc Duẩn

Xây dựng hạ tầng đồng bộ

Từ khi thành lập đến nay, KKT Thái Bình đã thu hút được 3 dự án hạ tầng khu công nghiệp (KCN) gồm: KCN Liên Hà Thái, KCN Hải Long và KCN VSIP. KCN Liên Hà Thái (Thái Thụy) được tỉnh lựa chọn là KCN tiên phong, trọng điểm trong KKT Thái Bình, là mô hình kiểu mẫu tạo đột phá trong việc thu hút các nhà đầu tư FDI xanh, hướng đến phát triển bền vững.

KCN Liên Hà Thái có tổng diện tích gần 600ha, tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, nằm trên địa bàn xã Thụy Liên và thị trấn Diêm Điền do Công ty Cổ phần Green i-Park làm chủ đầu tư. 

Bà Đặng Thị Hiệp, Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Green i-Park cho biết: Trong quá trình thực hiện đầu tư dự án, Công ty luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng như các sở, ngành, địa phương đặc biệt là Ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh, huyện Thái Thụy từ công tác giải phóng mặt bằng, triển khai hạ tầng đến công tác xúc tiến, thu hút đầu tư. Chính vì thế, chỉ sau hơn 2 năm hoạt động Công ty đã xây dựng được hình ảnh một KCN xanh, hiện đại, thông minh, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao cho các nhà đầu tư, tập đoàn lớn đến khảo sát và quyết định đầu tư. Đến nay Công ty đã giải phóng mặt bằng được 99%, sẵn sàng mặt bằng cho các nhà đầu tư; khép kín 80% tuyến đường nội khu; hoàn thành nhà máy xử lý nước thải với công suất 5.000m3/ngày đêm, đồng thời cung cấp đầy đủ về điện, nước cho các nhà đầu tư đã đi vào hoạt động, sản xuất. Toàn KCN đã thu hút được 15 nhà đầu tư đến từ Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc... với tổng mức đầu tư trên 1 tỷ USD, trong đó phải kể đến Công ty Pegavision Corporation sản xuất kính áp tròng, tổng vốn đầu tư 200 triệu USD; Công ty TNHH Lotes Việt Nam sản xuất chân cắm ram, tổng vốn đầu tư 120 triệu USD; Công ty TNHH Compal Electronic sản xuất điện thoại, máy tính bảng, thiết bị thông minh, tổng vốn đầu tư 260 triệu USD; Công ty TNHH Greenworks Việt Nam sản xuất thiết bị làm vườn, tổng vốn đầu tư 200 triệu USD...

Không chỉ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư hạ tầng các KCN trong KKT, thời gian qua, tỉnh tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến giao thông kết nối với Hải Phòng như tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường kết nối KCN Liên Hà Thái đi cầu sông Hóa, cao tốc CT.08 đoạn qua tỉnh Thái Bình - Nam Định, đường từ thành phố Thái Bình đi cồn Vành... Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện, bảo đảm cung cấp điện cho KKT; xây dựng hệ thống công trình cấp nước và mạng lưới đường ống cấp nước phủ kín địa bàn các xã trong KKT, đồng thời tiếp tục rà soát quy hoạch các công trình cấp nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước sạch trong thời gian tới. Ngoài ra, tỉnh còn quan tâm quy hoạch các công trình hạ tầng xã hội để phục vụ nhu cầu của người lao động, các chuyên gia, nhà đầu tư như nhà ở xã hội, khu đô thị, du lịch, dịch vụ, sân golf...

Tích cực thu hút đầu tư

Để hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư, tỉnh ban hành chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trong KKT Thái Bình giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030 với các chính sách ưu đãi về đất đai; hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào; hỗ trợ san lấp mặt bằng; hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN, cụm công nghiệp; hỗ trợ đào tạo lao động; hỗ trợ thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, tỉnh còn quan tâm chỉ đạo công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chủ động cắt giảm 40% thời hạn giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dự án đầu tư tại tỉnh; tổ chức các đoàn công tác của tỉnh xúc tiến đầu tư tại nước ngoài, tiếp đón và làm việc với các nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư vào tỉnh nói chung, KKT Thái Bình nói riêng; đặc biệt, đã thành lập tổ công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tại Hàn Quốc (Korea Desk Thai Binh) và Văn phòng Xúc tiến đầu tư Hàn Quốc vào tỉnh Thái Bình tại Seoul; xây dựng, nâng cấp các trang web cung cấp thông tin về môi trường đầu tư cho các nhà đầu tư, qua đó giới thiệu, quảng bá các tiềm năng, lợi thế so sánh, các quy hoạch, định hướng phát triển, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào KKT Thái Bình, trên cơ sở đó kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào KKT Thái Bình.

Hoạt động sản xuất ở Công ty Cổ phần Kỹ thương Thiên Hoàng (KCN Tiền Hải). Ảnh Khắc Duẩn.

Ông Phan Đình Dực, Phó Trưởng ban, phụ trách Ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh cho biết: Để thực hiện tốt công tác thu hút đầu tư, với vai trò đầu mối để doanh nghiệp tiếp cận thông tin và nghiên cứu đầu tư dự án vào KKT Thái Bình và các KCN trên địa bàn tỉnh, Ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh luôn chú trọng thực hiện công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu đầu tư và triển khai dự án. Các nhà đầu tư đều được Ban cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết bằng nhiều kênh như tư vấn trực tiếp, công khai trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin của Ban trên ứng dụng zalo, cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn, giải đáp từng nội dung nhà đầu tư quan tâm.

Năm 2023, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong KKT Thái Bình và các KCN cơ bản ổn định. Ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 62 dự án với số vốn đăng ký đầu tư tăng thêm hơn 19.200 tỷ đồng, trong đó có 27 dự án mới với vốn đầu tư đăng ký tăng thêm gần 18.400 tỷ đồng, vốn FDI đạt hơn 2,7 tỷ USD. Lũy kế đến hết năm 2023 có 333 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký gần 141.000 tỷ đồng.

Sau 6 năm thành lập, đến nay KKT Thái Bình đã nhanh chóng khẳng định được vai trò trọng điểm, động lực phát triển, góp phần thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài và mở ra triển vọng trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ của miền Bắc. Giai đoạn 2021 - 2023, tổng thu hút vốn đầu tư vào KKT và KCN của tỉnh đạt gần 104.000 tỷ đồng, trong đó vốn FDI đạt 3,74 tỷ USD, cao gấp 4,45 lần tổng vốn FDI của tỉnh giai đoạn 2020 trở về trước, góp phần đưa Thái Bình xếp thứ 15, 16 của cả nước về thu hút vốn FDI năm 2021, 2022 và xếp thứ 5 cả nước về thu hút vốn FDI năm 2023.


Khu kinh tế Thái Bình:
- Được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập năm 2017, có tổng diện tích 30.583ha;
- Là khu kinh tế ven biển bao gồm 30 xã, 1 thị trấn thuộc hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải và phần tiếp giáp ven biển;
- Là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, bao gồm các khu chức năng: 25 phân khu công nghiệp tổng diện tích 8.020ha, khu cảng biển Thái Bình 500ha, Trung tâm Điện lực Thái Bình 853ha, khu du lịch - dịch vụ 3.110ha, các khu nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản 4.715ha, các khu đô thị 3.000ha...



(còn nữa)
Minh Hương - Trần Tuấn