Thứ 5, 16/01/2025, 07:07[GMT+7]

Nỗ lực chống úng bảo vệ lúa mùa

Thứ 3, 30/07/2013 | 10:23:48
2,072 lượt xem
Trong những ngày vừa qua, do mưa lớn kéo dài, lúa mùa ở một số huyện, thành phố đã bị ngập úng cục bộ. Nhờ chủ động các biện pháp chống úng từ trước, đồng thời trong những ngày qua Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo hệ thống thủy lợi Nam, Bắc vận hành các trạm bơm tiêu úng lớn hạ du ven biển, ven cửa sông nên việc tiêu thoát nước khá nhanh, trước mắt lúa mùa được bảo đảm an toàn.

Do tích cực chống úng nên toàn bộ diện tích lúa mùa của phường Hoàng Diệu (Thành phố Thái Bình) cơ bản được an toàn.

Trong những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của vùng xoáy thấp hoạt động mạnh trên khu vực Bắc Bộ, tại Thái Bình đã có mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa từ ngày 27/7 đến ngày 29/7 tại Thành phố là 127,9 mm, Kiến Xương 127,5 mm, Thái Thụy 200 mm, Quỳnh Phụ 260 mm, Hưng Hà 165,3 mm… Do mưa lớn kéo dài, lúa mùa ở một số huyện, thành phố đã bị ngập úng cục bộ, như Liên Hiệp, Thái Phương, Thái Hưng (Hưng Hà), Thái Hồng (Thái Thụy)… Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Do chủ động các biện pháp chống úng từ trước, đồng thời trong những ngày qua Sở đã chỉ đạo hệ thống thủy lợi Nam, Bắc vận hành các trạm bơm tiêu úng lớn qua đê và mở các cống lớn hạ du ven biển, ven cửa sông nên việc tiêu thoát nước khá nhanh, trước mắt lúa mùa được bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, trong những ngày tới nếu tiếp tục có mưa lớn từ 50 – 70 mm, cùng với triều cường kém thì nguy cơ lúa mùa bị úng nặng là rất cao.

Hiện nay, lúa mùa đang sinh trưởng, phát triên tốt, đồng đều ở tất cả các trà, giống và các địa phương trong tỉnh. Diện tích lúa gieo cấy sớm trong tháng 6 đang phân hóa đòng, lúa cấy đầu tháng 7 đang đẻ nhánh rộ. Bà Phạm Thị Kim Hoàn, Trưởng Phòng trồng trọt - Sở Nông Nghiệp và PTNT cho biết: Trong giai đoạn hiện nay, nếu lúa mùa bị ngập úng kéo dài sẽ gây hại khá lớn đến sinh trưởng và năng suất sau này; bởi lẽ, khi lúa đã đẻ kín đất cần phải để ruộng khô nhằm hạn chế đẻ nhánh vô hiệu và giúp lúa ăn rễ sâu; sau đó đưa nước vào ruộng từ 5 - 7 cm cho đến khi lúa vào chắc.

Ngoài ra, nhiều địa phương mới bón thúc xong, do đó nếu nước ngập các bờ vùng, bờ thửa thì các chất dinh dưỡng sẽ bị rửa trôi, nông dân phải bón bổ sung, gây tốn phí tiền của. Theo quan sát của chúng tôi, tại các cánh đồng ở Vũ Thư, Thành phố Thái Bình, Hưng Hà, Đông Hưng, đến sáng ngày 29/7 lượng nước đã rút đáng kể, những cánh đồng cao mực nước chỉ ngang thân lúa, vùng trũng lá lúa đã trên mặt nước từ 3 -7 cm. Với tiến độ rút nước hiện nay và lượng mưa giảm thì lúa mùa không đáng lo ngại. Ông Nguyên Văn Chiến cho biết thêm: Mặc dù mưa kéo dài từ ngày 15/7 đến nay, với lượng nước rất lớn, nhưng do có kế hoạch chủ động tiêu úng từ trước nên nước được rút khá nhanh. Ngay từ đầu tháng 7, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo hai hệ thống thủy lợi Nam, Bắc và các xí nghiệp trực thuộc, nếu thời tiết tốt thì giữ mực nước hệ thống ở mức bình thường, đủ để bơm tát; trường hợp dự báo có mưa thì hạ mực nước sông trục xuống tối đa, bảo đảm nguyên tắc phòng úng là chính.

Đồng thời, ngày 28/7 Sở Nông nghiệp và PTNT đã thành lập 4 đoàn đi kiểm tra, đôn đốc các công ty, xí nghiệp thủy lợi và phối hợp với các huyện huy động nhân lực tổ chức giải phóng dòng chảy. Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Nam cho biết: Trong những ngày vừa qua, hệ thống thủy lợi Nam đã liên tục mở các cống tiêu chủ chốt, như cống Lân I và II và các cống tiêu ngang qua đê; một số vùng bị úng cục bộ, các máy bơm tiêu úng đã vận hành hết công suất, như trạm bơm Sa Lung, Tân Phúc Bình… Hưng Hà, một trong những huyện chịu ảnh hưởng khá nặng nề của các trận mưa vừa qua, đến sáng ngày 29/7 tổng lượng mưa đo được là 165,3 mm đã gây ngập úng 700 ha lúa mùa tại các vùng Minh Tân, Hà Thanh, Tịnh Xuyên, Thái Hưng.

Ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Xí nghiệp KTCTTL Hưng Hà cho biết: Để tiêu nước nhanh, kịp thời bảo vệ lúa mùa, từ sáng ngày 28/7 các trạm bơm tiêu úng Minh Tân công suất 64.000 m3/h, trạm bơm Tịnh Xuyên công suất 40.000 m3/h, trạm bơm Tống 3.000 m3/h… đã được vận hành hết công suất. Tại các vùng lúa mùa bị ngập úng, Xí nghiệp đã ưu tiên tiêu cho vùng hẹp, vùng trũng trước, bằng việc đóng các cống, cót vùng để bơm tiêu. Ngoài ra, Xí nghiệp đã phối hợp với các địa phương và huy động công nhân tập trung giải phóng dòng chảy sông tiêu Tiên Hưng. Đến chiều ngày 29/7, tại các vùng trũng úng, nước vẫn còn khá cao, nếu tiếp tục mưa kéo dài trên 30 mm sẽ gây ngập úng trên diện rộng.

Hiện nay, vùng xoáy thấp đã di chuyển sang phía tây, dự báo lượng mưa sẽ giảm dần, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương tiêu nước nhanh để bảo vệ lúa mùa. Tuy nhiên, diễn biến thời tiết phức tạp, khó lường và không theo quy luật, đồng thời đang là cao điểm của mùa mưa bão, lũ, vì vậy các địa phương cần chủ động đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Trước mắt, tập trung thu vớt triệt để bèo bồng, rau muống, vật cản trên các sông trục cấp III, kênh mương mặt ruộng để  nước tiêu thoát nước nhanh.

Bài, ảnh: Nguyên Bình

  • Từ khóa