Thứ 5, 16/01/2025, 03:47[GMT+7]

Hưng Hà: Chắp cánh cho sản phẩm OCOP vươn xa

Thứ 4, 31/01/2024 | 17:31:13
14,600 lượt xem
Năm nay, 19 sản phẩm của các cơ sở sản xuất, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Hưng Hà đón xuân mới trong niềm vui phấn khởi khi được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, nâng tổng số sản phẩm OCOP của huyện lên 24 sản phẩm, trong đó có 5 sản phẩm được công nhận 4 sao, 1 sản phẩm đủ điều kiện xét công nhận 5 sao. Đây là tín hiệu đáng mừng để sản phẩm OCOP của Hưng Hà chắp cánh vươn xa.

Công ty TNHH Châu Minh hướng đến sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường.

Nâng tầm thương hiệu nhờ gắn “sao”

Những ngày cuối năm 2023, HTX Phú Long, xã Kim Trung đón nhận thêm niềm vui khi cả 3 sản phẩm gồm: Đông trùng hạ thảo (ĐTHT) sấy thăng hoa; ĐTHT ngâm mật ong; rượu ĐTHT ngâm mật ong được UBND huyện Hưng Hà công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. 

“Đây là bước đệm mới cho HTX để tiếp tục nâng tầm thương hiệu sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Sau khi đạt chứng nhận OCOP 3 sao, sản phẩm đã chinh phục được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh. Thời gian này, lượng tiêu thụ tăng 20 - 30% so với trước đây” - bà Trần Thị Tính, Giám đốc HTX Phú Long chia sẻ. 

Năm 2021, HTX Phú Long được thành lập với tổng số vốn ban đầu là 3 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng với diện tích 500mgồm các phòng: ủ, kích sáng, cấy giống, sấy, tiệt trùng, lắc giống, đóng gói. Theo bà Tính, trong quá trình nuôi trồng ĐTHT, ngoài giống tốt, môi trường, nhiệt độ nuôi là yếu tố quyết định đến sự thành bại của sản phẩm. Nhiệt độ phải bảo đảm từ 18 - 200C, độ ẩm từ 80 - 90%. Khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên, khoảng 60 - 65 ngày có thể thu hoạch. Nhờ thực hiện nghiêm quy trình sản xuất, năm 2023 HTX sản xuất được trên 100kg ĐTHT sấy thăng hoa, gần 200 lít rượu ĐTHT ngâm mật ong, trên 300 lít ĐTHT ngâm mật ong và hàng trăm hũ ĐTHT tươi. Trừ chi phí, HTX thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm. Đến nay, HTX Phú Long đã tạo thêm việc làm cho 8 lao động địa phương với mức thu nhập 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. 

Bà Nguyễn Thị Tâm, thành viên HTX cho biết: Nhờ gắn sao mà sản phẩm đã được nhiều người biết đến và tin dùng. Hiện HTX đã kết nối với 5 sàn thương mại điện tử dễ dàng tiêu thụ tại các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Bà Trần Thị Tính, Giám đốc HTX Phú Long kiểm tra ĐTHT trong phòng lạnh.

Còn tại Công ty TNHH Châu Minh, xã Thái Phương những ngày này, tiếng máy dệt, máy vắt sổ, máy trần đè… của những người thợ đang vội vã sản xuất để đáp ứng thị trường dịp tết Nguyên đán. Được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao trong những ngày cuối cùng của năm là nguồn động viên lớn đối với Công ty trong nỗ lực xây dựng thương hiệu. Đây còn là “tấm vé thông hành” để sản phẩm được tiếp cận thị trường lớn. 

Anh Nguyễn Văn Thuân, công nhân Công ty cho biết: Chúng tôi rất phấn khởi khi sản phẩm khăn bông được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, vì đây là cơ hội cho nhiều người biết đến, tạo uy tín với khách hàng. Để đáp ứng các đơn hàng dịp cuối năm, chúng tôi tăng tốc sản xuất, chỉn chu trong từng công đoạn để có sản phẩm chất lượng phục vụ người tiêu dùng. Hiện lương tháng của chúng tôi đạt từ 7 - 8 triệu đồng, công việc phù hợp với độ tuổi và sức khỏe. 

Phát huy nghề truyền thống ở địa phương, từ năm 2006 đến nay ông Nguyễn Văn Mão, Giám đốc Công ty TNHH Châu Minh đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng để mua 6 máy dệt khăn công nghiệp. Do đó, công suất không chỉ tăng gấp 2 lần so với trước đó mà còn nâng cao về chất lượng sản phẩm. Bình quân mỗi năm Công ty sản xuất gần 500 tấn khăn để tiêu thụ thị trường nội địa và 25 tấn khăn xuất khẩu thị trường Nhật Bản với gần 40 dòng sản phẩm khác nhau, đem lại doanh thu trên 50 tỷ đồng/năm. Hiện Công ty có 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao gồm: khăn tắm, khăn mặt, khăn gội đầu… tạo việc làm cho gần 50 lao động trực tiếp và hàng trăm lao động vệ tinh với thu nhập 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. 

Ông Nguyễn Văn Mão, Giám đốc Công ty cho biết: Sức mạnh của sản phẩm OCOP là hướng đến mục tiêu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và nâng cao mối liên kết giữa các làng nghề, vì thế sản phẩm khăn của chúng tôi được chia thành các loại khác nhau như: loại trung bình và loại cao cấp để có thể đưa vào các chợ truyền thống và các siêu thị. Nhằm giữ vững thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm, chúng tôi đầu tư máy móc hiện đại cải tiến mẫu mã, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời chủ động về nguồn nguyên liệu, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xúc tiến thương mại trên nền tảng số, thích ứng với những đòi hỏi khắt khe của khách hàng, từng bước xây dựng thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. 

Thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP bền vững

Theo Kế hoạch số 101/KH-UBND, ngày 10/8/2023 của UBND huyện Hưng Hà về chương trình OCOP năm 2023 và định hướng đến năm 2025, toàn huyện phấn đấu có trên 30 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 10 sản phẩm được công nhận 4 sao, 5 sản phẩm được công nhận 5 sao. 

Để đạt mục tiêu trên, huyện Hưng Hà đã ban hành cơ chế hỗ trợ các xã, thị trấn khi xây dựng sản phẩm gồm 100 triệu đồng/sản phẩm và hỗ trợ khen thưởng các chủ thể, các địa phương có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP… Cơ chế này đã khuyến khích các hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp cải tiến quy trình, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Từ một huyện có số sản phẩm OCOP thấp nhất tỉnh, năm 2023 huyện Hưng Hà đã có thêm 19 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. 

Ông Nguyễn Minh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà cho biết: Cơ chế của huyện sẽ là đòn bẩy khuyến khích, kích cầu nhằm tăng về số lượng, chất lượng, chủng loại và gia tăng giá trị của sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, góp phần duy trì và phát triển các sản phẩm truyền thống của quê hương lên tầm cao mới. Do đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình OCOP; khuyến khích các chủ thể mạnh dạn đầu tư sản xuất, phát triển các sản phẩm lợi thế của địa phương. Bên cạnh đó, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành vùng sản xuất hàng hóa chủ lực, tạo vùng nguyên liệu bền vững cho chế biến sản phẩm, tạo điều kiện để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; ứng dụng khoa học - kỹ thuật và tiếp cận những thị trường mới thông qua công nghệ 4.0. Đối với các sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận, huyện tăng cường công tác phối hợp quản lý, quảng bá, xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh.

Hy vọng rằng, với sự nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã, tăng cường quảng bá sản phẩm OCOP, các chủ thể OCOP sẽ có thêm nhiều cơ hội vươn ra biển lớn. Qua đó góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa trong từng nhóm sản phẩm đặc trưng của mỗi xã, thị trấn; phát huy tính sáng tạo của chủ thể, không ngừng nghiên cứu, sản xuất ra sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.

Thanh Thuỷ