Thứ 3, 30/07/2024, 01:21[GMT+7]

CN - TTCN ở Tiền Hải Bước tiến vững chắc

Thứ 6, 17/09/2010 | 15:56:54
2,150 lượt xem
Mặc dù chịu những tác động ảnh hưởng chung do suy thoái kinh tế thế giới và suy giảm kinh tế trong nước; giá cả thị trường không ổn định, việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn; song ngành CN – TTCN của Tiền Hải vẫn đạt được những kết quả khả quan đáng ghi nhận.

Nghề dệt chiếu cói truyền thống xã Nam Hải (Tiền Hải)

Trong năm qua, với sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp và sự nỗ lực vươn lên vượt qua khó khăn của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện, ngành CN – TTCN Tiền Hải đã đạt giá trị sản xuất trên 1 nghìn tỷ đồng, tăng 22,4% so với cùng kỳ, chiếm 44% cơ cấu. Trong đó, kinh tế quốc doanh đạt 26,7 tỷ đồng, kinh tế tư nhân đạt 849,8 tỷ đồng, kinh tế cá thể đạt 193,5 tỷ đồng. Năm 2009, sứ xây dựng vẫn là ngành sản xuất chủ yếu của huyện. Bình quân các doanh nghiệp sản xuất trên 4,2 triệu sản phẩm, đạt trên 300 tỷ đồng.

Các sản phẩm gạch ceramic của 3 doanh nghiệp sản xuất trên 9 triệu m2, giá trị sản xuất đạt 320 tỷ đồng.. Đặc biệt, năm 2009 Công ty pha lê Việt Tiệp sản xuất trên 15 nghìn sản phẩm thuỷ tinh cao cấp đang chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước Châu Âu cùng với 11 triệu lít sản phẩm tiêu biểu của Tiền Hải là nước khoáng Vital được tiêu thụ trên cả nước và các nước EU, Ả rập... Bên cạnh các  sản phẩm được sản xuất trên dây truyền hiện đại của các doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp khí đốt, nhiều sản phẩm khác cũng đóng vai trò to lớn vào giá trị sản xuất ngành công nghiệp của huyện như gạch tuylen 80 triệu viên/năm; xi măng trắng trên 17,4 tấn; khí đốt 7 triệu m3; sứ dân dụng 12,8  triệu sản phẩm...

Cùng với đó, các sản phẩm may mặc với 5 doanh nghiệp, trong đó có 2 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đạt giá trị xuất khẩu gần 500 nghìn USD, thu hút trên 1 nghìn lao động với thu nhập bình quân 1,8 triệu đồng/người/ tháng. Ổn định và phát triển, trong năm qua nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Tiền Hải đã có giá trị sản xuất cao như: nhà máy gạch MIKADO đạt 200 tỷ đồng; Công ty Gạch ốp lát Thái Bình đạt 99,2 tỷ đồng; Công ty Sứ Đông Lâm 45tỷ đồng...

Cùng với phát triển công nghiệp, năm qua TTCN, nghề và làng nghề ở Tiền Hải cũng có những chuyển biến tích cực sư với năm 2008. Các ngành nghề của huyện khá đa dạng với 6 nhóm nghề cơ bản là: mây tre đan, cơ khí, thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản thực phẩm, làm đồ gỗ và sản xuất vật liệu xây dựng đã tạo việc làm cho trên 21 nghìn lao động với thu nhập bình quân 480 nghìn đồng/người/tháng.

Giá trị sản xuất năm 2009 đạt 193,5 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nghề mây tre đan chiếm 62% giá trị sản xuất làng nghề với các sản phẩm đa dạng như đan mũ, nón lá, dệt chiếu... Nghề cơ khí với trên 100 cơ sở sản xuất với các sản phẩm chủ yếu là cửa hoa sắt, dụng cụ cầm tay... tuy không thu hút nhiều lao động nhưng lại có giá trị sản xuất cao chiếm 13%. Tuy nhiên việc phát triển nghề và làng nghề ở Tiền Hải còn chậm; chỉ có 7 làng nghề có sự phát triển, 4 làng nghề còn giữ được nghề, còn lại hoặc không tồn tại hoặc làm ở mức độ cầm chừng.

Một trong những nguyên nhân khiến nghề và làng nghề của huyện không phát triển là do cơ chế chính sách với làng nghề tuy được ban hành nhưng chưa được thực hiện. Mặt khác, vốn cho phát triển làng nghề hầu như không có,cơ sở hạ tầng phục vụ làng nghề chưa được đầu tư, lao động đa số là người lớn tuổi hoặc trẻ em chưa được đào tạo bài bản, sử dụng máy móc thiết bị phục vụ sản xuất còn hạn chế. Một nguyên nhân nữa là quy mô các làng nghề nhỏ, sản phẩm ít có sự thay đổi cho phù hợp với thị hiếu tiêu dùng nên không có điều kiện tiếp xúc với các doanh nghiệp lớn để có môi trường phát triển thuận lợi.

Nhận thức rõ được những tồn tại, hạn chế trong phát triển CN-TTCN năm qua, năm 2010 huyện Tiền Hải phấn đấu đạt giá trị sản xuất CN – TTCN trên 1,4 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu đó, huyện một mặt chủ trương tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển các ngành CN – TTCN. Mặt khác, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, tiếp thị để mở rộng và chiếm lĩnh thị trường. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển làng nghề, quy hoạch các điểm công nghiệp làng nghề để tạo mặt bằng và giải quyết ô nhiễm môi trường cho khu vực làng nghề. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất nhằm tăng dần giá trị ngành CN – TTCN trong cơ cấu kinh tế.

Từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần hoàn  thành thắng lợi các mục tiêu kế hoạch của năm 2010 và những năm tiếp theo.

P.V

 

  • Từ khóa