Chủ nhật, 28/07/2024, 17:25[GMT+7]

Hiệu quả kinh tế cao nhờ nuôi bồ câu theo mô hình công nghiệp

Thứ 3, 06/08/2013 | 08:18:47
4,640 lượt xem
Chỉ lấy chăn nuôi làm nghề phụ, gia đình anh Trần Công Dũng, thôn Phú Khu, xã Văn Lang, huyện Hưng Hà đã chọn chim bồ câu Pháp là vật nuôi tăng gia sản xuất. Suốt 3 năm tự mày mò, học hỏi kinh nghiệm anh Dũng đã có trong tay một trại bồ câu Pháp nuôi theo hướng công nghiệp, chuyên cung cấp giống cho thị trường trong tỉnh.

Là nghề phụ nhưng nuôi bồ câu đã giúp gia đình anh Dũng có thêm thu nhập

Ở cái tuổi 54, có trong tay một trại bồ câu gần 200 đôi chim bố mẹ, một đàn thỏ sinh sản gần 50 con, nhưng công việc chính của anh Dũng vẫn là điều hành xưởng gỗ ngay sát trang trại. Trước đây anh cũng bươn trải nhiều nghề, sau 5 năm ở trong quân ngũ anh trở về quê hương mở quán sửa xe máy, bán hàng giải khát, sản xuất đồ gỗ… Có sẵn máu đam mê chăn nuôi, cuối năm 2010 anh đã xác định chọn con bồ câu để làm kinh tế. Lặn lội lên tận Bắc Giang để tìm hiểu các mô hình nuôi chim bồ câu Pháp và đặt mua 30 đôi chim giống bố mẹ. Anh Dũng cho biết: “Lúc đầu tôi cũng không biết nên nuôi con gì cho hợp lý vì diện tích dành cho chăn nuôi chỉ 100 m2. Tôi cũng nghĩ tới nuôi lợn, nuôi gà… nhưng những vật nuôi đó tốn nhiều thời gian lại gặp rủi ro nhiều. Tôi nghĩ tới con bồ câu Pháp nuôi theo mô hình công nghiệp qua sách báo”.

Từ 30 đôi bồ câu giống ban đầu, anh Trần Công Dũng đã mạnh dạn đầu tư hơn 10 triệu đồng xây dựng trang trại. Tận dụng tối đa nguyên vật liệu gỗ dư thừa từ xưởng gỗ của gia đình, anh đóng chuồng, dựng lán nuôi chim bồ câu. Như nhiều mô hình nuôi chim bồ câu ta, bồ câu Pháp ở nhiều nơi nuôi theo mô hình bán công nghiệp hay chăn thả tự nhiên cho năng suất không cao lại hay gặp rủi ro, khó kiểm soát số lượng đàn. Mô hình nuôi bồ câu của anh Dũng được bố trí hợp lý và khoa học, các ngăn chuồng ngăn cách nhau và có khu nuôi chim giống riêng biệt. Anh Dũng chia sẻ: “Các ô chuồng phải bảo đảm đủ ánh sáng, thông thoáng và sạch sẽ. Do không nuôi thả tự nhiên nên các ô chuồng phải rộng để chim được thoải mái. Chim bồ câu Pháp rất thuần và lành tính nên dễ chăm sóc và sinh sản đều nếu chế độ dinh dưỡng hợp lý”.

Hiện nay, trung bình mỗi tháng gia đình anh xuất ra thị trường 50 – 70 đôi chim giống hậu bị. Nắm vững các giai đoạn sinh sản, sinh trưởng và phát triển của bồ câu nên chất lượng giống bồ câu nhà anh được các chủ hộ chăn nuôi đánh giá cao. Không nuôi thương phẩm mà chỉ nuôi lấy giống nên thời gian xuất bán dài ngày. Anh Dũng cho biết, mỗi đôi chim giống từ khi nở tới lúc bán phải mất 4 - 5 tháng vì thế phương pháp nuôi giống của anh là nuôi tập trung, cho ghép đôi tự nhiên. Khi chim được 4 tuần tuổi là có thể tách mẹ cho ra khu nuôi chim giống để chim bố mẹ có điều kiện nuôi lứa tiếp theo.

Mỗi ngày anh Dũng và vợ dành 2 tiếng để chăm sóc chim. Mỗi buổi sáng anh đều kiểm tra tổng thể chuồng nuôi sau đó kiểm tra từng ô chuồng. Mọi số liệu hàng ngày đều được ghi chép tỷ mỉ trên bảng ở mỗi ô chuồng để bảo đảm việc cân đối khẩu phần thức ăn và thời gian sinh trưởng của từng đôi chim. Để phòng các loại bệnh cho chim bồ câu phải chăm sóc và vệ sinh chuồng trại hợp lý. Bên cạnh đó, nguồn thức ăn cho chim bồ câu cũng dồi dào, sẵn có tại địa phương như: thóc, ngô, đậu tương…

Nhu cầu sản phẩm thịt chim bồ câu của thị trường rất lớn từ đó kéo theo nhu cầu cung ứng giống cho các hộ nuôi. Hiện nay theo giá thị trường, một đôi chim bồ câu Pháp 4 - 5 tháng tuổi bán với giá 500.000 - 550.000 đồng, 250.000 - 300.000 đồng/đôi chim giống 2,5 tháng tuổi. Trừ mọi chi phí trong chăn nuôi, mỗi tháng gia đình anh Dũng thu về 4.500.000 - 5.000.000 đồng từ việc bán chim giống.

Chưa thỏa mãn niềm đam mê với chăn nuôi, đầu năm 2012, anh Dũng mở thêm khu nuôi 50 con thỏ giống New Zealandon>. Bước đầu cho thấy thành công từ việc chăn nuôi kết hợp giữa hai vật nuôi có thị trường tiêu thụ rộng lớn và ổn định. Từ đầu năm 2013, đàn thỏ nhà anh bắt đầu sinh sản để cung cấp thỏ giống cho thị trường trong huyện. Anh Dũng tâm sự: “Qua theo dõi thị trường, giống thỏ nhập ngoại này vẫn còn khan hiếm. Đó là cơ hội để mình thử sức với những con vật nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao”.

Bài, ảnh: Tất Đạt

  • Từ khóa