Chủ nhật, 28/07/2024, 17:14[GMT+7]

Quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước linh hoạt, hiệu quả

Thứ 3, 06/08/2013 | 08:39:27
1,115 lượt xem
Sáu tháng đầu năm 2013, kinh tế thế giới chưa thoát khỏi thời kỳ suy thoái nên đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, tài chính nhiều doanh nghiệp khó khăn, hàng hóa tiêu thụ chậm…Nhưng với sự quản lý, điều hành linh hoạt ngân sách Nhà nước (NSNN) của UBND tỉnh nên đã góp phần không nhỏ cho nền kinh tế của tỉnh duy trì ổn định và tăng trưởng khá.

Cục Thuế tỉnh thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính thuế và nâng cao chất lượng phục vụ tại bộ phận một cửa.

Sáu tháng đầu năm 2013, kinh tế thế giới chưa thoát khỏi thời kỳ suy thoái nên đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, tài chính nhiều doanh nghiệp khó khăn, hàng hóa tiêu thụ chậm… Ngoài ra, cơn bão số 8 năm 2012 đã gây thiệt hại khá nặng cho 340 doanh nghiệp trong tỉnh, do đó các doanh nghiệp phải huy động mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, với sự quản lý, điều hành linh hoạt ngân sách Nhà nước (NSNN) của UBND tỉnh nên đã góp phần không nhỏ cho nền kinh tế của tỉnh duy trì ổn định và tăng trưởng khá.

Quản lý, điều hành linh hoạt

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và nghị quyết HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo cơ quan thuế và các ngành chức năng, huyện, thành phố thực hiện quản lý thu NSNN chặt chẽ. Theo đó, các ngành, đơn vị đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc kê khai nộp thuế, hoàn thuế. Đồng thời, tập trung thanh, quyết toán và tổ chức thực hiện thu nộp thuế chuyển tiếp, số thuế nợ đọng ngay từ đầu năm và hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thu nộp ngân sách theo luật định.

Do làm tốt công tác quản lý thu, nên nhiều chỉ tiêu thu nội địa thực hiện khá cao so với cùng kỳ, như khu vực doanh nghiệp nhà nước Trung ương, doanh nghiệp nhà nước địa phương, khu vực ngoài quốc doanh… Cụ thể, thu từ doanh nghiệp nhà nước Trung ương là 45,6 tỷ đồng, đạt 65,2% dự toán, tăng 58,3% so với cùng kỳ năm trước. Một số đơn vị có số nộp lớn, như Viễn thông Thái Bình: 11,021 tỷ đồng, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí sông Hồng: 4,84 tỷ đồng, Công ty Điện lực Thái Bình: 2,2 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp địa phương và công ty cổ phần duy trì ổn định sản xuất và có số nộp lớn, như Chi nhánh Viettel: 26,4 tỷ đồng, Công ty cổ phần Lương thực sông Hồng: 2,03 tỷ đồng…

Cùng với sự nỗ lực trong việc chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho cơ quan thuế, ngành chức năng, huyện, thành phố thực hiện thu nội địa, UBND tỉnh đã chủ động báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương bổ sung ngân sách cho địa phương để đáp ứng nhiệm vụ chi tăng thêm, bảo đảm an sinh xã hội và việc cân đối ngân sách địa phương. Theo đó, 6 tháng đầu năm, ngân sách cấp tỉnh đã tiếp nhận các khoản bổ sung ngoài dự toán giao đầu năm từ ngân sách Trung ương là 331,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh tích cực làm việc với Bộ Tài chính để huy động nguồn lực cho chương trình giao thông nông thôn và các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh từ nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi là 380 tỷ đồng. Trong điều hành chi ngân sách, UBND tỉnh đã thực hiện linh hoạt các nguồn vốn theo các nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; huy động đa dạng mọi nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Điều này được thể hiện khá rõ nét trong việc hỗ trợ xây dựng nông thôn mới bảo đảm kịp thời, tạo điều kiện cho các xã chủ động triển khai, tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao.

 Đặc biệt các công trình trọng điểm, cấp bách của tỉnh đã được ứng vốn đầu tư kịp thời, đáp ứng được sự mong mỏi của nhân dân, như chương trình nâng cấp đê biển ứng trên 312 tỷ đồng, dự án di dân của huyện Tiền Hải và Quỳnh Phụ 46,7 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công với cách mạng 98 tỷ đồng… Việc xử lý nợ đọng đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) và công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư XDCB được hoàn thành theo đúng quy định của Bộ Tài chính. Cụ thể, UBND tỉnh đã phê duyệt quyết toán 78 danh mục công trình hoàn thành, với số tiền 437,69 tỷ đồng và cắt giảm, loại trừ khỏi giá trị quyết toán của chủ đầu tư đề nghị 1,885 tỷ đồng.

Bổ sung nguồn thu, chi và giải pháp thực hiện

Theo báo cáo của UBND tỉnh trình HĐND tỉnh, dự kiến sẽ bổ sung thêm một số nguồn thu ngân sách các cấp ở địa phương so với dự toán đầu năm là 2.561 tỷ đồng. Như vậy, năm 2013 tổng thu ngân sách địa phương dự kiến 9.655,3 tỷ đồng, tăng 2.561 tỷ đồng (tăng 36%) so với dự toán giao đầu năm. Trên cơ sở bổ sung một số nguồn thu, dự kiến nhiệm vụ chi được bổ sung thêm 2.561 tỷ đồng. Theo đó, tổng chi cân đối ngân sách địa phương năm 2013 dự kiến là 9.655,3 tỷ đồng (không kể các khoản ghi chi phản ánh qua ngân sách). Để hoàn thành nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2013, UBND tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp để các cấp, ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Trước hết, cần rà soát, nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn để thu đầy đủ, kịp thời vào NSNN, chủ yếu ở các lĩnh vực xây dựng cơ bản, lệ phí trước bạ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… để bù đắp vào phần giảm thu do thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thời hạn nộp thuế trong năm 2013. Phân tích tình hình nợ đọng thuế để thực hiện thu nợ có hiệu quả nhằm giảm nợ cũ và không tăng thêm nợ mới… Trong chi ngân sách, tổ chức quản lý điều hành chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm cân đối ngân sách địa phương theo đúng Chỉ thị số 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 11/CT-UBND và Chỉ thị số 09/CT-UBND của UBND tỉnh. Để tiết kiệm chi, chi có hiệu quả, các sở, ngành, huyện, thành phố cần điều hành các nhiệm vụ chi trong phạm vi dự toán được giao, sử dụng 50% nguồn dự phòng ngân sách đã bố trí trong dự toán của từng cấp để xử lý các nhiệm vụ cấp bách phát sinh theo quy định.

Đặc biệt là không bổ sung các đề án, chương trình và ban hành các cơ chế chính sách mới, hoặc nâng định mức chi làm tăng chi ngân sách khi chưa xác định được nguồn kinh phí. Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ chi cho đầu tư phát triển để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; đồng thời thực hiện các biện pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển. Việc xử lý nợ đọng được tiến hành theo lộ trình, hàng năm xử lý được ít nhất 30% số nợ đọng xây dựng cơ bản của các cấp ngân sách. Quản lý chặt chẽ các khoản chi, hạn chế tối đa các khoản phát sinh ngoài dự toán; tập trung huy động các nguồn lực, bảo đảm cân đối ngân sách phục vụ nhiệm vụ cấp thiết theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, nghị quyết HĐND tỉnh…

Bài, ảnh: Nguyên Bình

  • Từ khóa