Thứ 5, 02/05/2024, 01:40[GMT+7]

Đông Hưng: Phát huy tiềm năng, thế mạnh thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

Chủ nhật, 11/02/2024 | 08:29:38
10,415 lượt xem
Xác định 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Đông Hưng đã tận dụng thời cơ, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Đồng chí Bí thư Huyện ủy Đông Hưng trao Huy hiệu 75 năm tuổi đảng và tặng hoa chúc mừng cụ Hoàng Thị Nhưỡng, xã Đông Quan.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh

Năm 2023, phát triển kinh tế của huyện Đông Hưng trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, song với quyết tâm giữ vững tăng trưởng, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã đề ra nhiều giải pháp biến thách thức thành cơ hội. Đó là phát huy tối đa lợi thế nằm giữa trung tâm của tỉnh, tiếp giáp 6 huyện, thành phố, có hệ thống giao thông kết nối thuận lợi, nhiều cụm công nghiệp, nguồn lao động dồi dào, đất đai màu mỡ, nông dân giàu kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp... Trong năm 2023, huyện triển khai mới 8 dự án về giao thông, tiếp tục triển khai 7 dự án từ năm 2022 chuyển sang, một số dự án đã đưa vào sử dụng; đồng thời thực hiện duy tu, bảo dưỡng 108,6km đường huyện. Đã hoàn thiện quy hoạch thị trấn Đông Hưng mở rộng đến năm 2035, lập đồ án quy hoạch đô thị Tiên Hưng, đô thị Đông Quan lên đô thị loại V; triển khai thực hiện các dự án nhà ở thương mại, nhà ở đô thị, khu dân cư kiểu mẫu tại một số xã trên địa bàn. Xác định công nghiệp là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, Đông Hưng đã quy hoạch 9 cụm công nghiệp bám sát các trục giao thông huyết mạch, bố trí hài hòa nhằm phát triển đồng đều kinh tế - xã hội trên địa bàn và giúp doanh nghiệp tuyển dụng lao động dễ dàng. Cùng với đó, huyện thực hiện quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh cải cách hành chính, có cơ chế, chính sách thông thoáng thu hút các nhà đầu tư, đồng thời chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Tận dụng lợi thế và nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, Đông Hưng đã trở thành địa chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, lấp đầy các cụm công nghiệp. Trong năm, có 16 dự án mới được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, nâng tổng số dự án lên gần 140, trong đó có trên 120 dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Huyện cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho các làng nghề tiểu thủ công nghiệp duy trì, mở rộng, phát triển sản xuất. Do vậy, năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp của Đông Hưng vẫn tăng 3,1% so với năm 2022.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Phúc Mậu, xã Đông Phương.

Trong gian khó, Đông Hưng vẫn là huyện dẫn đầu tỉnh về năng suất lúa và diện tích trồng cây vụ đông. Giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản của huyện năm 2023 tăng 2,19% so với năm 2022. Có được kết quả đó là do huyện đã chỉ đạo triển khai hiệu quả nhiều mô hình sản xuất giống lúa mới như TBR97, nếp A Sào, ST25, TBR39...; mở rộng diện tích cấy máy mạ khay lên gần 5.000ha, mở rộng diện tích trồng cây vụ đông. Xây dựng mô hình nâng cao giá trị sản xuất giống cây hoa, cây cảnh, cây lâu năm ở Hồng Việt, hồng xiêm nhót ở Lô Giang, mít dai vàng ở Hà Giang để phát triển nông nghiệp gắn với du lịch. Một số HTX mạnh dạn chuyển hướng sang sản xuất, chế biến và tiêu thụ qua các kênh thương mại điện tử, tích cực liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản cho nông dân với gần 2.000ha lúa, trên 1.000 tấn bí, góp phần nâng cao giá trị nông sản, tạo nhiều việc làm cho bà con. Bên cạnh đó, huyện khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại gắn với an toàn sinh học, nuôi thả những con đặc sản có giá trị kinh tế cao. Triển khai hiệu quả chương trình “Thắp sáng đường quê” với tổng chiều dài trên 100km, xây dựng 22 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 4 sao. Trong năm, huyện đã ban hành một số cơ chế hỗ trợ xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu, hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai, cùng nguồn lực hỗ trợ của tỉnh xã Đông Phương đã được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; các xã Phong Châu, Đông Hoàng đang hoàn thiện hồ sơ để trình tỉnh thẩm định, công nhận.

Người trồng đào ở xã Minh Tân chuẩn bị đánh đào cho thương lái đưa đi các tỉnh phục vụ người dân mua về chơi tết.

Đặc biệt, với sự chỉ đạo quyết liệt bằng các giải pháp linh hoạt, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023 của huyện vẫn đạt trên 1.400 tỷ đồng, bằng 108,2% so với năm 2022. Số thu ngân sách vượt dự toán HĐND huyện giao 49,8 tỷ đồng. Có nhiều xã thu ngân sách đạt và vượt dự toán giao. Thu ngân sách nhà nước cao đã đáp ứng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Đặc biệt trong năm qua, các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất và những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng thu hồi đất được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, chấn chỉnh đã có chuyển biến tích cực. Chế độ, chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Phong trào giáo dục của huyện vẫn duy trì ở tốp đầu trong khối các huyện, thành phố. 3 năm qua, trên địa bàn huyện không xảy ra trọng án, tai nạn giao thông giảm so với năm trước; huyện đã tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ huyện và 12 xã; nhiều năm liền bảo đảm chỉ tiêu giao quân.

Quyết tâm đạt mức cao nhất chỉ tiêu đề ra

Năm 2024, Đông Hưng phấn đấu: tổng giá trị sản xuất tăng 7,37% so với năm 2023; có thêm 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,14% so với năm 2023... Để đạt được chỉ tiêu đề ra, huyện xác định năm 2024 là năm tập trung cho đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp; thực hiện quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư vào cụm công nghiệp. Khi thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất, kinh doanh sẽ ưu tiên dự án thuộc các ngành công nghiệp sạch, sử dụng công nghệ cao, tạo nhiều việc làm, ít gây ô nhiễm môi trường để hướng đến sản xuất xanh, an toàn, bền vững và phát triển. Cùng với đó, huyện tiếp tục triển khai các dự án đã được phê duyệt, đôn đốc triển khai các dự án chuyển tiếp từ năm 2023 sang, chú trọng các công trình trọng điểm. Về nông nghiệp, khuyến khích người dân tập trung, tích tụ ruộng đất, mở rộng các vùng sản xuất lúa hàng hóa, xây dựng sản phẩm OCOP của tất cả các xã, đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình “Thắp sáng đường quê”. Tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất, phấn đấu năm 2024 diện tích cấy máy mạ khay đạt 5.500 - 6.000ha, đến năm 2025 cơ bản cấy bằng máy. Cùng với đó, tập trung chỉ đạo xây dựng NTM nâng cao bảo đảm chất lượng, hiệu quả, bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Triển khai các bước xây dựng thí điểm khu chăn nuôi tập trung, từng bước xóa bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách, quan tâm làm tốt công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao chất lượng giáo dục; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...

Năm 2013, Đông Hưng vẫn là huyện dẫn đầu về năng suất lúa, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh. 

- Năm 2023, tổng giá trị sản xuất của huyện Đông Hưng tăng 3,41% so với năm 2022.
- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 6,2% so với năm 2022.
- Kim ngạch xuất khẩu đạt 219,6 triệu USD.
- Tổng thu các loại thuế, phí, lệ phí đạt 142,8% dự toán giao.
- Thu nhập bình quân đầu người đạt 61,38 triệu đồng/năm.
- Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,88%.


Bùi Đức Hoàng

Bí thư Huyện ủy Đông Hưng