Thứ 4, 01/05/2024, 23:32[GMT+7]

Tự hào sản phẩm OCOP Đông Hưng

Thứ 7, 10/02/2024 | 01:04:02
12,550 lượt xem
Những năm qua, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được các cấp, các ngành trên địa bàn huyện Đông Hưng triển khai hiệu quả, thu hút đông đảo các chủ thể tham gia. Chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh, gia tăng giá trị sản phẩm đặc sản, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao tại địa phương.

Quy trình nuôi cấy đông trùng hạ thảo tại cơ sở của anh Nguyễn Hữu Hiện, xã Phú Lương (Đông Hưng) luôn bảo đảm tiêu chuẩn cho ra sản phẩm chất lượng.

Nhiều đặc sản được công nhận OCOP

Với mong muốn xây dựng thương hiệu cho bánh cáy làng Nguyễn, hướng tới xây dựng thương hiệu bánh cáy Thái Bình, khi huyện bắt đầu triển khai chương trình OCOP, xưởng chế biến thực phẩm bánh kẹo Thiên Đức đã mạnh dạn đăng ký và bánh cáy được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Đến nay, xưởng đã có thêm 4 sản phẩm bánh kẹo được công nhận OCOP 4 sao. 

Ông Trần Văn Đức, chủ xưởng chế biến thực phẩm bánh kẹo Thiên Đức chia sẻ: Được chứng nhận OCOP, sản phẩm của xưởng có nhãn hiệu riêng, có tem OCOP, bao bì bắt mắt, đẹp, được quảng bá trên trang thương mại điện tử, trưng bày ở các hội nghị kết nối nông sản, tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm của tỉnh, của huyện. Thông qua đó, nhiều khách hàng đã tìm đến với xưởng đặt mua sản phẩm tiêu thụ tại một số trạm dừng chân, siêu thị trong cả nước. Thời gian qua, làng nghề gặp khó khăn nhưng xưởng vẫn mở rộng được thị trường tiêu thụ, đặc biệt là với các sản phẩm OCOP, giải quyết việc làm ổn định cho 70 lao động.

Đông Hưng là huyện có nhiều nông sản, sản phẩm làng nghề truyền thống có khả năng xây dựng thành sản phẩm OCOP đặc trưng. Huyện cũng ban hành cơ chế hỗ trợ tối đa 90 triệu đồng xây dựng 1 sản phẩm OCOP để các địa phương, các chủ thể mạnh dạn đăng ký xây dựng. 

Anh Nguyễn Hữu Hiện, xã Phú Lương cho biết: Sản phẩm được công nhận OCOP giúp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nâng tầm chất lượng, vì vậy năm 2023 tôi đã đăng ký tham gia. Cuối năm, sản phẩm của cơ sở đã được công nhận OCOP 3 sao.

Từ huyện có ít sản phẩm OCOP nhất tỉnh, nay Đông Hưng đã vươn lên đứng thứ 3 với 22 sản phẩm đạt OCOP 3, 4 sao, trong đó có 14 sản phẩm OCOP 4 sao. Các sản phẩm OCOP không chỉ mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp, duy trì, phát triển làng nghề của địa phương mà còn giúp phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm.

Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Để làm ra những hạt gạo làng Giắng thơm, ngon với chất vị riêng biệt, bảo đảm tiêu chuẩn OCOP 3 sao và phấn đấu để được nâng sao, HTX SXKD gạo chất lượng cao xã Đông Tân giám sát chặt chẽ từ hạt giống, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, lưu trữ, chế biến đến đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng. 

Ông Lại Khắc An, Giám đốc HTX DVNN, kiêm Giám đốc HTX gạo chất lượng cao xã Đông Tân cho biết: Mong muốn của HTX là mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm gạo an toàn, rõ nguồn gốc, trong quá trình sản xuất HTX đã kết hợp cùng bà con nông dân xây dựng vùng nguyên liệu tập trung 70ha, hướng dẫn bà con cách gieo cấy, chăm bón theo quy trình VietGAP, cấy lúa thân thiện với môi trường. HTX cũng hiện thực hóa chuỗi sản xuất lúa gạo sạch, an toàn với quy trình sản xuất được kiểm soát, kiểm định chặt chẽ ở tất cả các khâu, chế biến và đóng gói bằng dây chuyền hiện đại cho ra sản phẩm gạo chất lượng cao, được tiêu thụ tại nhiều cửa hàng, siêu thị. Qua đó, năng suất lúa, giá trị của gạo làng Giắng đều tăng so với sản xuất truyền thống khoảng 20%.

Với phương châm “chất lượng làm nên thương hiệu”, các chủ thể OCOP sau khi được công nhận vẫn không ngừng tìm giải pháp nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Để giúp các chủ thể nâng tầm sản phẩm OCOP, tiếp tục xây dựng thêm nhiều sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên, huyện Đông Hưng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực của các chủ thể, hướng đến xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm với vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các HTX, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Ông Lã Quý Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hưng cho biết: Chúng tôi tập trung rà soát, lựa chọn sản phẩm có tiềm năng, triển vọng của địa phương để xây dựng sản phẩm OCOP; hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể xây dựng sản phẩm đặc sắc của mình thông qua các “câu chuyện sản phẩm”, biến sản phẩm thành quà tặng, thành hàng hóa chất lượng cao. Tiếp tục tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại như đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử; xây dựng và hình thành các chuỗi phân phối sản phẩm, thúc đẩy tiêu dùng đối với sản phẩm thông qua các hội chợ, diễn đàn, sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại; xây dựng các điểm, cửa hàng giới thiệu, mua bán các sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường, đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh và hướng đến xuất khẩu.

Gắn phát triển OCOP với du lịch nông thôn

Sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, đặc sản hồng xiêm nhót của xã Lô Giang không chỉ ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ, giá trị tăng cao, giúp người dân làm giàu mà còn tạo điều kiện để địa phương phát triển du lịch. Hiện xã Lô Giang có trên 1.100 hộ tham gia trồng hồng xiêm với trên 30ha. Hàng năm, vào mùa hồng xiêm chín, các nhà vườn ở đây còn được đón rất nhiều đoàn khách các nơi đến nghiên cứu, tham quan, chụp ảnh, mua hồng xiêm. 

Chị Bùi Thị Ngọc Thùy, thị trấn Đông Hưng chia sẻ: Đến mùa hồng xiêm, tôi cùng gia đình hoặc một số bạn bè thường về Lô Giang để được trải nghiệm tại những vườn hồng xanh mướt, trĩu quả, ngọt ngào mùi hồng xiêm chín. Ở đây chúng tôi được tham gia hái quả, nhà vườn hướng dẫn chúng tôi cách lựa quả, được thưởng thức tại vườn những quả hồng xiêm chín cây ngọt mát và mua về làm quà. Chúng tôi cũng thoải mái chụp hình kỷ niệm trên các con đường thơ mộng rợp bóng cây, với những cây hồng xiêm cổ có tuổi đời hàng chục đến hàng trăm tuổi... Đó là những buổi trải nghiệm thư giãn tuyệt vời sau những tuần làm việc, học tập căng thẳng.

Chủ trương của huyện Đông Hưng là kết nối sản phẩm OCOP với phát triển du lịch nông thôn, du lịch làng nghề. Từ đó sản phẩm OCOP sẽ làm phong phú và tăng tính độc đáo hơn cho hoạt động du lịch, ngược lại du lịch góp phần quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP và nâng cao giá trị sản phẩm. Để thực hiện chủ trương này, huyện Đông Hưng luôn khuyến khích các địa phương xây dựng sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch; đồng thời triển khai xây dựng các mô hình nâng cao giá trị sản xuất để phát triển nông nghiệp gắn với du lịch đối với giống cây hoa, cây cảnh, cây lâu năm xã Hồng Việt, cây hồng xiêm nhót xã Lô Giang, cây mít dai vàng xã Hà Giang.

Ông Nguyễn Đình Mạnh, chủ cơ sở sản xuất bánh kẹo Đình Mạnh, xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng
Đến nay, cơ sở có 6 sản phẩm bánh kẹo được công nhận OCOP 4 sao. Trong quá trình sản xuất, cơ sở luôn đặt tiêu chí chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm lên hàng đầu, đầu tư máy móc hiện đại để nâng công suất, giảm giá thành, liên tục cải tiến mẫu mã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Thời gian tới, cơ sở sẽ thành lập các gian hàng giới thiệu sản phẩm ở từng vùng miền và tham gia chuỗi sản phẩm OCOP trong cả nước, tiếp tục đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP đối với một số loại bánh kẹo khác nữa.



Ông Tô Hồng Sơn, xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng

 Nhận thấy mật ong là sản phẩm tốt cho sức khỏe con người, thị trường tiêu thụ lớn, nhiều năm qua tôi tận dụng khoảng trống dưới các tán cây và các loài hoa trong vườn nuôi trên 100 thùng ong lấy mật. Mỗi năm, gia đình tôi thu khoảng 350 lít mật ong bảo đảm chất lượng. Cuối năm 2023, mật ong của gia đình tôi đã được công nhận OCOP 3 sao. Đây là cơ hội để gia đình mở rộng vùng nuôi ong lấy mật, sản phẩm có tem mác, được quảng bá trên sàn thương mại điện tử của tỉnh, được nhiều người biết đến, sẽ sớm trở thành đặc sản của quê hương Đông Hoàng.

Hiếu Hiền