Thứ 5, 02/05/2024, 02:34[GMT+7]

Én gọi xuân về

Thứ 7, 10/02/2024 | 23:02:47
12,138 lượt xem
Như những “cánh én nhỏ” góp phần làm cho mùa xuân thêm sắc, nhiều bạn trẻ chọn cánh đồng làng khởi nghiệp, làm giàu cho gia đình, quê hương. Họ đang giúp cho những bức họa đồng quê thêm tươi đẹp, những thôn, xã là nơi đáng sống.

Chị Bùi Thị Duyên thu hoạch hoa cúc cổ.

“Gotafarm - Nông là Dược”

Vị bạc hà the mát, sảng khoái từ loại trà cùng tên quyện với kẹo lạc bạc hà ngũ vị do HTX Nông dược Gotafarm sản xuất giúp cho câu chuyện giữa chúng tôi và chị Bùi Thị Duyên, Giám đốc HTX Nông dược Gotafarm, xã Thụy Văn (Thái Thụy) trở nên cởi mở hơn. Sau biến cố gia đình và đôi lần khởi nghiệp không thành công, năm 2017, chị Duyên đã quyết định về quê ở thôn 2 An Định, xã Thụy Văn để tìm một cuộc sống “chậm”, an lành hơn. Chị Duyên tự trồng rau, thảo dược đáp ứng nhu cầu của gia đình. Đăng lên facebook, chị nhận thấy hóa ra đang có rất nhiều người cần nguồn thảo mộc tự nhiên, không hóa chất... Năm 2019, chị Duyên bắt tay vào dự án nâng giá trị của chính những loại cây dân dã vườn nhà như bạc hà, mùi già, diếp cá, tía tô... và rồi dần phát triển thành sản phẩm thương mại đầu tiên: “Lá thơm xông tắm mẹ & bé”.

Sơ chế dược liệu tại Hợp tác xã Nông dược Gotafarm.

Chị Duyên chia sẻ: Ở Gotafarm không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt cỏ, trừ sâu, không dùng phân bón hóa học, mà thay vào đó làm cỏ bằng phương pháp thủ công, sử dụng phân chuồng ủ hoai hoặc ủ cỏ, rơm rạ với men vi sinh, tạo ra chất mùn hữu cơ cho đất, do đó chi phí sản xuất gần như tiệm cận 0 đồng. Đến nay, mô hình nông dược (nông sản và dược liệu kết hợp) do chị Duyên sáng lập đã chứng minh được tính khả thi ban đầu, hiệu quả cao vì đi theo quy trình khép kín từ trồng trọt, chế biến cho đến thương mại. Từ hiệu ứng lan tỏa đó, nhiều hộ gia đình ở Thái Thụy và các huyện lân cận, thậm chí các tỉnh, thành phố khác đã tin tưởng làm theo phương pháp canh tác định hướng hữu cơ để cung cấp cho gia đình và kiếm thêm thu nhập. Hiện nay, Gotafarm có hệ thống 3.000 khách hàng và đại lý trên toàn quốc, hệ thống 10 nhà vườn trong chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất, nhà xưởng nhỏ cơ bản có tiêu chuẩn quản lý vận hành theo ISO 9001:2015. Hàng năm cung ứng ra thị trường các sản phẩm chất lượng cao chế biến 15 thảo dược như: bạc hà, hoa cúc cổ, lạc đỏ, đinh lăng, ngải cứu...

Một số sản phẩm của Hợp tác xã Nông dược Gotafarm. 

Là mẹ đơn thân của em bé 6 tuổi, vừa điều hành HTX, lo sản xuất, kinh doanh, nhiều lúc rất áp lực, song với chị Duyên, khi mình đang được sống bình yên ở quê nhà, có khí hậu trong lành, thực phẩm sạch hàng ngày là một điều hạnh phúc.

 “Niềm vui lớn hơn là chúng tôi đang lan tỏa tinh thần làm nông nghiệp tử tế, tăng cường sinh kế cho bà con quê hương từ chính mảnh vườn của mình” - chị Duyên chia sẻ.

Liên kết làm giàu

Sinh năm Mậu Thìn 1988, anh Nguyễn Văn Luân ở thôn Ngọc Chi, xã Quỳnh Bảo (Quỳnh Phụ) đầu tư máy móc hiện đại, liên kết sản xuất, hình thành chuỗi khép kín từ gieo cấy lúa đến lúc thu hoạch. Tham gia liên kết với Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Duy Nguyên do anh Luân làm giám đốc 4 năm nay, ông Phạm Hồng Sơn, thôn Đức Chính, xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Phụ) phấn khởi, yên tâm tích tụ ruộng đất. Mỗi sào, ông lãi 600.000 - 1.000.000 đồng/năm nhờ liên kết. 

Ông Sơn cho biết: Liên kết với Công ty, giá đúng theo hợp đồng, ổn định đầu ra, tránh đứt gãy trong khâu tiêu thụ. Sau thu hoạch, thóc được Công ty thu mua luôn, không tốn công phơi mà giá cao hơn thị trường.

Anh Nguyễn Văn Luân (người ngoài cùng bên phải) kiểm tra chất lượng gạo trước khi chuyển cho các đại lý.

Sự thay đổi cách thức kinh doanh đã mang lại cho Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Duy Nguyên do anh Luân làm Giám đốc phát triển ổn định. Nhờ liên kết sản xuất với bà con ngay từ đầu vụ, anh quản lý được quy trình và chất lượng lúa. Với từng vùng đất khi liên kết, anh lựa chọn giống lúa, biện pháp chăm sóc phù hợp. Năm 2023, anh liên kết với 10 HTX, hơn 300 chủ hộ với diện tích cấy lúa khoảng 1.000ha; bán thóc, gạo cho hơn 1.000 công ty, đại lý. 

Anh Nguyễn Văn Luân chia sẻ: Nhờ những tháng năm rong ruổi đi thu mua thóc từng nhà dân, tôi hiểu những khó khăn, những điều bà con đang mong muốn. Từ việc làm sao để giảm được chi phí trong sản xuất, đến vấn đề không cần lo lắng về giá cả, đầu ra mỗi khi vào mùa thu hoạch, rồi nâng tầm giá trị của thóc, gạo.

Lợi nhuận thu được, anh Luân tái đầu tư với mong muốn các HTX, bà con nông dân yên tâm về khâu phơi, tiêu thụ thóc, gạo, dần hiện thực hóa khát vọng xây dựng thương hiệu gạo cho quê hương mình. Mô hình kinh tế của anh Luân đang tạo việc làm cho 10 lao động với thu nhập từ 8 - 15 triệu đồng/người/tháng. 

Tham gia cuộc thi dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2023 do Trung ương Đoàn tổ chức, anh Luân đạt giải nhì với dự án “Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo theo chuỗi sản xuất bền vững tại miền Bắc và miền Trung Việt Nam”.

Phật thủ phủ xanh ruộng chua

500 cây phật thủ trồng thí điểm trên diện tích 2ha của anh Mai Đức Anh, thôn Tường An, xã Tân Hòa (Vũ Thư) năm nay ra lứa quả đầu tiên, được bán trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. 

Anh Đức Anh phấn khởi chia sẻ: Phật thủ được ví như bàn tay Phật che chở, mang an lành, sung túc đến cho gia chủ. Vì quan niệm đó, nhiều người mua loại quả này về bày lên bàn thờ, với mong muốn được hưởng những điều tốt lành. Trong 1 lần đến thăm nhà đồng đội cũ ở Hoài Đức (Hà Nội), tôi nghĩ sao không đưa giống cây này về trồng trên quê mình. Gia đình có 3 sào ruộng nhưng chất đất chua, cấy lúa không hiệu quả cho nên tôi tích tụ dần. Sau 3 năm, đến tháng 8/2022, tôi có khu vườn với tổng diện tích lên tới 5ha. 

Theo anh Đức Anh, mỗi quả trên cây lại có giá khác nhau, từ vài chục, vài trăm nghìn đồng, nếu quả đẹp sẽ có giá cả triệu đồng. Quả không đạt vẫn có thể bán theo cân để chế biến làm thuốc hoặc mứt.

Vườn phật thủ của anh Mai Đức Anh cho lứa quả đầu tiên.

Để vườn phật thủ phát triển tốt, anh Đức Anh còn tự mày mò công nghệ tưới tự động để tiết giảm chi phí. Sau năm đầu tiên, anh đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng phật thủ, dự kiến lên tới khoảng 3.000 gốc, trở thành vườn phật thủ lớn nhất miền Bắc. 

Chị Đoàn Thị Yến, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tân Hòa (Vũ Thư) cho biết: Không chỉ tiên phong đưa cây phật thủ về đồng đất quê hương, anh Mai Đức Anh còn là ông chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Tạo dựng cơ ngơi này từ hai bàn tay trắng, lại tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, Đức Anh để lại sự cảm phục và ấn tượng đẹp về hình ảnh lớp thanh niên trẻ năng động hiện nay.

Vườn phật thủ của anh Mai Đức Anh, xã Tân Hòa (Vũ Thư). 

“Khí thế” xuân mới căng tràn là dịp để mỗi người “nương” theo sức xuân nỗ lực hơn nữa cho những dự định, mục tiêu. Ngành nông nghiệp, người nông dân đang và sẽ tiếp cận những tư duy mới trong thời đại kinh tế tri thức, ứng dụng những thành tựu trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Vì vậy, nông dân nói chung, người làm nông nghiệp trẻ như chị Duyên, anh Luân, anh Đức Anh nói riêng cũng được tiếp cận tư duy mới, kiến thức mới, công nghệ mới, kỹ năng mới. Cùng với kinh nghiệm “Trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm”, những “lão nông tri điền” ngày nay còn có thể “trông” vào các thiết bị công nghệ, nhờ đến sự hỗ trợ của các chuyên gia, nhà khoa học nông nghiệp. Sự cộng hưởng giữa kinh nghiệm tích lũy từ thửa ruộng, bờ ao với tri thức, kết nối “dữ liệu số” có thể giúp khởi tạo giá trị mới, làm mới cánh đồng cũ.

Xuân Phương