Thứ 5, 02/05/2024, 05:22[GMT+7]

Thành quả từ chương trình OCOP

Thứ 3, 13/02/2024 | 15:20:26
11,800 lượt xem
Đơn hàng liên tục trong những ngày cận tết đã minh chứng cho chất lượng và uy tín của sản phẩm OCOP Thái Bình. Hiệu quả của chương trình mỗi xã một sản phẩm cũng đồng thời khẳng định thêm những đóng góp trong việc phát huy nội lực kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới (NTM).

Sản phẩm OCOP đều được cấp giấy chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc.

Ăn tết với sản phẩm OCOP

Ẩm thực ngày tết luôn là nét văn hóa đa dạng, phong phú, mang đậm tính đặc trưng vùng miền. Những đặc sản được người dân lựa chọn tỉ mỉ để chế biến món ăn, làm quà biếu. Và nhiều năm gần đây, sản phẩm OCOP Thái Bình với tiêu chí: ngon, an toàn, giá cả hợp lý đã trở nên quen thuộc với người dân trong tỉnh, trở thành lựa chọn hàng đầu cho mỗi dịp đặc biệt cũng như khi tết đến xuân về.

Năm 2022, HTX Kinh doanh nông sản làng Keo, xã Duy Nhất (Vũ Thư) tiêu thụ 100 tấn gạo nếp Bể dịp tết Nguyên đán. Đầu tháng 11 âm lịch vừa qua, HTX cũng tất bật cho đơn hàng 55 tấn do một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đặt làm quà biếu dịp tết. 

Anh Nguyễn Hữu Cảnh, Giám đốc HTX cho biết: Gạo nếp Bể là một đặc sản nổi tiếng của làng Keo với hương vị thơm ngon hấp dẫn mà không phải gạo vùng nào cũng có được. Gạo nếp Bể đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu “Gạo làng Keo” như một sự khẳng định thương hiệu với người tiêu dùng. Năm 2021, gạo nếp Bể làng Keo được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, đây là niềm vui, niềm tự hào không chỉ của thành viên HTX mà còn là sản phẩm đặc trưng của địa phương để giới thiệu cho mọi người biết đến. Dịp tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng gạo nếp tăng cao, năm đầu gạo nếp Bể được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, HTX tiêu thụ được trên 6 tấn gạo, dịp tết năm 2022 tiêu thụ 100 tấn, dự kiến dịp tết Nguyên đán năm nay tiêu thụ khoảng 150 tấn với giá bán từ 28.000 - 30.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 25% so bình quân chung thị trường. Để bảo đảm số lượng, chất lượng gạo phục vụ khách hàng tết Nguyên đán Giáp Thìn, HTX đã thu mua thóc nếp tươi từ thành viên ngay sau khi thu hoạch, tổ chức sấy bằng lò, bảo quản tại kho của HTX. Khi có đơn hàng mới tiến hành xay xát, đóng gói, gắn tem, nhãn mác sản phẩm OCOP với bao bì 2kg, 3kg, 5kg để các đơn vị, doanh nghiệp, người tiêu dùng lựa chọn làm quà biếu, tặng.

Chị Nguyễn Phương Loan, xã Đông Thọ, thành phố Thái Bình cho biết: 3 năm nay, trong mâm cỗ ngày tết của gia đình tôi lúc nào cũng có sự góp mặt của các sản phẩm OCOP bởi các sản phẩm này có chất lượng, an toàn. Sản phẩm OCOP Thái Bình khá phong phú, lựa chọn làm quà biếu người thân, bạn bè vừa an toàn lại ý nghĩa, giới thiệu được những sản phẩm tiêu biểu của tỉnh.


Sản phẩm OCOP - trụ cột trong phát triển kinh tế nông thôn

Hết tháng 11/2023, toàn tỉnh có 138 sản phẩm OCOP (có 48 sản phẩm đạt 4 sao, 90 sản phẩm xếp hạng 3 sao) với tổng số 91 cơ sở sản xuất của 8 huyện, thành phố có sản phẩm OCOP (trong đó có 32 doanh nghiệp, 36 HTX và 23 hộ kinh doanh). Các huyện, thành phố đang tiếp tục triển khai rà soát, hướng dẫn và tổ chức hội đồng đánh giá cấp huyện đối với các sản phẩm đã đăng ký năm 2023 để công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm OCOP phong phú, đa dạng, thuộc nhiều nhóm: thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, đồ uống có cồn, gạo, dược liệu... Sản phẩm OCOP đều được cấp giấy chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc và đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Giá trị kinh tế của các sản phẩm được nâng lên từ 20% trở lên nhờ đạt tiêu chí OCOP, công nghệ số đã đưa các sản phẩm đến với người tiêu dùng một cách nhanh hơn nên doanh số bán hàng của các đơn vị tăng từ 20 - 30%, trong đó doanh thu bán hàng qua mạng và sàn giao dịch điện tử chiếm 30%.

Dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn, dự kiến HTX Kinh doanh nông sản làng Keo tiêu thụ khoảng 150 tấn gạo nếp Bể.

Ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Chương trình OCOP với những cách làm bài bản, sáng tạo, hiệu quả đang góp phần đưa lại diện mạo mới cho NTM. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện, ngày càng văn minh, hiện đại, giàu có hơn. Trong bộ tiêu chí NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 của UBND tỉnh quy định xã NTM nâng cao phải có ít nhất 1 sản phẩm OCOP 3 sao. Do đó, xu thế hiện nay, chương trình OCOP sẽ là trụ cột trong phát triển kinh tế nông thôn.

Để chương trình OCOP đi vào chiều sâu, Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tỉnh đang khẩn trương tổ chức rà soát, định hướng cho các chủ thể đăng ký sản phẩm tham gia theo hướng vừa chú trọng phát triển sản phẩm mới vừa chú trọng nâng cấp sản phẩm hiện có, không chạy theo số lượng, với phương châm “chất lượng làm nên thương hiệu”, sản xuất phải lấy thị trường làm mục tiêu phát triển, phấn đấu sản phẩm OCOP của tỉnh không những tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Xây dựng sản phẩm phải có tính chủ lực, khuyến khích đưa các giá trị văn hóa, đặc thù của tỉnh vào các sản phẩm OCOP, để phát triển thành các sản phẩm mang đặc trưng của tỉnh; sản phẩm được sản xuất phải có tính cạnh tranh cao trên thị trường, theo hướng áp dụng công nghệ mới, các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến như Global GAP, Organic, GMP, HACCP, ISO... khuyến khích các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP phải luôn luôn đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã sản phẩm, ghi nhãn hàng hóa, đăng ký mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chỉ dẫn địa lý... nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm của mình.

Không khí xuân ấm áp, gia đình, bạn bè quây quần nhâm nhi chén trà hoa cúc, trà thảo dược, thưởng thức bánh cáy, kẹo lạc thấm đượm tình quê hương... đã tạo nên hương vị tết OCOP đậm bản sắc. Hy vọng rằng, với sự nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã, tăng cường quảng bá sản phẩm OCOP của các cấp, ngành và chủ thể OCOP, 138 sản phẩm OCOP của tỉnh sẽ có thêm nhiều cơ hội vươn ra biển lớn.

Ngân Huyền