Thứ 4, 01/05/2024, 20:21[GMT+7]

Liên kết vùng để phát triển “công nghiệp không khói”

Thứ 3, 13/02/2024 | 19:46:58
18,644 lượt xem
Xuân về, những con đường khang trang, rộng mở được kết nối đến từng khu du lịch ở huyện Hưng Hà như khoác lên chiếc áo mới với muôn hoa đua nhau khoe sắc rực rỡ tạo điều kiện cho người dân du xuân đón tết an toàn, thuận lợi. Đó chính là minh chứng cho việc liên kết vùng phát triển ngành “công nghiệp không khói” ở Hưng Hà.

Đường ĐH.70 đoạn từ ĐT.452 đi di tích lịch sử quốc gia đền Tiên La, xã Đoan Hùng tạo thuận lợi cho người dân du xuân, chiêm bái tại các khu du lịch tâm linh.

Liên kết giao thông…

Những ngày đầu năm mới 2024, cùng chúng tôi đi trên tuyến đường ĐH.70 đoạn từ ĐT.452 đi di tích lịch sử quốc gia đền Tiên La, xã Đoan Hùng vừa mới hoàn thành với chiều dài gần 3km có tổng mức đầu tư trên 40 tỷ đồng, bà Trần Thị Thoan, thôn Tiên La phấn khởi chia sẻ: Từ con đường nhỏ hẹp, trơn trượt, mỗi khi mùa mưa về đến con đường khang trang, rộng rãi, rực rỡ sắc hoa, khiến người dân chúng tôi ai nấy đều vui mừng, hân hoan. Không chỉ đi lại, buôn bán thuận lợi mà đây còn là tuyến đường kết nối với khu di tích lịch sử quốc gia đền Tiên La nên du khách thập phương khi đến chiêm bái, du xuân cũng an toàn, thuận tiện.

Còn tại tuyến đường ĐH.60 đoạn từ ĐT.455, xã Đông Đô nối vào khu nghỉ dưỡng khoáng nóng xã Duyên Hải có chiều dài 3km với tổng mức đầu tư 35 tỷ đồng đã hoàn thành trước tết dương lịch năm 2024 tạo điểm nhấn cho việc kết nối các khu du lịch trong huyện. 

Ông Nguyễn Kim Nhẩn, Chủ tịch UBND xã Duyên Hải cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã Duyên Hải đang triển khai dự án khu tổ hợp thương mại, dịch vụ lưu trú và khoáng nóng Wyndham; dự án khu du lịch nghỉ dưỡng và nhà máy nước đóng chai Onsen. Đây là 2 dự án quan trọng của huyện, xã để phát triển ngành du lịch. Do đó, việc đầu tư mở rộng tuyến đường vào khu nghỉ dưỡng sẽ tạo diện mạo mới cho địa phương và thuận lợi cho các du khách đi đến các điểm du lịch.

Xác định “giao thông đi trước mở đường”, tạo nền tảng kết nối vùng, huyện Hưng Hà huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp, cải tạo hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ, tạo diện mạo mới cho huyện. Từ năm 2022 đến nay, huyện Hưng Hà đầu tư xây dựng 26 tuyến đường huyết mạch kết nối các cụm di tích lịch sử văn hóa với tổng mức đầu tư 736,97 tỷ đồng như: đường kết nối khu di tích lịch sử cách mạng Trường Vỵ Sỹ đến khu di tích lịch sử văn hóa đền thờ Diệu Dung công chúa, xã Chí Hòa; đường từ quốc lộ 39 đến nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Hồng An; đường vào khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Đôn; đường vào cụm di tích lịch sử quốc gia đình, đền, lăng thờ Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ và Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, xã Liên Hiệp... Đến nay, một số công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, qua đó tạo điều kiện kết nối các khu, điểm di tích lịch sử trên địa bàn huyện và kết nối giao thông với đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu văn hóa, bứt phá đi lên.

Tuyến đường ĐH.60 đoạn từ ĐT.455, xã Đông Đô nối vào khu nghỉ dưỡng khoáng nóng xã Duyên Hải đang dần hình thành.

Ông Phạm Cao Quân, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà cho biết: Chúng tôi đang tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, hình thành các tuyến du lịch gắn với các di tích trọng điểm; kết hợp xây dựng các sản phẩm du lịch mới gồm: du lịch trải nghiệm, du lịch làng nghề, nghỉ dưỡng... nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Đồng thời, tăng cường quảng bá, liên kết, hợp tác phát triển du lịch; đẩy mạnh xúc tiến thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các khu du lịch, khu vui chơi, giải trí, khách sạn chất lượng cao... Bên cạnh đó, gắn du lịch Hưng Hà với du lịch của tỉnh, của vùng miền và cả nước; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách; kiện toàn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các di tích...

Hướng đến vùng du lịch trọng điểm của tỉnh

Hưng Hà có diện tích trên 200km2, nằm phía Tây Bắc tỉnh Thái Bình với 3 con sông lớn: sông Hồng, sông Luộc và sông Trà Lý bao bọc đã tạo nên một vùng đất phì nhiêu, màu mỡ với những cánh đồng thẳng cánh cò bay làm cho làng quê Hưng Hà đẹp tựa như một bức tranh. Ngoài ra, Hưng Hà còn có 598 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 28 di tích quốc gia và 95 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh đó, Hưng Hà còn có 135 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 2 lễ hội được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đền Trần và đền Tiên La). Các di tích lịch sử và lễ hội ở Hưng Hà chính là nhân chứng, vật chứng cho một vùng quê có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời. 

Ông Phạm Văn Cường, xã Tiến Đức cho biết: Vào dịp đầu xuân mới, đền Trần đón hàng nghìn du khách khắp cả nước. Từ đền Trần, xã Tiến Đức du khách có thể đến chiêm ngưỡng đền thờ Trần Thủ Độ và đền thờ Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, xã Liên Hiệp và nhiều điểm du lịch khác một cách dễ dàng, nhanh chóng. Tôi thấy chủ trương liên kết các vùng là rất trúng, đúng nhằm giữ chân du khách thập phương khi đến du lịch tại huyện. Từ những quyết sách ấy, người Hưng Hà hôm nay rất đỗi tự hào trước diện mạo mới của quê hương, được điểm tô bằng những công trình dự án mang tầm chiến lược.

Lễ hội đền Trần Hưng Hà được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.  

Để khai thác có hiệu quả thế mạnh của ngành “công nghiệp không khói”, ông Trần Hữu Nam, Bí thư Huyện ủy Hưng Hà cho biết: Hưng Hà đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp, mục tiêu cụ thể,  phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 lượng khách du lịch bình quân hàng năm tăng 10 - 15%. Đến 2025 có 50% số xã, thị trấn xây dựng được ít nhất 1 sản phẩm du lịch đặc thù; có 10 - 15 sản phẩm từ các địa phương đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP; xây dựng từ 2 - 3 tuyến, tour du lịch gắn với các khu, cụm di tích lịch sử văn hóa, khu du lịch trọng điểm trong và ngoài huyện; mỗi điểm du lịch văn hóa tâm linh và các điểm du lịch khác trong huyện có 1 tổ thuyết minh viên du lịch; hoàn chỉnh hệ thống du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm theo định hướng phát triển không gian du lịch, góp phần khẳng định thương hiệu du lịch Hưng Hà. Để đạt được mục tiêu trên, chúng tôi tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế nguồn tài nguyên du lịch phong phú, sẵn có để tạo bước đột phá phát triển toàn diện du lịch của huyện cả về phạm vi, quy mô và chất lượng dịch vụ; huy động mọi nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch theo hướng văn minh, hiện đại, hình thành tour, tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh.

Thanh Thủy