Chủ nhật, 17/11/2024, 17:14[GMT+7]

Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Hướng tới trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu vùng đồng bằng sông Hồng Kỳ 2: Thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh

Thứ 5, 29/02/2024 | 08:08:08
20,337 lượt xem
Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025 xác định: “Đẩy mạnh nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu, kết nối bền vững các chuỗi giá trị trong, ngoài tỉnh và toàn cầu, tạo sức bật và đem lại sự đột phá mới trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh”. Do vậy, quy hoạch khu và vùng nông nghiệp sản xuất theo hướng xanh, sạch, ứng dụng công nghệ cao với cơ sở hạ tầng thiết yếu là việc cần được triển khai sớm nhằm tạo “bộ khung” để đầu tư nguồn lực phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Mô hình cấy lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi tôm tại xã Nam Cường (Tiền Hải).

Hình thành tư duy làm nông nghiệp hiện đại

Xác định phát triển nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao là hướng đi chủ đạo và lâu dài, những năm qua, ngành nông nghiệp và các địa phương tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc thực hiện quy trình sản xuất bảo đảm các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường. Từ đó, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp “xanh” đã xuất hiện, cho hiệu quả kinh tế cao.

Xuất phát từ một mô hình chuyển giao do ngành khuyến nông và Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (Viện Chăn nuôi) triển khai tại Tiền Hải, anh Ngô Văn Duẩn và các thành viên HTX Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên đã nâng tầm con vịt biển, trứng vịt biển lên thành sản phẩm OCOP nức tiếng. 

Anh Ngô Văn Duẩn, Giám đốc HTX Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên cho biết: Sở dĩ vịt biển, trứng vịt biển Đông Xuyên được thị trường đón nhận với giá bán cao hơn ngoài thị trường bởi sản phẩm làm ra có sự khác biệt, sự đồng đều cao. Đặc biệt là duy trì được chất lượng ổn định với những bí quyết rất riêng trong thức ăn và ứng dụng chế phẩm vi sinh. Ngay từ ngày đầu, ngoài quy trình chăn nuôi của Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên, HTX còn bổ sung chế phẩm AM tỏi của Học viện Nông nghiệp Việt Nam vào nước uống. Thức ăn cho vịt đẻ và vịt thịt cũng được đặt sản xuất riêng tại công ty ở Hải Dương. Việc đưa vi sinh vào nước uống sẽ giúp hệ thống tiêu hóa của vịt tốt hơn, hấp thụ dinh dưỡng nhiều hơn. Ngoài ra, HTX còn dùng chế phẩm sinh học là vi sinh để đưa vào làm công thức tỏi mật ong ứng dụng trong phòng bệnh cho vịt. Năm 2023, doanh thu của HTX đạt khoảng 33,5 tỷ đồng, trong đó vịt biển và trứng vịt Đông Xuyên đạt 23 tỷ đồng. Với cách làm bài bản từ khâu chọn con giống, thức ăn và áp dụng quy trình chăn nuôi VietGHAP, mô hình chăn nuôi vịt biển của HTX Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên mang lại hiệu quả kinh tế cao, nông dân gọi loài thủy cầm này là “thần tài” tại vùng bãi ngang ven biển này.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thái Bình đã xác định rõ, kinh tế các-bon thấp là hướng đi mới và là cơ hội để địa phương nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành nông nghiệp trong chuỗi giá trị nông sản bền vững toàn cầu. Ở nhiều địa phương trong tỉnh đã và đang hình thành các mô hình áp dụng khoa học công nghệ, quy trình kỹ thuật canh tác tiết kiệm nhiên liệu vận hành máy nông nghiệp, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nhằm giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường. Tiêu biểu có mô hình canh tác lúa cải tiến SRI điển hình ở các huyện Đông Hưng, Vũ Thư, Tiền Hải, Kiến Xương, Thái Thụy. Riêng giai đoạn 2017 - 2020, với sự hợp tác của Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), sự vào cuộc của các doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp trong và ngoài tỉnh, sự đồng thuận của người dân, các địa phương đã triển khai thành công dự án “Sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính (AVERP)”, trong đó có 52 xã với 54 HTX của 8 huyện, thành phố tham gia áp dụng gói công nghệ của các đơn vị với diện tích được áp dụng 2.356,65ha (năm 2020). Nhìn chung, 9 gói công nghệ đã được thực hiện có năng suất trung bình tăng 26% và phát thải khí nhà kính giảm 12,5% so với phương pháp canh tác truyền thống, được người dân đánh giá cao về tính hiệu quả. Ngoài ra, trong lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh có khoảng 200ha đất canh tác theo hướng thuận thiên có giá trị kinh tế cao tạo sự cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học. Còn với lĩnh vực chăn nuôi, toàn tỉnh có trên 18.000 công trình biogas xử lý chất thải chăn nuôi. Nhiều trang trại chăn nuôi có quy mô lớn đã sử dụng các công trình biogas loại lớn (từ 30m3 đến 200m3) lắp đặt liên hoàn hoặc xây dựng hồ khí sinh học bằng bạt nhựa HDPE có thể tích trên 2.000m3 để xử lý triệt để phế phẩm chăn nuôi, đồng thời tạo ra nguồn khí sinh học phục vụ đun nấu, chạy máy phát điện, vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa giảm phát thải khí ra môi trường.

Nhân lên những vùng nông nghiệp “xanh”

Theo GS, TS Lê Văn Chiến, Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Về nông nghiệp, Thái Bình có rất nhiều dư địa để phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp các-bon thấp. Trên thực tế, tỉnh đã và đang triển khai nhiều mô hình liên quan đến vấn đề này và đã có hiệu quả. Để tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, thân thiện với môi trường, hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu, Thái Bình cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích kinh tế, hiệu quả môi trường của sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp. Và hơn hết là quyết tâm chính trị, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc cụ thể hóa các chủ trương, mục tiêu của tỉnh. Cùng với đó, tỉnh cũng cần có cơ chế, chính sách hợp lý để thu hút người dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia.  

Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh xác định đến năm 2050 Thái Bình phấn đấu trở thành một trong những tỉnh có nền nông nghiệp phát triển, hiện đại, nền nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ cao. 

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thêm: Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn nhằm thống nhất và nâng cao nhận thức về liên kết vùng phát triển hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp trong nông nghiệp. Tham mưu với tỉnh có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư xây dựng một số mô hình thí điểm, từ đó phát triển hệ sinh thái cho vùng sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp các-bon thấp ngay từ khâu trồng trọt, chăn nuôi đến chế biến, tạo nên một vòng tròn khép kín tổng thể, tích hợp đa giá trị.

Đối với sản xuất lúa gạo, đồng bộ áp dụng quy trình thâm canh lúa theo hướng giảm phát thải khí nhà kính, cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất; sản xuất gắn kết với bảo vệ môi trường và nuôi thủy sản trong ruộng lúa, tạo sản phẩm lúa an toàn. Trong chăn nuôi, tổ chức các vùng chăn nuôi tập trung, vùng chế biến sản phẩm chăn nuôi xa khu dân cư tập trung, phát triển chăn nuôi công nghiệp áp dụng công nghệ cao tại các trang trại, doanh nghiệp. Đối với lĩnh vực thủy sản, hiện đại hóa quy trình sản xuất, tập trung phát triển các sản phẩm chiến lược như tôm, nhuyễn thể, rươi, sản phẩm nuôi lồng bè theo 2 hướng: nuôi công nghiệp và hiện đại hoặc nuôi hữu cơ thân thiện với môi trường, hình thành vùng chuyên canh với khoảng 1.000ha lúa rươi ven sông.

Ứng dụng công nghệ cao được xem là chìa khóa để ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Muốn nông nghiệp Thái Bình phát triển bền vững, cần thiết phải tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ tiên tiến và công nghệ cao là khâu đột phá, then chốt. Ngoài ra, phải thu hút nhiều doanh nghiệp lớn, có thực lực đầu tư vào nông nghiệp để dẫn dắt khâu sản xuất, định hướng thị trường, tạo động lực để phát triển nông nghiệp. Đó là mục tiêu, chiến lược đặt ra để đưa nông nghiệp - nông dân - nông thôn của tỉnh phát triển bền vững.

Trong lĩnh vực thủy sản, sản phẩm chiến lược như tôm đang được đầu tư phát triển theo hướng công nghiệp và hiện đại.


Ngân Huyền