Chủ nhật, 28/07/2024, 17:16[GMT+7]

Vũ Thư Hiệu quả nuôi trồng thủy sản

Thứ 3, 13/08/2013 | 09:44:59
1,091 lượt xem
Toàn huyện Vũ Thư được bao bọc bởi 2 tuyến sông lớn là sông Trà Lý và sông Hồng; các xã duyên giang có những vùng đầm bãi, ao hồ ven đê là điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Đến nay diện tích nuôi thủy sản toàn huyện đạt 1.508 ha, với các đối tượng nuôi chính là các loài cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép… và một số đối tượng nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao như: trắm đen, chim trắng, diêu hồng... Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2

Thu hoạch cá của nông dân xã Vũ Đoài (Vũ Thư)

Điểm nổi bật trong nuôi trồng thủy sản ở Vũ Thư thời gian qua là bên cạnh diện tích ao nuôi nằm trong khu dân cư, nhiều xã có điều kiện thuận lợi đã phát triển vùng nuôi tập trung với phương thức bán thâm canh. Nhiều chủ trang trại nuôi trồng thủy sản đã xác định rõ hướng đi, đưa vào nuôi nhiều giống cá có giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường. Năm 2008, gia đình anh Nguyễn Thanh Long (Nguyên Xá) đấu thầu 3 ha đất gồm ao đầm, bãi để đầu tư cải tạo, chuyển đổi xây dựng trang trại theo mô hình “vườn, ao, chuồng”.

Thuận vợ, thuận chồng trong bàn bạc tìm cách làm giàu, gia đình anh mạnh dạn vay mượn, đầu tư số vốn 900 triệu đồng để hút bùn cải tạo ao nuôi cá với tổng diện tích 12.000 m2. Diện tích đất còn lại được quy hoạch nuôi gia cầm, trồng chuối tiêu hồng và cây cảnh. Trong quá trình nuôi cá, anh tuân thủ tốt các yêu cầu kỹ thuật về mật độ thả, lượng thức ăn, thời gian cho ăn, đặc biệt là nguồn nước. Hàng năm trang trại của anh Long xuất ra thị trường trên 10 tấn cá. Hay như anh Hồ Sỹ Tùng, thôn Thuận An, xã Việt Thuận đã vay mượn anh em, bạn bè cùng vốn vay ngân hàng được 700 triệu đồng đào 7 ao, mỗi ao rộng 8 sào đến 1 mẫu nuôi cá truyền thống như trắm, trôi, chép, mè... mỗi năm cho sản lượng trên 20 tấn cá thương phẩm, thu về khoảng 270 triệu đồng.

Để có những mô hình thủy sản tập trung, các xã đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn, tham quan học hỏi, trao đổi kinh nghiệm từ các mô hình trong và ngoài tỉnh. Các ngành chuyên môn hướng dẫn giúp các hộ quy hoạch ao nuôi theo tiêu chuẩn, đồng thời tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn kỹ thuật nuôi thả và phòng bệnh cho cá.  Các hộ khó khăn được xã tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục vay vốn ngân hàng.

 Năm 2006, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung xã Bách Thuận được tỉnh và huyện hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng kênh dẫn nước, thoát nước, điện, giao thông...; có 32 hộ tham gia đầu tư đào 50 ao nuôi với tổng diện tích 36 ha. Vùng thủy sản xã Hồng Lý, diện tích 42 ha, chủ yếu nuôi cá truyền thống, do địa thế nằm ven sông chủ động được nguồn nước nên cá ít bị dịch bệnh, đạt hiệu quả kinh tế cao. Ở một số vùng chuyển đổi khác, các hộ đã đưa một số vật nuôi có giá trị kinh tế và hiệu quả cao vào nuôi như cá trắm đen, cá quả, chim trắng, cá lóc bông, chép V1, cá rô phi đơn tính... Đáng chú ý là việc hình thành các vùng chuyên canh thủy sản, chăn nuôi tập trung đều khá xa khu dân cư, bảo đảm vệ sinh môi trường, đây cũng là điều kiện thuận lợi để kiểm soát vệ sinh thú y, phòng chống dịch bệnh.

Ngoài mô hình nuôi thủy sản tập trung tại các xã, những năm gần đây mô hình nuôi cá lồng trên sông ở Vũ Thư khá phát triển. Đây là mô hình mới, có khả năng nhân rộng và phát triển phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện. Năm 2012, Vũ Thư đã triển khai xây dựng mô hình thí điểm nuôi cá lồng trên sông Hồng tại 3 xã Vũ Đoài, Vũ Vân, Duy Nhất. Đến nay, số lượng đạt 64 lồng nuôi. Anh Trần Duy Quỳnh (Vũ Vân), ngoài diện tích 3 ha ao nuôi cá truyền thống như trắm, chép, mè, trôi... đã đầu tư phát triển nuôi cá lồng trên sông, chủ yếu là các giống cá trắm đen, diêu hồng... với số lượng 20 lồng.

Qua trò chuyện, anh cho biết: Nuôi cá lồng trên sông Hồng cho hiệu quả kinh tế cao, 1 lồng nuôi cá trắm đen sau hơn 6 tháng đạt trọng lượng trung bình 2,4 kg/con, sản lượng cá thu được 2.400 kg, doanh thu đạt 216 triệu đồng, sau khi trừ chi phí mỗi lồng nuôi lãi trên 56 triệu đồng. Để nuôi trồng thủy sản hiệu quả bền vững, Vũ Thư có nhiều giải pháp như: Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện phối hợp với Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh thường xuyên chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn cách phòng và chữa bệnh cũng như giới thiệu, cung cấp nguồn con giống chất lượng cho các hộ chăn nuôi. Huyện đã quan tâm đến việc quản lý chặt chẽ quá trình chuyển đổi đất lúa sang nuôi trồng thủy sản bảo đảm phát triển theo đúng định hướng, tránh chăn nuôi tự phát, tràn lan, nhỏ lẻ phá vỡ quy hoạch. Khuyến khích hình thành những vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng bền vững, xa khu dân cư, không ảnh hướng đến môi trường sống. Bên cạnh đó là phát triển đa dạng các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao phục vụ nhu cầu của thị trường.

Bài, ảnh: Mạnh Thắng

  • Từ khóa