Chủ nhật, 28/07/2024, 17:16[GMT+7]

Thái Bình Nhân rộng mô hình liên kết tiêu thụ lúa gạo cho nông dân

Thứ 3, 13/08/2013 | 09:58:40
1,511 lượt xem
Thời gian qua, Thái Bình đã quan tâm hỗ trợ nông dân tiêu thụ lúa gạo thông qua mô hình liên kết doanh nghiệp - HTX - nông dân. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình này cần sự tích cực hơn nữa từ các ngành chức năng, doanh nghiệp và chính những người trực tiếp làm ra nông sản.

HTX dịch vụ nông nghiệp Thái Sơn (Thái Thụy) đã giúp nông dân tiêu thụ hàng trăm tấn thóc với giá ổn định.

Công ty TNHH Hưng Cúc là một trong những doanh nghiệp kinh doanh lương thực quy mô lớn, mỗi năm thu mua từ 21.000 đến 25.000 tấn thóc trên địa bàn tỉnh. Để có vùng nguyên liệu ổn định, Công ty đã ký hợp đồng với hơn 40 HTX DVNN mua thóc của nông dân với giá ổn định. Vụ mùa năm 2013, doanh nghiệp được tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ xây dựng 2 mô hình: hỗ trợ nông dân thóc giống, một phần phân bón cấy 50 ha lúa DS1 tại xã Thái Sơn (Thái Thụy) và 10 ha giống DT68 tại Tây Phong (Tiền Hải), sau thu hoạch sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Ông Lý Thái Hưng, Giám đốc Công ty khẳng định: “Chúng tôi đã mua thóc của nông dân thông qua các HTX gần 10 năm nay, tuy nhiên lượng thu mua không ổn định.

Nhưng từ khi xây dựng mô hình liên kết, ký hợp đồng trực tiếp với nông dân thì lượng thóc mua về tăng lên gấp nhiều lần. Nếu 2 mô hình ở Thái Sơn, Tây Phong thành công, năm sau Công ty bảo đảm mở rộng diện tích thu mua sản phẩm quy mô từ 300 đến 400 ha”. Ông Trần Xuân Định, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Thời gian qua, Sở Công Thương đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Điển hình năm 2011 đã thực hiện thành công mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp tại hai xã Quốc Tuấn (Kiến Xương) và Tây Tiến (Tiền Hải) với diện tích mỗi xã 60 ha, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm với lượng lớn, giá cao. Ngoài ra, hàng năm, Trung tâm Xúc tiến Thương mại tỉnh tích cực tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia các chương trình bình ổn giá, hội chợ triển lãm, tham dự hội nghị liên kết tiêu thụ nông sản thực phẩm… nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng sản lượng thu mua cho nông dân”.

Ngoài Công ty TNHH Hưng Cúc, hiện nay Thái Bình có nhiều doanh nghiệp, đơn vị liên kết với các HTX DVNN sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa  như: Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình, Công ty CP Giống cây trồng Trung ương, Công ty CP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Lam Sơn, Công ty TNHH Thuận Khang, Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Cây lương thực và cây thực phẩm… Qua trao đổi, đại diện nhiều doanh nghiệp khẳng định: Liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân thông qua HTX giúp họ có được nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, kiểm soát được chất lượng sản phẩm nên hoàn toàn chủ động về kế hoạch sản xuất kinh doanh.

 Không chỉ doanh nghiệp hưởng lợi, khi tham gia mô hình này, nông dân dần làm quen với phương thức sản xuất hàng hóa, được tập huấn khoa học kỹ thuật, canh tác theo một quy trình chuẩn, đến khi thu hoạch sản phẩm có đầu ra ổn định, không bị tư thương ép giá, thu nhập cũng tăng lên. Ông Vũ Văn Bảo (xã Thái Hà, Thái Thụy) phấn khởi khoe: “Vụ xuân năm 2013, HTX ký hợp đồng với Công ty CP Giống cây trồng cấy 50 ha lúa giống Q5, bao tiêu sản phẩm đầu ra nên tôi mạnh dạn cấy 2,7 mẫu. Khi thu hoạch, thóc chỉ phơi một nắng rồi bán cho Công ty 4 tấn với giá 8,5 triệu đồng/tấn, sau khi trừ chi phí thu lợi nhuận 20 triệu đồng, tăng 30% so với bán ngoài thị trường”.

Còn Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Tây Phong (Tiền Hải) Phạm Văn Khoa chia sẻ: “Vụ mùa năm 2012 và vụ xuân năm 2013, HTX  liên kết với Viện Di truyền nông nghiệp cấy lúa giống DT68, kết quả đã giúp nông dân tiêu thụ 150 tấn thóc giống với giá cao hơn thị trường 25%, xã viên ai cũng phấn khởi. Vụ mùa này, Tây Phong tiếp tục liên kết với Công ty TNHH Hưng Cúc cấy 10 ha giống lúa DT68. Công ty cam kết sẽ tăng sản lượng thu mua gấp nhiều lần nên sang năm chúng tôi bảo đảm quy vùng, cung ứng lượng thóc ổn định trên diện tích từ 150 đến 200 ha”.

Dù đã đạt được những thành công bước đầu, tuy nhiên mô hình liên kết tiêu thụ lúa gạo ở tỉnh ta vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế: Lượng thóc tiêu thụ còn khiêm tốn, số lượng HTX quy vùng sản xuất cung cấp thóc ổn định cho doanh nghiệp từ 100 đến 150 ha không nhiều, chủ yếu là các HTX sản xuất trên diện tích từ 30 đến 50 ha. Ông Phạm Hùng Khiên, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp xã Thái Thành (Thái Thụy) cho biết: “Toàn xã có 437 ha đất canh tác, sản lượng thóc trung bình mỗi vụ đạt từ 2.700 đến 3.000 tấn, trong đó khoảng 30% phục vụ nhu cầu lương thực của người dân. Giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, HTX đã ký hợp đồng cấy 30 ha lúa giống cho Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình nhưng tối đa mỗi vụ cũng chỉ cung ứng khoảng 200 tấn, sản lượng còn lại bán ra thị trường. Thời gian qua, giá lương thực xuống thấp, việc tiêu thụ rất khó khăn nên bà con chưa thực sự yên tâm sản xuất”. Bên cạnh đó, người nông dân hiện vẫn nặng tư tưởng sản xuất tự cung, tự cấp, chưa có thói quen tìm hiểu và đón đầu thị trường nên đành chấp nhận thực trạng sản phẩm làm ra tiêu thụ bấp bênh, may rủi. Khả năng tiếp cận nguồn vốn, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết và những kiến thức cơ bản về pháp luật trong hoạt động kinh tế của người nông dân còn hạn chế.

Vì vậy có tình trạng không ít nông dân đã ký hợp đồng rồi nhưng khi thu hoạch giá sản phẩm trên thị trường cao hơn đã tự bán lúa ra ngoài thị trường, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Ngược lại, cũng có doanh nghiệp dù đã ký hợp đồng với nông dân nhưng vì một số lý do đến mùa vụ lại không mua sản phẩm của nông dân. Các doanh nghiệp thu mua nông sản và các HTX còn gặp khó khăn khi vay vốn đầu tư phát triển sản xuất bởi thiếu các điều kiện: có dự án kinh doanh khả thi, có tài sản thế chấp.

Trước những hạn chế trên, vấn đề đặt ra là cần làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch vùng sản xuất tập trung theo hướng chuyên canh căn cứ vào nhu cầu thực tế của thị trường. Quan tâm đầu tư, lựa chọn những giống lúa có năng suất cao, chất lượng gạo ngon để gieo cấy, hoạch định được từng nhóm giống, loại gạo tiêu thụ trong tỉnh, trong nước và phục vụ xuất khẩu. Có cơ chế khuyến khích hỗ trợ đối với các doanh nghiệp thu mua nông sản của nông dân về vốn vay, mặt bằng sản xuất; ưu tiên phân bổ nguồn vốn cho các chương trình, hoạt động thực hiện mô hình “liên kết 4 nhà”. Tập trung hỗ trợ các HTX nâng cao năng lực điều hành sản xuất kinh doanh, thực hiện các khâu dịch vụ; tạo điều kiện thúc đẩy thành lập các hiệp hội, tổ hợp tác để tập hợp nhiều thành viên cùng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn KHKT, tổ chức hội nghị đầu bờ nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, cách nghĩ và cách làm, tính kỷ luật của nông dân khi tham gia mô hình sản xuất hàng hóa. Ngoài ra, cần có chế tài thống nhất xử phạt nghiêm những đơn vị, cá nhân phá vỡ các hợp đồng tiêu thụ nông sản, tăng cường kiểm soát doanh nghiệp khi mua sản phẩm của nông dân góp phần tạo sự bền chặt trong mối “liên kết 4 nhà”, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa