Chủ nhật, 28/07/2024, 17:21[GMT+7]

Đoàn viên thanh niên xã Quang Trung Xung kích phát triển kinh tế

Thứ 2, 19/08/2013 | 09:56:56
1,226 lượt xem
Theo giới thiệu của anh Nguyễn Văn Ðạt, Bí thư Huyện đoàn Kiến Xương, chúng tôi về thăm các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi của ÐVTN xã Quang Trung. Ðược nhiều người biết đến không chỉ là Bí thư Ðoàn năng nổ, nhiệt tình mà còn là tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi, anh Nguyễn Duy Khánh hàng năm đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình từ việc phát triển mô hình gia trại.

Mô hình VAC phát triển kinh tế của đoàn viên Bùi Thông Sáng, thôn Cao Mại Đoài

 Năm 2005, hết nghĩa vụ quân sự anh trở về địa phương đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư Ðoàn xã, tham gia lớp cử nhân xây dựng Ðảng tại Trường Chính trị tỉnh Thái Bình, lúc này kinh tế gia đình rất khó khăn, sức khỏe bố mẹ đã yếu, em trai đang theo học tại trường đại học, là anh cả trong gia đình, anh luôn nung nấu ý nghĩ phải làm gì đó để phát triển kinh tế gia đình.

Năm 2008, tận dụng lợi thế diện tích đất thổ của gia đình rộng, chàng thanh niên trẻ đã mạnh dạn xây dựng mô hình trại chăn nuôi lợn nái ngoại hướng nạc. Anh đã huy động nguồn vốn từ gia đình, vay mượn của anh em, bạn bè đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống và thức ăn chăn nuôi. Với tổng diện tích gia trại 540 m2, gia đình anh thường xuyên nuôi khoảng 100 con lợn thịt, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng chục tấn thịt lợn thương phẩm. Ngoài ra còn nuôi trên 100 con gà, vịt lấy trứng. Trên diện tích vườn, tận dụng nguồn chất thải chăn nuôi làm phân bón, anh cải tạo luân canh 4 vụ trồng ngô, lạc, đỗ, các loại rau màu. Thu nhập hàng năm từ mô hình gia trại đạt trên 100 triệu đồng. 

Cũng giống như anh Khánh, anh Bùi Thông Sáng (sinh năm 1980), thôn Cao Mại Ðoài, là một trong những ÐVTN năng động đi đầu trong việc phát triển kinh tế gia đình từ mô hình VAC với tổng diện tích gia trại trên 5.000 m2. Anh đã đầu tư chuyển đổi hơn 2 mẫu đất của gia trại đào ao nuôi thả các giống cá nước ngọt truyền thống như: trôi, chép, mè… Ðồng thời, anh đầu tư xây dựng chuồng trại thường xuyên nuôi trên 1.000 con gà, vịt, ngan. Tận dụng diện tích làn bờ quanh ao rộng, anh đã trồng các loại cây cho hiệu quả kinh tế cao như: hòe, chuối, các loại cây ăn quả lâu năm. Mỗi năm, gia trại của anh cung cấp ra thị trường trên 1.000 con gà thịt, 2.000 con ngan, vịt và 3 – 4 tấn cá. Thu nhập một năm trên 100 triệu đồng.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế gia đình bằng các mô hình chăn nuôi và trồng trọt, nhiều ÐVTN còn áp dụng mô hình sản xuất khác như thành lập công ty may mặc, cửa hàng buôn bán nội thất…  Dù mỗi người có hướng đi, cách làm khác nhau nhưng họ đều chung một ý chí, khát vọng vươn lên làm giàu. Ðiển hình là anh Nguyễn Văn Thiên (sinh năm 1976), thôn Thượng Phúc, chủ Công ty TNHH Thiên Hà. Chia sẻ với chúng tôi, anh cho biết: Qua nghiên cứu thị trường và những lần sang xã bạn giao lưu học hỏi, thấy nhiều công ty may mặc được thành lập và phát triển, năm 2009 anh quyết định gom tất cả số vốn tự có của bản thân, gia đình, thế chấp tài sản vay thêm từ ngân hàng, đầu tư mở xưởng may.

Ðể công ty đi vào hoạt động, anh Thiên gặp không ít khó khăn, từ tìm kiếm nguồn hàng, tổ chức sản xuất, nhân công chưa ổn định đến tìm thị trường tiêu thụ… Không sản xuất sản phẩm may mặc tiêu thụ thị trường trong nước, công ty may của anh chuyên sản xuất mặt hàng áo rét xuất khẩu ra nước ngoài. Sau 4 năm khởi nghiệp, nhờ tinh thần ham học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, nhạy bén trong kinh doanh, anh đã phát triển công ty ngày càng vững mạnh, xây dựng được 3 cơ sở khang trang phục vụ cho việc sản xuất. Hiện nay, Công ty may Thiên Hà xuất khẩu ra thị trường nước ngoài khoảng 4.000 sản phẩm/tháng, tạo việc làm cho trên 70 công nhân với mức lương từ 2,5 triệu  đến 3 triệu đồng/người/tháng, doanh thu mỗi năm đạt từ 1,6 đến 2 tỷ đồng.

Trẻ hơn anh Thiên 9 tuổi, đến nay anh Lê Văn Tuấn, thôn Trà Ðông cũng đã gây dựng cho mình một cơ sở sản xuất đồ gỗ gia dụng khá bề thế. Sinh ra tại ngôi làng có truyền thống sản xuất đồ gỗ, năm 2009 anh Tuấn quyết định nối nghiệp cha, tập trung sản xuất và kinh doanh mặt hàng nội thất. Hai vợ chồng anh Tuấn còn hình thành ý tưởng sản xuất thang ráp giường để cung cấp cho các cơ sở khác trong huyện. Các sản phẩm đồ gỗ gia dụng sau khi hoàn thiện từ cơ sở sản xuất của gia đình được tiêu thụ theo hình thức bán buôn và bán lẻ cho người tiêu dùng. Hàng tháng, cơ sở xuất ra thị trường từ 800 – 1.000 bộ thang ráp giường, trên 200 giường, tủ, bàn ghế các loại, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động với mức thu nhập từ 2,5 – 4 triệu đồng/người/tháng, doanh thu mỗi năm đạt trên 200 triệu đồng.

Nhận xét về phong trào phát triển kinh tế của các ÐVTN xã Quang Trung, anh Nguyễn Duy Khánh, Bí thư Ðoàn xã cho biết: Hầu hết ÐVTN đều có đức tính cần cù, năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, nhạy bén với thời cuộc. Ðến nay, toàn xã có 20 gia trại, 10 cơ sở sản xuất, 1 doanh nghiệp tư nhân do ÐVTN làm chủ. 99% đoàn viên có mức sống trung bình trở lên, trong đó trên 30% có mức sống giàu, khá. Không chỉ chú trọng làm giàu, các ÐVTN  còn tích cực tham gia nhiều phong trào hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể tổ chức như: văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao, gây quỹ nhân đạo từ thiện...

Bài, ảnh: Thanh Huyền

  • Từ khóa