Thứ 7, 23/11/2024, 16:33[GMT+7]

Tạo đột phá từ phát triển kinh tế hướng biển

Thứ 3, 30/04/2024 | 16:57:26
27,082 lượt xem
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX cũng như Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thái Bình đặt ra mục tiêu đến năm 2030 trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng; đến năm 2050 là tỉnh phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, xã hội tiến bộ và môi trường sinh thái được bảo đảm. Hiện thực hóa mục tiêu đó, Thái Bình chú trọng thực hiện ba đột phá phát triển và một trong ba đột phá đó chính là phát triển kinh tế hướng biển nhằm mở ra không gian phát triển mới đưa Thái Bình ngày càng phát triển.

Ngư dân huyện Thái Thụy khai thác hải sản. Ảnh: Trần Tuấn

Phát triển bền vững kinh tế biển

Để phát triển bền vững kinh tế biển, thời gian qua, Thái Bình tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với việc chú trọng phát triển kinh tế biển và ven biển, Thái Bình còn triển khai đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển với tổng nguồn vốn đã phân bổ giai đoạn 2019 - 2023 đạt hơn 2.700 tỷ đồng; trong đó có một số dự án trọng điểm phát triển hạ tầng giao thông khu vực ven biển như: dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình; dự án cải tạo nâng cấp đường tránh trú bão, cứu hộ, cứu nạn phát triển kinh tế biển và bảo đảm an ninh, quốc phòng ven biển phía Nam tỉnh Thái Bình (đường 221A); dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường trục kết nối với các khu chức năng trong Khu kinh tế Thái Bình...

Là một trong hai huyện ven biển của tỉnh Thái Bình, huyện Thái Thụy luôn chú trọng phát triển bền vững kinh tế biển. Giai đoạn 2021 - 2023, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân của huyện Thái Thụy đạt 10,42%/năm. 

Ông Nguyễn Văn Hóa, Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy cho biết: Để góp phần đưa kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, thời gian qua, huyện Thái Thụy quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực ven biển, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng thực hiện tốt công tác quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực ven biển theo quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình; chủ động tháo gỡ khó khăn, thực hiện quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm như: tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình, khu công nghiệp Liên Hà Thái, các tuyến đường kết nối trong Khu kinh tế Thái Bình, đường cao tốc CT.08...

Không chỉ tập trung triển khai đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển, để xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh, công tác đầu tư xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp và công tác triển khai quy hoạch xây dựng Khu kinh tế Thái Bình được Thái Bình chỉ đạo triển khai tích cực. Đến nay, Khu kinh tế Thái Bình đã thu hút được 3 dự án hạ tầng khu công nghiệp gồm: khu công nghiệp Liên Hà Thái, khu công nghiệp Hải Long và khu công nghiệp VSIP Thái Bình. 

Bà Đặng Thị Hiệp, Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Green i-Park (nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Liên Hà Thái) cho biết: Trong quá trình thực hiện đầu tư dự án, Công ty luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng như các sở, ngành, địa phương đặc biệt là Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh, huyện Thái Thụy từ công tác giải phóng mặt bằng, triển khai hạ tầng đến công tác xúc tiến, thu hút đầu tư. Chính vì thế, chỉ sau hơn 2 năm triển khai xây dựng, đến nay khu công nghiệp Liên Hà Thái đã thu hút 17 dự án đầu tư, với tổng số vốn gần 1,3 tỷ USD. Công tác hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển cũng được tỉnh Thái Bình chú trọng thực hiện như: ban hành quy định về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trong Khu kinh tế Thái Bình; ban hành thông báo về định hướng ngành nghề thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; ban hành danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư giai đoạn 2021 - 2025; tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Tăng cường thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh”...

Mở ra không gian phát triển mới thông qua hoạt động “lấn biển”

Với khát vọng đưa Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, Thái Bình quyết tâm mở ra không gian phát triển mới thông qua hoạt động “lấn biển”. Quyết tâm đó được thể hiện rõ nét ngay trong Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1735/QĐ-TTg. Theo đó, Thái Bình tập trung phát triển kinh tế hướng biển tạo sự phát triển đột phá trên một số lĩnh vực: cảng biển, năng lượng, dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng, sinh thái biển... Mở rộng không gian lấn biển theo quy định để tạo quỹ đất cho các hoạt động chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; hình thành không gian công nghiệp - đô thị - dịch vụ đồng bộ, cảnh quan sinh thái ven biển xanh, sạch, đẹp. Trong diện tích không gian biển của tỉnh khoảng 487km2 được chia thành các vùng chức năng rất cụ thể, gồm: vùng an ninh, quốc phòng; vùng cảng biển, giao thông biển và logistics; vùng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản; vùng bảo tồn thiên nhiên, lâm nghiệp và nghiên cứu khoa học biển; vùng khai thác tài nguyên biển; vùng khai thác năng lượng tái tạo; vùng phát triển du lịch và dịch vụ biển; vùng lấn biển phục vụ phát triển công nghiệp và phát triển không gian đô thị. Cùng với đó, Quy hoạch tỉnh cũng xây dựng phương án sử dụng không gian biển gồm: Xây dựng, nâng cấp các khu vực phòng thủ ven biển theo quy định của Bộ Quốc phòng; khu bến cảng gồm: Khu bến cảng Diêm Điền (cửa Diêm Điền), khu bến cảng Trà Lý (cửa Trà Lý), khu bến cảng Ba Lạt (cửa Ba Lạt) và nghiên cứu khu bến cảng ngoài cửa sông, phía biển; vùng sản xuất giống thủy sản, vùng nuôi trồng thủy sản thâm canh, công nghệ cao (các huyện Tiền Hải, Thái Thụy); khu vực cấm khai thác có thời hạn (huyện Tiền Hải), khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản (huyện Thái Thụy), khu vực cư trú nhân tạo cho loài thủy sản, khu vực nuôi trồng thủy sản xa bờ (huyện Tiền Hải); khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy và Tiền Hải để phát triển rừng, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và giảm thiểu tác động của gió, bão, thủy triều dâng; khu phát triển điện gió ven biển huyện Thái Thụy và huyện Tiền Hải; các khu du lịch biển Thái Bình: khu du lịch sinh thái vùng rừng ngập mặn Thụy Trường, khu du lịch lễ hội đền, phủ thờ bà Chúa Muối gắn với vùng sản xuất muối; khu đô thị sinh thái biển phía Nam tỉnh Thái Bình được triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Đồng thời, xây dựng không gian kinh tế - xã hội ven biển (gồm hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy) không chỉ kết nối với các tỉnh ven biển vùng đồng bằng sông Hồng phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội mà còn gắn kết chặt chẽ với đô thị trung tâm là thành phố Thái Bình tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ mới, tiên tiến, hiện đại, bắt kịp xu thế phát triển mới, tạo năng lực cạnh tranh cho tỉnh.

Minh Hương