Nhiều khó khăn trong đánh giá, phân hạng, công nhận lại sản phẩm OCOP
Nhiều khó khăn
Cây phát lộc Minh Tân là một trong những “đứa con đầu lòng” của chương trình OCOP được đánh giá, xếp hạng 4 sao theo Quyết định số 801/QĐ-UBND, ngày 24/3/2021 của UBND tỉnh. Với diện tích ban đầu khoảng 20ha, đến nay diện tích trồng cây phát lộc tại xã Minh Tân (Đông Hưng) giảm còn khoảng 15ha với gần 40 hộ.
Ông Nguyễn Ngọc Phương, Giám đốc HTX DVNN xã Minh Tân cho biết: Do hiệu quả kinh tế từ cây phát lộc thấp hơn một số cây trồng khác nên diện tích trồng dần thu hẹp lại. Là chủ thể OCOP với tư cách pháp lý, HTX không trực tiếp sản xuất hay liên kết, tiêu thụ sản phẩm nên khi tiến hành đánh giá, phân hạng, công nhận lại OCOP, chúng tôi gặp nhiều khó khăn về kinh phí, không thể phân bổ kinh phí cho gần 40 hộ trực tiếp sản xuất.
Cùng là chủ thể có sản phẩm OCOP thuộc diện phải đánh giá, công nhận lại, ông Trần Văn Đức, chủ thể của sản phẩm OCOP bánh cáy Thiên Đức cho biết: Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP mới có điều chỉnh, bổ sung một số nội dung theo hướng yêu cầu cao hơn. Đặc biệt, sản phẩm OCOP 4 sao có thêm một số tiêu chí cứng về môi trường, sở hữu trí tuệ, chứng nhận chất lượng... Đây là những tiêu chí khó, cần thời gian thực hiện. Ngoài ra, kinh phí để hoàn thiện hồ sơ đánh giá, công nhận lại khá tốn kém, từ 30 - 40 triệu đồng/sản phẩm. Hiện cơ sở chúng tôi đang sở hữu 5 sản phẩm OCOP 4 sao. Theo quy định, sau 3 năm phải đánh giá, công nhận lại với thủ tục, hồ sơ như công nhận lần đầu sẽ rất tốn kém thời gian, chi phí cho các chủ thể.
Sau hơn 4 năm thực hiện chương trình OCOP, Thái Bình đã xây dựng được nhiều sản phẩm có chất lượng, được thị trường và người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá cao. Năm 2021, UBND tỉnh có quyết định công nhận sản phẩm OCOP cho 17 sản phẩm đầu tiên ở đa dạng các nhóm: thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, dược phẩm, đồ thủ công mỹ nghệ... Đến nay, 17 sản phẩm đã trải qua hành trình 36 tháng “gắn sao” OCOP nhưng việc đánh giá, phân hạng, công nhận lại còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Hầu hết các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đều có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, tiềm lực kinh tế không mạnh nên việc đầu tư, hoàn thiện quy trình đánh giá gặp khó khăn. Song, quy trình, thủ tục, hồ sơ để tham gia đánh giá, xếp hạng lại sản phẩm tương đối nhiều, việc đánh giá, công nhận lại sản phẩm OCOP gặp khó do tiêu chuẩn đánh giá giai đoạn mới khắt khe hơn giai đoạn trước, kinh phí đánh giá và hoàn thiện sản phẩm lớn khiến nhiều chủ thể của sản phẩm không mặn mà. Trong khi đó, đối với hoạt động đánh giá, công nhận lại sản phẩm chưa có bất cứ cơ chế, chính sách hỗ trợ nào. Do đó, các chủ thể mong muốn các sở, ngành, địa phương quan tâm hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục đối với việc đánh giá, xếp hạng lại sản phẩm OCOP khi đến hạn 36 tháng nhằm trợ lực, khuyến khích các chủ thể đăng ký lại góp phần duy trì, khẳng định giá trị bền vững của sản phẩm OCOP.
Sản phẩm OCOP 3 sao khoai lang kén Minh Thành, xã Hòa Bình (Hưng Hà).
Cần sự chủ động của chủ thể
Chứng nhận OCOP không chỉ mang ý nghĩa là chứng nhận thương hiệu mà còn là sự đánh giá và công nhận của các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm và chủ thể sản xuất ra sản phẩm đó từ các đặc sản, lợi thế ở các vùng nông thôn. Được “gắn sao” OCOP, các sản phẩm được đông đảo người tiêu dùng biết tới, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế cho chủ thể.
Ông Ngô Văn Duẩn, Giám đốc HTX Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên, xã Đông Xuyên (Tiền Hải) cho biết: Yêu cầu đánh giá sản phẩm OCOP cũng như đánh giá, công nhận lại theo bộ tiêu chí mới khó hơn, nhưng càng khó khăn càng đưa giá trị của sản phẩm OCOP lên tầm cao hơn và đúng thực chất của yêu cầu, nhiệm vụ, giá trị của OCOP. Chứng nhận sao OCOP không chỉ là danh hiệu công nhận cho chất lượng sản phẩm mà còn là tấm vé thông hành để các sản phẩm của chúng tôi có mặt tại nhiều hệ thống tiêu dùng thông minh, cửa hàng thực phẩm sạch. Nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của chứng nhận sao OCOP đối với các sản phẩm nên khi chuẩn bị đến hạn 36 tháng, HTX đã chủ động liên hệ với huyện, đơn vị quản lý chương trình OCOP của tỉnh để đăng ký, đánh giá, công nhận lại cho 2 sản phẩm được công nhận 4 sao cấp tỉnh: vịt biển Đông Xuyên và trứng vịt biển Đông Xuyên. Chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ, song do bộ tiêu chí và quy trình đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP mới ban hành nên còn những lúng túng nhất định.
Được biết, sau hơn 3 năm được công nhận, sản phẩm vịt, trứng vịt biển của HTX Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên khẳng định được vị trí, chất lượng trên thị trường. Trung bình mỗi ngày, HTX hỗ trợ thu mua, tiêu thụ cho thành viên 4.000 quả trứng với giá bán cao, ổn định.
Ông Lê Đình Trung, Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết: Việc đánh giá, công nhận lại là điều kiện bắt buộc đối với các sản phẩm OCOP khi đến hạn 36 tháng kể từ ngày được công nhận. Tuy nhiên đến nay, Văn phòng chưa nhận được hồ sơ, văn bản đề nghị của chủ thể, địa phương nào. Do đó, các chủ thể sản xuất cần chủ động, tích cực lập hồ sơ đăng ký đánh giá, công nhận lại sản phẩm theo thời gian quy định.
Trong trường hợp chủ thể không tham gia đánh giá, công nhận lại cho sản phẩm, các cơ quan chuyên môn sẽ lập hồ sơ, hủy bỏ danh hiệu OCOP và xử lý nếu có hành vi lợi dụng danh hiệu OCOP để tiêu thụ sản phẩm trên thị trường. Hết năm 2023, toàn tỉnh có 183 sản phẩm OCOP xếp hạng 3, 4 sao. Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm mới, các địa phương cần quan tâm tuyên truyền, vận động, hướng dẫn chủ thể OCOP hiểu rõ hơn về nội dung, mục đích, ý nghĩa và có trách nhiệm đối với việc duy trì, phát triển sản phẩm OCOP, đồng thời có chính sách hỗ trợ khuyến khích chủ thể trong hoạt động đánh giá, công nhận lại sản phẩm OCOP khi đến hạn.
Chủ thể sản phẩm bánh cáy Thiên Đức đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị đánh giá, công nhận lại sản phẩm OCOP 4 sao.
Ngân Huyền
Tin cùng chuyên mục
- Chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng tổ chức hội chợ nông nghiệp quốc tế đồng bằng Bắc bộ năm 2024 12.11.2024 | 17:31 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc thăm Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng 02.12.2023 | 19:09 PM
- UBND tỉnh: Nghe báo cáo triển khai dự án đường dây 500kV qua địa phận tỉnh Thái Bình 16.11.2023 | 17:24 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Hơn 260 doanh nghiệp huyện Hưng Hà tham gia khảo sát Bộ chỉ số DDCI 15.08.2023 | 16:03 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh