Chủ nhật, 28/07/2024, 17:25[GMT+7]

Sở Công Thương Đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề

Thứ 5, 22/08/2013 | 19:46:45
1,679 lượt xem
Sáng ngày 22/8, Sở Công Thương tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Thái Bình hiện có 241 làng nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên thời gian qua, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, chi phí đầu vào tăng dẫn đến các sản phẩm làng nghề tiêu thụ chậm, hàng tồn kho nhiều... thậm chí một số cơ sở sản xuất phải tạm ngừng hoạt động.

Tại hội nghị, đã có gần 40 ý kiến, đề xuất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề đề nghị tỉnh, các ngành chức năng quan tâm tháo gỡ như: tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay, hỗ trợ lãi suất vay, giữ nguyên giá thuê đất, miễn giảm tiền thuê đất, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở về mặt bằng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đào tạo nghề cho lao động, máy phục vụ sản xuất, nâng cấp các tuyến đường giao thông, xây dựng hệ thống thu gom nước thải, xử lý ô nhiễm môi trường, bảo đảm nguồn cấp điện ổn định…

Đại diện lãnh đạo các ngành: Công Thương, Thuế, Tài nguyên và Môi trường, Hải quan, Ngân hàng, Điện lực… đã tiếp thu, trực tiếp giải đáp những kiến nghị và cam kết sẽ thực hiện đúng các chức năng, nhiệm vụ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao vai trò của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp làng nghề trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Chia sẻ khó khăn với các đơn vị, đồng chí yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành ngoài trả lời trực tiếp tại hội nghị phải trả lời cụ thể  từng vấn đề bằng văn bản tới các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Đối với những vấn đề  phức tạp vượt thẩm quyền thì tập hợp báo cáo UBND tỉnh tìm biện pháp tháo gỡ. Đối với Sở Công Thương, định kỳ cần rà soát, nắm bắt tình hình doanh nghiệp, kiểm tra các nội dung kiến nghị đã được giải quyết triệt để chưa, không để tồn đọng, kéo dài. Tăng cường mở rộng liên kết, xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm trong làng nghề.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo cơ chế thông thoáng thu hút, lựa chọn thêm nhiều doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào địa bàn tạo việc làm cho người lao động. Rà soát lại các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xây dựng tiêu chí, lựa chọn những doanh nghiệp, nghề thu hút nhiều lao động để hỗ trợ đào tạo. Nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ một phần kinh phí mua máy móc, thiết bị cho các doanh nghiệp, cơ sở trong làng nghề nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển.

Tin, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa