Thứ 6, 22/11/2024, 12:30[GMT+7]

4 tháng đầu năm 2024, cả nước đã xảy ra 89 vụ cháy rừng

Chủ nhật, 05/05/2024 | 18:45:24
23,123 lượt xem
Chiều ngày 5/5, tại tỉnh Kon Tum, đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến với 60 tỉnh, thành phố có rừng về công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024. Dự hội nghị có đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tại điểm cầu Thái Bình, đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương dự hội nghị.

Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Năm 2023, 60/60 tỉnh, thành phố có rừng đã công bố hiện trạng rừng với tổng diện tích rừng cả nước là 14.860.309ha. Diện tích rừng đủ tiêu chí tính tỷ lệ che phủ 13.927.122ha, trong đó rừng đặc dụng 2.198.773ha, rừng phòng hộ 4.618.453ha, rừng sản xuất 7.109.896ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,02%. Trong năm, các cơ quan chức năng đã phát hiện 3.327 vụ vi phạm ảnh hưởng đến rừng trên phạm vi cả nước, giảm 597 vụ so với cùng kỳ năm 2022, diện tích rừng bị tác động 1.047,8ha. 4 tháng đầu năm 2024, các cơ quan chức năng đã phát hiện 650 vụ phá rừng, diện tích bị tác động 182,2ha.

Năm 2023, cả nước đã xảy ra 310 vụ cháy rừng, diện tích rừng bị ảnh hưởng 674,5ha, trong đó 187ha khó có khả năng tự phục hồi. 4 tháng đầu năm 2024, cả nước đã xảy ra 89 vụ cháy rừng với diện tích rừng bị ảnh hưởng ước tính sơ bộ khoảng 498ha, tăng 25% so với cùng kỳ 2023, trong đó, 3 người làm nhiệm vụ chữa cháy rừng bị tử vong. Nguyên nhân chính do ảnh hưởng của hiện tượng EL NINO, nền nhiệt và số ngày nắng nóng cao hơn trung bình nhiều năm. 

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Tại hội nghị, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận những khó khăn, tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; tác động của thời tiết ảnh hưởng tới công tác PCCCR… đồng thời đề xuất, kiến nghị một số giải pháp để triển khai hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR trong thời gian tới.

Kết luận hội nghị, đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách lâm nghiệp trên cơ sở Luật Lâm nghiệp để nâng cao năng lực về quản lý bảo vệ rừng và PCCCR đáp ứng yêu cầu phát triển lâm nghiệp bền vững; nghiên cứu xây dựng chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp với đội ngũ kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng. Xây dựng cơ chế, chính sách để tạo điều kiện và khuyến khích sự tham gia của cá nhân, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội trong và ngoài nước tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR. Củng cố, duy trì và nâng cao năng lực hoạt động của ban chỉ đạo, chỉ huy về bảo vệ rừng và PCCCR các cấp; tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR; tiếp tục thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, 4 sẵn sàng. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, bảo vệ và PCCCR. Tăng cường huy động vốn xã hội hoá từ nguồn đóng góp hợp pháp và vận động tài trợ của các tổ chức, tập đoàn kinh tế… để mua sắm trang thiết bị PCCCR. 

Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi phá rừng; thường xuyên dự báo, cảnh báo về nguy cơ cháy rừng. Các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn hành vi phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật; rà soát, điều chỉnh phương án PCCCR phù hợp với tình hình thực tiễn.

Ngân Huyền