Chủ nhật, 22/12/2024, 09:33[GMT+7]

Dấu ấn phát triển 73 năm ngành ngân hàng Thái Bình

Thứ 2, 06/05/2024 | 08:52:30
20,707 lượt xem
Cách đây 73 năm, ngày 6/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, đặt nền móng cho sự hình thành, xây dựng, phát triển hệ thống Ngân hàng Việt Nam ngày nay. Đến tháng 9/1951, Tỉnh ủy Thái Bình quyết định thành lập Đại lý Ngân hàng Quốc gia tỉnh Thái Bình, trên cơ sở tiếp nhận hai tổ chức “Ty tín dụng sản xuất” và “Ngân khố quốc gia”, sau đổi thành Chi nhánh Ngân hàng Quốc gia tỉnh Thái Bình, rồi Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh Thái Bình, nay là NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình. Chặng đường 73 năm xây dựng, đổi mới và phát triển, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thử thách nhưng ngành ngân hàng Thái Bình luôn giữ vững vai trò huyết mạch của nền kinh tế, để lại nhiều dấu ấn quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của đất nước.

Hoạt động giao dịch ở Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Thái Bình.

Truyền thống vẻ vang

Những ngày đầu mới thành lập, hệ thống ngân hàng cả nước nói chung, tỉnh Thái Bình nói riêng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, bởi một nền kinh tế tiểu nông lạc hậu, tự cung, tự cấp, thị trường nhỏ bé, phân tán và bị chia cắt, chi phối bởi chiến tranh; ngân sách bội chi lớn, lạm phát gia tăng, nền kinh tế mất cân đối lớn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, ngành ngân hàng đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, ngày càng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của mình, góp phần tích cực vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, ngày 26/3/1988, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 53/HĐBT chính thức chuyển đổi cơ bản mô hình hoạt động của hệ thống Ngân hàng Việt Nam. Cùng với cả nước, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thái Bình thực hiện chuyển đổi từ mô hình hoạt động một cấp thành hai cấp, tách bạch dần chức năng quản lý nhà nước của NHNN Chi nhánh tỉnh với chức năng kinh doanh tiền tệ của các tổ chức tín dụng (TCTD). Sau chuyển đổi, hệ thống ngân hàng trên địa bàn từng bước đổi mới và phát triển, hoàn thiện mô hình tổ chức, thể chế pháp lý, công nghệ và dịch vụ ngân hàng. NHNN Chi nhánh tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, với nhiệm vụ chủ yếu: tổ chức triển khai cơ chế, chính sách; trung gian thanh toán, tiền tệ kho quỹ; thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động của các TCTD, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Các TCTD thực hiện chức năng kinh doanh tiền tệ, tự chủ về tài chính, phát triển quy mô, mạng lưới hoạt động, loại hình sở hữu; tập trung huy động vốn, đầu tư cho vay các thành phần kinh tế, phát triển công nghệ, dịch vụ ngân hàng góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của ngành ngân hàng.

Công ty TNHH Mỹ nghệ Phương Đông (Đông Hưng) phát triển sản xuất từ nguồn vốn của Quỹ Tín dụng nhân dân Đông Phương.

Giữ vững vai trò huyết mạch của nền kinh tế

73 năm xây dựng, đổi mới và phát triển, ngành ngân hàng Thái Bình không ngừng lớn mạnh cả về lượng và chất, giữ vững vai trò huyết mạch của nền kinh tế, đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển của ngành, sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đến nay, mạng lưới hoạt động của ngành ngân hàng Thái Bình gồm: NHNN Chi nhánh tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và 28 chi nhánh ngân hàng, 85 quỹ tín dụng nhân dân, 1 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô. Các TCTD đã thành lập 8 chi nhánh cấp huyện và thành phố, 95 phòng giao dịch, 44 quỹ tín dụng nhân dân mở rộng địa bàn sang 60 xã và 260 điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại các xã, phường, thị trấn. Với mạng lưới ngân hàng phủ khắp từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn đã tạo thêm nhiều kênh dẫn vốn đầu tư cho nền kinh tế và cung cấp các dịch vụ ngân hàng phong phú, đa dạng, đáp ứng kịp thời nhu cầu giao dịch của các thành phần kinh tế.

Không chỉ mở rộng địa bàn hoạt động, nguồn vốn huy động của hệ thống ngành ngân hàng Thái Bình cũng không ngừng tăng trưởng. Đến ngày 30/4/2024, tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn đạt 126.450 tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó tiền gửi tổ chức kinh tế chiếm 6,5% và tiền gửi dân cư chiếm 93,5% tổng nguồn vốn huy động. Nhờ chủ động được nguồn vốn huy động, ngành ngân hàng Thái Bình đã tích cực đầu tư vốn tín dụng, giúp các doanh nghiệp, cá nhân, hộ sản xuất duy trì, ổn định sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước. Tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn tỉnh đạt gần 94.600 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó cho vay lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 17,6%, cho vay lĩnh vực công nghiệp, xây dựng chiếm 30% và cho vay lĩnh vực thương mại, dịch vụ chiếm 52,4% tổng dư nợ cho vay. Để đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn, NHNN Chi nhánh tỉnh chủ động chỉ đạo các TCTD trên địa bàn triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN của NHNN cho 225 khách hàng (trong đó có 27 doanh nghiệp và 198 cá nhân) với tổng giá trị nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ khoảng 445 tỷ đồng, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ khoảng 253 tỷ đồng; cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ cho vay các chương trình đạt gần 505 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các TCTD còn thực hiện giảm lãi suất cho vay theo quy định của NHNN Việt Nam; đến nay mức lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường phổ biến ở mức 6,5 - 8,5%/năm đối với ngắn hạn, 8,5 - 10%/năm đối với trung và dài hạn; riêng lãi suất cho vay mới ngắn hạn 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) ở mức 4%/năm (đối với các ngân hàng) và 5%/năm (đối với các quỹ tín dụng nhân dân).

Không ngừng đổi mới, phát triển

Dấu ấn phát triển 73 năm ngành ngân hàng Thái Bình còn thể hiện ở sự đột phá trong ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ số vào các dịch vụ của ngân hàng. Trên cơ sở chỉ đạo của NHNN Chi nhánh tỉnh, các TCTD đã tích cực đầu tư đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai hàng loạt các sản phẩm dịch vụ, tiện ích hiện đại, thân thiện, mang lại trải nghiệm và lợi ích thiết thực cho khách hàng như: QRcode, internet banking, mobile banking, thanh toán không tiếp xúc, ví điện tử... tạo nên cuộc cách mạng trong thanh toán, giao dịch. Thói quen chi tiêu, tiết kiệm của người dân và xã hội đã được thay đổi theo hướng tích cực; người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng, giao dịch, thanh toán mọi lúc, mọi nơi, giúp cho dòng vốn ngân hàng vận hành linh hoạt, khơi thông và “chảy” vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Phương thức thanh toán số lan tỏa nhanh chóng và quen thuộc được người dân đón nhận, nhất là thanh toán cho dịch vụ hành chính công và các dịch vụ thiết yếu khác như tiền học phí, viện phí, chi trả lương hưu, bảo hiểm xã hội... Đến ngày 30/4/2024, các TCTD trên địa bàn lắp đặt 208 máy ATM, 1.265 thiết bị chấp nhận thẻ POS, mở gần 1,8 triệu tài khoản, phát hành hàng nghìn mã QRcode, trên 2,2 triệu thẻ thanh toán các loại; thực hiện trả lương qua tài khoản cho 2.100 cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp với gần 180.000 lao động nhận lương qua tài khoản. Doanh số thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng nhanh, trở thành phương thức thanh toán chủ yếu trong nền kinh tế.

Tự hào, kế thừa và phát huy truyền thống 73 năm thành lập, xây dựng, đổi mới, phát triển và hội nhập của Ngân hàng Thái Bình, trong thời gian tới, tập thể lãnh đạo, công chức, nhân viên ngành ngân hàng Thái Bình tiếp tục đồng tâm hiệp lực, đổi mới và sáng tạo, quyết tâm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được Thống đốc NHNN Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao, góp phần tích cực cùng các cấp, các ngành thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, phấn đấu đến năm 2030 đưa Thái Bình trở thành tỉnh phát triển khá và đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh