Chống “thẻ đỏ”, giành lại “thẻ xanh” Kỳ 1: Chống khai thác IUU - Nhiều việc cần làm ngay
Năm 2017 là năm rất khó khăn với ngành thủy sản Việt Nam khi Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra cảnh báo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Hơn 6 năm qua, từ các bộ, ngành trung ương đến địa phương, trong đó có tỉnh Thái Bình đã có nhiều nỗ lực để khắc phục. Song nỗi lo đổi màu sang cảnh báo đỏ vẫn thường trực khi các khuyến nghị vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Chương trình chống khai thác IUU được EC ban hành năm 2008 và có hiệu lực từ năm 2010 nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ mọi hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp. Thông thường, các quốc gia đánh bắt cá trái quy định IUU sẽ bị phạt “thẻ vàng” cảnh cáo trong vòng 6 tháng. Trong trường hợp các quốc gia này không có biện pháp khắc phục phù hợp thì có nguy cơ nhận “thẻ đỏ”, đồng nghĩa với việc bị cấm dài hạn việc xuất khẩu thủy sản vào thị trường châu Âu. Ngày 23/10/2017, EC đã quyết định “rút thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam với lý do vi phạm các nguyên tắc trong chương trình chống khai thác IUU. Tuy nhiên, đã 4 lần đoàn công tác của EC sang làm việc để kiểm tra về tình hình triển khai chống khai thác IUU, cảnh báo “thẻ vàng” đối với Việt Nam vẫn chưa được gỡ bỏ bởi vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.
Có mặt tại cảng cá Tân Sơn (Thái Thụy) khi các tàu đánh bắt hải sản đang chờ cập bến sau chuyến ra khơi. Qua câu chuyện với ngư dân tại đây, chúng tôi được biết hàng nghìn lao động địa phương theo nghề biển một cách tự phát, “cha truyền con nối” nên luôn tiềm ẩn nguy cơ thiên tai, sản lượng khai thác bấp bênh, thường xuyên khai thác sai vùng quy định.
Gắn bó với biển đã hàng chục năm, ông Lê Văn Trà, xã Thái Thượng cho biết: Người dân Thái Thượng nói riêng và nhiều xã, thị trấn ven biển của huyện Thái Thụy nói chung chủ yếu sống bằng nghề biển và nhờ biển. Nhiều năm trước, tàu thuyền khai thác tự do dẫn đến sản lượng đánh bắt giảm mạnh, nhiều tàu thuyền công suất nhỏ đánh bắt ven bờ phải trở về tay không, không đủ chi phí nhân công, nguyên liệu. Đã có nhiều chủ tàu không muốn hoặc không thể vươn khơi, nhưng cũng có nhiều người bất chấp nguy hiểm, đánh liều đi xa hơn để tìm nguồn hải sản với hy vọng cải thiện sản lượng. Việc đi đến những vùng biển xa hơn luôn tiềm ẩn hiểm nguy, nhất là với tàu công suất nhỏ.
Tình trạng khai thác theo kinh nghiệm, thói quen, không theo quy định của ngư dân tại các vùng biển không chỉ dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy sản mà còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm Luật Thủy sản và quy định về chống khai thác IUU. Do nhận thức của nhiều chủ tàu, thuyền viên, tình trạng không ghi nhật ký khai thác theo quy định cũng diễn ra phổ biến. Nhật ký thành hồi ký mà theo giải thích của chủ tàu cho rằng quá trình khai thác đã được lưu trên thiết bị giám sát hành trình; hơn nữa, tàu chỉ chú trọng tới khai thác để bảo đảm thu nhập, chưa ý thức được sự cần thiết của việc ghi chép nhật ký khai thác.
Lực lượng chức năng kiểm tra hành chính chủ tàu cá tại cảng cá Cửa Lân (Tiền Hải).
Với 52km bờ biển, đây là tiềm năng, thế mạnh để Thái Bình phát triển khai thác hải sản. Thực hiện các văn bản chỉ đạo của trung ương về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác IUU, đến nay tỉnh chưa phát hiện tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài hoặc bị lực lượng chức năng của nước ngoài bắt giữ. Hoạt động kiểm soát tàu cá ra vào các cảng cá, bến cá cũng như quá trình thực thi pháp luật trong lĩnh vực thủy sản được tăng cường. Toàn tỉnh hiện có 715 tàu cá hoạt động khai thác thủy sản, 100% tàu cá được kẻ biển, đánh dấu theo quy định; 99,4% tàu cá được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định; 100% tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên được kiểm tra, cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật. Tuy nhiên, tại cuộc kiểm tra kết quả thực hiện chống khai thác IUU tại Thái Bình đầu năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khẩn trương khắc phục. Đặc biệt, tình trạng tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS) cao. Từ ngày 1/1 - 28/3/2024, toàn tỉnh có 135 lượt/57 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên mất kết nối trên 6 giờ trên biển và trên 10 ngày trên biển. Xác minh nguyên nhân mất kết nối do đường truyền của nhà cung cấp, hỏng ắc quy, Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá việc tàu cá đã lắp thiết bị VMS nhưng không duy trì hoạt động gây khó khăn trong việc kiểm soát của cơ quan quản lý, đặc biệt là việc kiểm soát tàu ra vào cảng chỉ định - một trong những quy định bắt buộc với tàu trên 15m, theo Luật Thủy sản 2017.
Thực hiện Kế hoạch số 30/ KH-UBND, ngày 6/2/2024 của UBND tỉnh về triển khai đợt cao điểm chống khai thác IUU, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU của tỉnh tổ chức đợt kiểm tra thực tế công tác triển khai thực hiện tại hai huyện và các xã, thị trấn ven biển. Nhiều hạn chế được chỉ ra như chưa thực hiện giám sát sản lượng khai thác thủy sản đúng theo quy trình; công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng cá chưa bảo đảm; tàu cá vi phạm không có tín hiệu VMS nhưng vẫn xác nhận chứng nhận cho tàu đi khai thác. Tại các xã có tàu cá, công tác quản lý tàu chưa chặt chẽ, chưa xử lý và có báo cáo kết quả xử lý với tàu cá vi phạm mất kết nối VMS trên 6 giờ và trên 10 ngày trên biển...
Dự kiến tháng 6/2024 EC sẽ sang Việt Nam thanh tra thực tế lần thứ 5 về chống khai thác IUU để xem xét gỡ cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam. Mặc dù số lượng tàu cá khai thác hải sản của tỉnh không lớn nhưng đoàn EC sẽ lựa chọn kiểm tra ngẫu nhiên trong 28 tỉnh, thành phố ven biển. Với tinh thần “Chỉ một tàu, một địa phương không tuân thủ các khuyến nghị của EC là có thể ảnh hưởng tới quá trình gỡ thẻ vàng IUU” như Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh tại buổi làm việc với tỉnh, từ nay đến tháng 6/2024 là thời điểm vàng để Thái Bình nỗ lực khắc phục những tồn tại, hạn chế, cùng cả nước chung tay gỡ “thẻ vàng” IUU.
Tàu của ngư dân vươn khơi đánh bắt hải sản.
(còn nữa)
Mạnh Thắng - Lưu Ngần
Tin cùng chuyên mục
- Chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng tổ chức hội chợ nông nghiệp quốc tế đồng bằng Bắc bộ năm 2024 12.11.2024 | 17:31 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc thăm Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng 02.12.2023 | 19:09 PM
- UBND tỉnh: Nghe báo cáo triển khai dự án đường dây 500kV qua địa phận tỉnh Thái Bình 16.11.2023 | 17:24 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Hơn 260 doanh nghiệp huyện Hưng Hà tham gia khảo sát Bộ chỉ số DDCI 15.08.2023 | 16:03 PM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam