Thứ 7, 23/11/2024, 19:07[GMT+7]

Chống “thẻ đỏ”, giành lại “thẻ xanh” (Tiếp theo và hết) Kỳ 3: Đồng hành cùng ngư dân hướng đến phát triển ngành thủy sản bền vững

Thứ 7, 11/05/2024 | 16:52:30
18,948 lượt xem
Những ngày này, Thái Bình đang tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp cùng với cả nước quyết tâm chống khai thác IUU để vượt qua được đợt thanh tra lần thứ 5 của EC. Trong đó, trọng tâm là quản lý tốt đội tàu, duy trì kết nối thiết bị VMS và quản lý tốt sản lượng hải sản qua cảng. Ngoài tổ chức tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác, đánh bắt trên ngư trường, lực lượng chức năng còn thành lập các tổ liên ngành phối hợp với địa phương “đi từng ngõ, gõ từng tàu” để tuyên truyền, giáo dục nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức trong ngư dân, quyết tâm sớm khắc phục các khuyến nghị của EC, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam.

Cảnh sát biển Việt Nam tặng quà ngư dân huyện Thái Thụy.

Tại khu vực bến neo đậu tàu thuyền Đông Tiến, xã Thái Đô (Thái Thụy), nhiều ngư dân cho biết đã có nhận thức nghiêm túc về chống khai thác IUU và đồng thuận cao với việc siết chặt quản lý của cơ quan chức năng. Gần gũi và tiếp cận hàng ngày với ngư dân chính là cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh. Các anh đã chủ động bám sát địa bàn, đến với dân để nói cho dân nghe, tuyên truyền cho dân hiểu, vận động dân thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường và chống khai thác IUU. 

Trung tá Hoàng Ngọc Khánh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Trà Lý cho biết: Chúng tôi đã tổ chức lực lượng đến từng nhà, rà từng tàu, trước hết là kiểm tra mức độ an toàn của tàu thuyền, tình trạng trang thiết bị thông tin liên lạc, ngư lưới cụ và nhân thân của ngư dân trước khi xuất và cập bến, sau đó là xử lý những chủ phương tiện và tàu cá cố tình vi phạm các quy định về chống khai thác IUU. Mục tiêu chung là giúp ngư dân hiểu được lợi ích của việc chống khai thác IUU, tổ chức khai thác hải sản hiệu quả, bền vững, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc cũng như góp phần xây dựng vùng biển xanh và hòa bình. 

Ngư dân Nguyễn Văn Chỉnh, thôn Tân Tiến, xã Thái Đô chia sẻ: Cán bộ Đồn Biên phòng Trà Lý xuống tận tàu của chúng tôi để tuyên truyền cho các thuyền viên về chống khai thác IUU. Qua đó chúng tôi đã hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc gỡ “thẻ vàng” EC. 

Ngư dân Phạm Văn Đại cùng thôn Tân Tiến là chủ tàu đánh cá TB92989, trong tháng 1/2024 khi đánh bắt hải sản ngoài khơi do yếu tố khách quan đã để tàu mất kết nối trên 6 giờ, được lực lượng chức năng nhắc nhở, xử lý theo quy định của pháp luật. Ông Đại chia sẻ: Khi được lực lượng chức năng tuyên truyền về các hành vi vi phạm chống khai thác IUU, bản thân tôi đã nhận ra và khắc phục. Nếu những năm trước việc ghi nhật ký khai thác còn khó khăn thì bây giờ đã trở thành thói quen. Khi ra khơi, chúng tôi chỉ đánh bắt ở ngư trường của Việt Nam, tuyệt đối không xâm phạm vùng biển nước ngoài bởi vi phạm không chỉ bị bắt giữ, phạt tiền mà còn ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản cả nước. 

Còn ông Bùi Xuân Cử, xã Nam Thịnh (Tiền Hải) cho biết: Để góp phần gỡ “thẻ vàng” EC, tàu của tôi luôn thực hiện đầy đủ các quy định. Trong suốt hành trình khai thác trên biển, tôi ghi lại nhật ký khai thác và mở thiết bị giám sát hành trình, đồng thời liên hệ với ban quản lý cảng cá khi xuất hoặc cập bến. Nếu việc làm của mỗi cá nhân mà ảnh hưởng đến cả cộng đồng, xã hội thì mình cần phải thay đổi. 

Ngư dân huyện Thái Thụy khai thác thủy sản trên biển.

Chống khai thác IUU hơn 6 năm qua đã trở thành vấn đề bức thiết; không chỉ riêng Thái Bình mà các tỉnh, thành phố ven biển đã nhập cuộc, tập trung triển khai quyết liệt nhiều giải pháp thực hiện các khuyến nghị, quy định của EC về chống khai thác IUU để sớm gỡ “thẻ vàng”. Các cơ quan nhà nước tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp với quy định của quốc tế, trong đó có EC như: Rà soát, bổ sung 14 quy định nhận diện và chống khai thác IUU; ban hành mới các văn bản, kế hoạch hành động của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EC. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 715 tàu cá đang hoạt động và đã được đăng ký trên hệ thống VNFishbase, gồm: 341 tàu có chiều dài từ 6 - 12m, 204 tàu ó chiều dài từ 12 - 15m, 170 tàu có chiều dài trên 15m. Số tàu cá phân theo nhóm nghề khai thác: lưới kéo 190 tàu, lưới rê 358 tàu, lưới chụp 2 tàu, hậu cần 25 tàu và lưới vây 14 tàu, 126 tàu nghề khác. Sản lượng khai thác thủy sản năm 2023 đạt 101.395 tấn, tăng 3% so với năm 2022. Trong đó, sản lượng khai thác nước mặn 97.029 tấn, sản lượng khai thác nước ngọt 4.366 tấn. Giá trị khai thác thủy sản đạt 1.543 tỷ đồng, tăng 3,2%. 

Ông Vũ Mạnh Thía, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ chống khai thác IUU, quyết tâm cùng các cơ quan, đơn vị và ngư dân sớm gỡ “thẻ vàng” EC đối với thủy sản Việt Nam. Sở cũng chủ động tổ chức các buổi làm việc với các huyện ven biển, các đồn biên phòng, các xã, thị trấn ven biển. Tích cực phối hợp với các ngành liên quan khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác chống khai thác IUU và đưa ra các giải pháp khắc phục. Trong 3 năm qua, trên địa bàn tỉnh không có tàu cá nào có chiều dài từ 15m trở lên vi phạm vùng biển nước ngoài. Tỷ lệ đăng ký, đăng kiểm tàu cá, cấp phép tàu cá được nâng lên trên 95,38%. Tỷ lệ tàu cá có chiều dài trên 15m lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 99,41%. Cập nhật cơ sở dữ liệu tàu cá vào hệ thống VNFishbase quốc gia đạt 100%... 

Vươn khơi bám biển không chỉ là phát triển kinh tế của ngư dân mà còn góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Do đó, các cấp, ngành, địa phương luôn nỗ lực đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi nhất để bà con yên tâm đánh bắt thủy hải sản trên các ngư trường truyền thống, góp phần cùng các lực lượng bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.



Mạnh Thắng - Lưu Ngần