Chủ nhật, 28/07/2024, 15:18[GMT+7]

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề

Thứ 3, 27/08/2013 | 08:58:10
1,572 lượt xem
Sau thời kỳ "hoàng kim", 3 năm trở lại đây nghề và làng nghề ở Thái Bình gặp rất nhiều khó khăn, một số làng nghề đứng trước nguy cơ mai một. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mong muốn tỉnh, các ngành chức năng có giải pháp hiệu quả hỗ trợ tháo gỡ, giúp duy trì sản xuất ổn định, tránh tình trạng thua lỗ hoặc phá sản.

Nghề dệt chiếu cói của xã An Hiệp (Quỳnh Phụ) hiện gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ bị thu hẹp.

Toàn tỉnh hiện có 241 làng nghề được cấp bằng công nhận, 200 doanh nghiệp, hàng trăm cơ sở sản xuất trong làng nghề. Nghề và làng nghề phát triển thu hút khoảng 147.000 lao động tham gia, góp phần quan trọng tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân nông thôn. Tuy nhiên, do suy giảm kinh tế, một số nghề trước đây thu hút nhiều lao động nay chững lại, giảm mạnh về lượng tiêu thụ cũng như giá trị thu nhập.

Đơn cử như nghề thêu, tính đến tháng 6/2003 có 21/27 làng nghề suy giảm; xã Minh Lãng (Vũ Thư) chỉ còn trên 1.000 lao động làm nghề. Một số doanh nghiệp thêu quy mô lớn như Mỹ Long, Hoàng Hưng và nhiều đơn vị khác có bề dày kinh nghiệm trong nghề phải chuyển hướng sang sản xuất hàng may mặc.

Nghề mây tre đan cũng gặp nhiều khó khăn do nguồn nguyên liệu khan hiếm, giá tăng cao, chi phí tiền công, các chi phí khác đều tăng trong khi giá xuất khẩu thành phẩm tăng chậm và luôn thay đổi nên các doanh nghiệp chỉ duy trì những hợp đồng đơn lẻ và đang chuyển dần sang sản xuất hàng móc sợi, đan bẹ chuối, đan bèo tây, đệm cói.

Các cơ sở sản xuất mặt hàng thảm len khó khăn về thị trường tiêu thụ và có chiều hướng thu hẹp do không cạnh tranh được về giá với các sản phẩm của Thái Lan, Trung Quốc. Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ lượng tồn kho lớn khiến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải tiết giảm sản xuất, chuyển sang kinh doanh các mặt hàng tiêu thụ khác. Ngoài ra, các nghề như chạm bạc, dệt chiếu cói, dệt đũi, sản xuất vật liệu xây dựng… cũng sụt giảm mạnh về lượng tiêu thụ. Đặc biệt, một số nghề truyền thống như ươm tơ, đan lưới vó, làm nón… dần bị mai một hoặc chỉ sản xuất nhỏ lẻ tại một số hộ.

Nguyên nhân nghề và làng nghề gặp khó trước hết là do sự biến động của thị trường, nhu cầu về một số mặt hàng của người tiêu dùng trong và ngoài nước giảm khiến sản xuất giảm theo. Sự phát triển làng nghề ở Thái Bình thời gian qua chủ yếu mới theo chiều rộng mà chưa theo chiều sâu, chưa thực sự bền vững, sức cạnh tranh yếu. Nhiều doanh nghiệp thiếu thông tin về thị trường, chỉ là đầu mối trung gian, chưa ký hợp đồng trực tiếp nên bị ép giá và không chủ động được sản xuất. Quy mô của các làng nghề hiện còn nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, sản xuất theo kinh nghiệm nên chất lượng sản phẩm thấp trong khi chí phí tính vào và giá thành lại cao. Chính những điều này khiến thu nhập của người lao động trong làng nghề thường thấp, không ổn định nên họ chưa thực sự gắn bó với công việc.

Vấn đề trăn trở nhất đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề hiện nay là hầu hết đều thiếu vốn mở rộng sản xuất kinh doanh. Trong khi việc vay vốn ngân hàng gặp khó khăn, thủ tục cho vay còn rườm rà, mức vay chưa đáp ứng nhu cầu của cơ sở, doanh nghiệp vì không có tài sản thế chấp. Anh Phạm Văn Triều, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở xã Nguyên Xá (Vũ Thư) cho biết: "Dù kinh tế còn khó khăn nhưng hiện nay cơ sở vẫn duy trì sản xuất ổn định, tạo việc làm cho 15 lao động với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, sản xuất đồ gỗ quy mô gia đình cần nguồn vốn lưu động ít nhất từ 1 đến 1,2 tỷ đồng song đến nay chúng tôi mới được vay 200 triệu đồng nên rất khó để mở rộng sản xuất kinh doanh".

Trung tâm Khuyến công (Sở Công Thương) mở lớp dạy nghề may cho người lao động tại xã Đông Vinh (Đông Hưng).

Cùng với vốn, kinh phí đào tạo lao động, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm cũng là một vấn đề khó với các làng nghề hiện nay. Chị Phạm Thị Ngắn, chủ doanh nghiệp tư nhân sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Tây An (xã Tây An, Tiền Hải) cho biết: "Hiện nay, doanh nghiệp đang tạo việc làm cho khoảng 6.000 lao động vệ tinh. Do đặc thù sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ là mẫu mã thường xuyên thay đổi hàng năm, chi phí mở rộng mạng lưới, đào tạo nghề cho người lao động rất lớn nên mong muốn tỉnh, huyện quan tâm hỗ trợ một phần kinh phí để giảm bớt khó khăn trong giai đoạn hiện nay".

Cùng với đó, hạ tầng phục vụ cho việc phát triển nghề và làng nghề chưa đồng bộ, đặc biệt là đường giao thông phần lớn nhỏ hẹp, xuống cấp nghiêm trọng đã khiến chi phí vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa của doanh nghiệp tăng cao. Tình trạng thiếu điện và chất lượng nguồn điện chưa bảo đảm, ô nhiễm môi trường trong làng nghề, thiếu mặt bằng, nguyên liệu, nhiên liệu sản xuất, thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư… cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở trong làng nghề.

Vừa qua, tại hội nghị đối thoại giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề do Sở Công Thương tổ chức có gần 40 ý kiến, kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc và đã được lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan giải đáp cụ thể. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt mà các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề mong muốn là các ngành chức năng, các địa phương cần phối hợp tích cực đánh giá lại đúng thực trạng phát triển nghề và làng nghề từ đó có giải pháp tổng thể hỗ trợ cụ thể, phù hợp.

Rà soát, điều chỉnh quy hoạch lại các cụm công nghiệp kết hợp huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu mở rộng mặt bằng sản xuất của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Đa dạng hóa các nguồn vốn hỗ trợ đào tạo nghề, ngoài nguồn vốn khuyến công cần giúp các địa phương, doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn của Trung ương, các tổ chức quốc tế và phải ưu tiên đào tạo những nghề thế mạnh tạo được nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Mở rộng cho vay và tạo điều kiện cho những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề có năng lực và phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả được hưởng chính sách ưu đãi tín dụng để phát triển sản xuất.

Có cơ chế khuyến khích để các cơ sở vươn lên thành lập doanh nghiệp trong làng nghề đứng ra làm đầu mối bao tiêu sản phẩm. Huy động nguồn kinh phí đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, nước sạch và điện sản xuất tại các làng nghề, xã nghề. Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chuyển giao công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa mẫu mã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa