Thứ 3, 23/07/2024, 05:23[GMT+7]

“Trái ngọt” ven sông Kỳ 2: Cơ chế hỗ trợ - Đòn bẩy phát triển vùng đất bãi

Thứ 3, 21/05/2024 | 08:31:28
13,899 lượt xem
Với quyết tâm không để lãng phí nguồn tài nguyên đất sẵn có ven sông cùng cơ chế khuyến khích của tỉnh, huyện Hưng Hà đã triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân khai thác thế mạnh vùng đất bãi bồi, góp phần từng bước đưa nền nông nghiệp của huyện phát triển hiệu quả.

Mô hình trồng thanh long vỏ vàng ruột trắng tại vùng đất bãi Hồng Minh (Hưng Hà) cho thu hoạch 15 tấn quả/ha.

Tạo động lực mở rộng sản xuất

Nghị quyết số 40/2020/ NQ-HĐND, ngày 9/12/2020 về phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 08/2023/NQ- HĐND, ngày 12/7/2023 ban hành quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2028 của HĐND tỉnh được xem là liều thuốc “trợ lực” để các tổ chức, cá nhân gắn bó và làm giàu trên vùng đất bãi. Cơ chế hỗ trợ của tỉnh, huyện đang là đòn bẩy giúp các cá nhân, tập thể từng bước mở rộng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa nông nghiệp Hưng Hà bứt phá vươn lên.

Theo thống kê, hiện nay toàn huyện có 120 hộ dân tích tụ, tập trung ruộng đất xây dựng mô hình sản xuất công nghệ cao tại vùng đất bãi. Điển hình như anh Giang Lê Quân, thôn Việt Thắng, xã Tiến Đức đầu tư gần 500 triệu đồng xây dựng nhà màng theo tiêu chuẩn trồng dưa vàng Hà Lan công nghệ cao trên diện tích 4.000m2. Mỗi năm anh thu 3 lứa, mỗi lứa 4 - 5 tấn quả, lãi trên 300 triệu đồng. Theo anh Quân, trồng dưa lưới theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu tương đối lớn, người trồng phải biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như hệ thống tưới nước và bón phân đồng bộ theo công nghệ Israel.

Đặc biệt, quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn hạt giống, trồng cây, chăm sóc, theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây cho đến lúc thu hoạch sản phẩm. Lợi thế lớn nhất khi đầu tư trồng dưa lưới trên vùng đất bãi là quả to, ngọt, thơm được các siêu thị ưa chuộng, sản phẩm thu hoạch đến đâu được tiêu thụ ngay đến đó.

Anh Quân chia sẻ thêm: Cơ chế hỗ trợ của tỉnh, huyện đã tạo động lực để chúng tôi gom đất, thuê đất của bà con để tích tụ, tập trung đất đai đẩy mạnh sản xuất, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây trồng có năng suất cao theo chuỗi liên kết có bao tiêu sản phẩm vào sản xuất. Nhờ đó, vùng đất bỏ hoang trước đây đã “hồi sinh”. Hiện các vùng sản xuất của tôi đã được cấp mã vùng, truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Chuối tiêu hồng ở Hồng An là cây trồng chủ lực của địa phương.

Hồng An là xã duyên giang với vùng đất bãi ven sông Hồng rất phù hợp trồng cây ăn quả. Thời gian qua, địa phương đã tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động tích tụ đất đai, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp về hợp tác đầu tư để thành lập các trang trại có quy mô lớn. 

Ông Trần Ngọc Tạo, Phó Giám đốc HTX DVNN Hồng An cho biết: Từ cuối năm 2014, xã đã quy hoạch 4 vùng sản xuất với tổng diện tích 232,3ha, đặc biệt là vùng trồng cây ăn quả trên diện tích đất bãi với quy mô 140ha, chủ lực là chuối Đài Loan, chuối tiêu hồng với sản lượng từ 3.500 - 4.000 tấn/năm, lợi nhuận đạt 6 - 8 tỷ đồng/ năm. Các loại cây ăn quả khác như cam, táo, ổi đạt sản lượng khoảng 300 tấn/ năm, lợi nhuận đạt 700 - 800 triệu đồng/năm. Hiện xã đã có vùng sản xuất 6ha được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, sản phẩm chủ lực là ổi lê (sản lượng 180 - 220 tấn/năm), cam đường canh (sản lượng 30 tấn/năm).

Nhiều nông dân đã tích tụ ruộng đất, hình thành vùng sản xuất tập trung tại đất bãi ven sông.

Luôn có sự đồng hành của các cấp, các ngành

Cùng với cơ chế khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai của tỉnh, để giúp nông dân phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng đất bãi, vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt chương trình hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật cho ông Trần Thế Văn, thôn Tân An, xã Tân Lễ trồng táo đỏ, sâm Bố Chính với diện tích 2ha. Ông Văn cho biết: Hiện nay gia đình tôi tích tụ được 4ha đất bãi. Sự hỗ trợ của tỉnh, huyện đưa cây trồng, vật nuôi có giá trị vào trồng thử nghiệm tại vùng đất bãi đã mở ra cơ hội cho người dân phát triển cây trồng chủ lực. Hiện nay, cây trồng phát triển tốt và đồng đều. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi được các cán bộ hướng dẫn kỹ thuật làm đất, chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh, đồng thời được bao tiêu sản phẩm ngay sau khi thu hoạch.

Ngoài cơ chế hỗ trợ của tỉnh, huyện Hưng Hà đã quy hoạch 7 vùng sản xuất tập trung và ban hành cơ chế hỗ trợ trên 17 tỷ đồng cho 5 vùng sản xuất, trong đó chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, giống, phân bón...; ban hành cơ chế hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP cây ăn quả tại xã Cộng Hòa, lạc tại xã Điệp Nông, dưa lưới tại xã Tiến Đức, mỗi sản phẩm hỗ trợ 100 triệu đồng. Ngoài ra, huyện còn tập trung chỉ đạo các địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch; đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, đưa nhanh các giống cây trồng có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao vào sản xuất; xây dựng và ban hành các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, nhóm hộ gia đình chuyển đổi cơ cấu cây trồng...

Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của anh Giang Lê Quân, thôn Việt Thắng, xã Tiến Đức (Hưng Hà).

Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Ngành nông nghiệp phối hợp với các sở, ngành liên quan tạo hành lang pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân trong quá trình tích tụ ruộng đất, nhất là tích tụ, tập trung đất đai tại các khu vực đất bãi ven sông như hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo lao động, hỗ trợ các khâu dịch vụ trong quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản... 

Ngoài ra, huyện đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các vùng chuyên canh liên kết với hộ nông dân để hình thành những chuỗi giá trị, liên kết lâu dài nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân...

Thực tế đã chứng minh, cùng với đổi mới tư duy, việc mạnh dạn chuyển đổi, tích tụ ruộng đất là hướng đi đúng, trúng để nông dân bắt kịp, tổ chức sản xuất nông nghiệp trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Để tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng, từ khi xây dựng nông thôn mới, huyện Hưng Hà đã đầu tư xây dựng 21km đường nối ra vùng đất bãi ven sông, trong đó có 11km đường được trải nhựa với tổng kinh phí hơn 23 tỷ đồng.

Ông Trần Ngọc Võ, Giám đốc HTX DVNN xã Tân Lễ 
Xã Tân Lễ hiện có trên 175ha đất bãi với gần 100 hộ nông dân gieo trồng theo hướng chuyên canh cây trồng có giá trị cao. Nhờ cơ chế hỗ trợ của tỉnh, huyện những năm qua, sản xuất trên vùng đất bãi ở Tân Lễ khá phát triển, thu nhập bình quân 200 triệu đồng/ha. Ngoài hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn khoa học kỹ thuật, địa phương còn đầu tư xây dựng, mở rộng các tuyến đường xuống tận vùng đất bãi tạo thuận lợi cho sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Bà Vũ Thị Sao, xã Hồng Minh (Hưng Hà)
Với mong muốn đưa giống thanh long vỏ vàng ruột trắng về trồng trên vùng đất bãi ven sông Trà Lý theo phương pháp hữu cơ nhằm tạo ra những nông sản sạch phục vụ người tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu, tôi đã được chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện về thủ tục pháp lý để quy hoạch vùng trồng trọt với 4ha. Đến nay vườn thanh long đã cho thu 15 tấn quả/ha với giá bán từ 50.000 - 80.000 đồng/kg, cung cấp cho các siêu thị tại Hà Nội, Hải Phòng..., tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.



 Thanh Thuỷ 

(còn nữa)