Thứ 7, 21/12/2024, 22:56[GMT+7]

Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa: Cùng doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế Kỳ 1: Phát triển nguồn hàng xuất khẩu

Thứ 4, 29/05/2024 | 20:16:48
17,548 lượt xem
Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, nội lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tháng 3/2022, UBND tỉnh ban hành đề án đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Sau hai năm triển khai thực hiện đề án, hoạt động xuất nhập khẩu có sự thay đổi đáng ghi nhận.

Sản xuất thú nhồi bông xuất khẩu tại Công ty TNHH Innoflow Vina (cụm công nghiệp Đô Lương, huyện Đông Hưng).

Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, một trong những yếu tố quan trọng là phải có nguồn hàng hóa đủ lớn và chất lượng cao, có lợi thế cạnh tranh. Vì vậy, thời gian qua, các cấp, các ngành tập trung triển khai đồng bộ giải pháp phát triển nguồn hàng phục vụ xuất khẩu. 

Bổ sung lực lượng 

Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 10.000 doanh nghiệp nhưng chỉ hơn 420 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu. Bổ sung lực lượng sản xuất và xuất khẩu là định hướng ưu tiên của tỉnh. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh là hai đơn vị tích cực tham mưu UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và quản lý các dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức thẩm định hồ sơ dự án, thực hiện các thủ tục đầu tư bảo đảm chất lượng và tiến độ theo quy định của Luật Đầu tư. 

Thực hiện đề án đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã chủ động nâng cao năng lực điều hành kinh tế, triển khai thực hiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và UBND huyện, thành phố (DDCI) nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Cùng với việc tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư, các sở, ngành, địa phương chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, nhất là về hạ tầng, đất đai, nguồn nhân lực... sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, tạo tiền đề quan trọng để thu hút dự án mới và thúc đẩy phát triển sản xuất, xuất khẩu. 

Trong 2 năm 2022 - 2023, Thái Bình đột phá về thu hút đầu tư cả về số lượng và chất lượng dự án. Tiêu biểu như dự án khu công nghiệp VSIP Thái Bình với tổng vốn đầu tư gần 212 triệu USD; dự án nhà máy Pegavision Việt Nam sản xuất kính áp tròng với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD; dự án nhà máy sản xuất đồ uống của Tập đoàn Hite Jinro tổng vốn đầu tư 100 triệu USD; dự án đầu tư sản xuất các cổng chuyển đổi, thiết bị kết nối, thiết bị vi tính tổng vốn đầu tư 45 triệu USD của Công ty TNHH Goodway Cayman; dự án nhà máy sản xuất, gia công đèn LED các loại và linh kiện đèn LED của Công ty TNHH Longstar Lighting Hạ Môn với tổng vốn đầu tư 25 triệu USD... Đây là những dự án có quy mô khá lớn, khi đi vào sản xuất chính thức sẽ tạo ra nguồn hàng xuất khẩu mới cho tỉnh. 

Tạo không gian cho doanh nghiệp phát triển 

Quy hoạch, thành lập và đầu tư hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) được tỉnh ưu tiên chỉ đạo nhằm tạo không gian thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Các sở, ngành như Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh... phối hợp chặt chẽ và triển khai nhanh, hiệu quả công tác thẩm định đồ án quy hoạch phân khu 1/2.000 của một số KCN, CCN trên địa bàn tỉnh như KCN Đông Long, CCN Hồng Việt, CCN Mê Linh, CCN Nguyên Xá, CCN Phong Châu, CCN Thanh Tân, CCN Văn Lang, KCN VSIP Thái Bình, CCN Thụy Sơn, CCN Đô Lương, CCN An Ninh...

Ông Trần Huy Quân, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Trong 2 năm qua, tỉnh đã thành lập mới 3 CCN gồm Hồng Việt, Phong Châu, Văn Lang, đồng thời mở rộng diện tích 4 CCN gồm An Ninh, Vũ Ninh, Thanh Tân, Quỳnh Côi tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Hết năm 2023, các CCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 461 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 127.965 tỷ đồng, trong đó có 357 dự án đi vào hoạt động, 58 dự án đang xây dựng, sử dụng 60.802 lao động. 

Khu công nghiệp Liên Hà Thái thu hút được 16 dự án với tổng vốn đầu tư gần 1,3 tỷ USD bổ sung lực lượng sản xuất, xuất khẩu cho tỉnh.

Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh 

Vào mỗi dịp đầu năm, UBND tỉnh đều tổ chức phát động doanh nghiệp thi đua đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Cùng với việc thăm, chúc mừng năm mới, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng lắng nghe, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, từ đó chỉ đạo các sở, ngành chức năng tập trung tháo gỡ cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thường xuyên tổng hợp tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tham mưu, đề xuất với tỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đối thoại tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn bảo đảm kịp thời, hiệu quả, thực chất. 

Với vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại, Sở Công Thương làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật, dự báo tình hình thị trường giúp doanh nghiệp định hướng và có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, khắc phục tình trạng tồn kho. Đặc biệt, Sở đã kịp thời phổ biến các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP... giúp các doanh nghiệp tận dụng tốt ưu đãi về thuế quan, tạo sức cạnh tranh đưa hàng hóa thâm nhập vào các thị trường và kích thích gia tăng hoạt động sản xuất. Năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp trong các CCN đạt khoảng 34.460 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 280 triệu USD. 

Không chỉ có ngành công thương, ngành nông nghiệp cũng có nhiều giải pháp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh với 33 mô hình phát triển nông nghiệp. Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai 16 mô hình liên quan đến sản xuất lúa gạo, xây dựng chuỗi giá trị và chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm; 8 mô hình trồng cây bản địa, phát triển nông nghiệp, nông thôn phục vụ du lịch nông nghiệp; 7 mô hình về cây rau màu, cây dược liệu, hoa, cây cảnh, cây lâu năm; 1 mô hình về muối và 1 mô hình về thủy sản. 12 hợp tác xã được thành lập mới thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị gắn kết giữa sản xuất với chế biến, xây dựng thương hiệu đặc sản chủ lực của địa phương mang lại hiệu quả cao trong cả sản xuất và kinh doanh. 

Ông Nguyễn Mạnh Khương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trong những năm qua, các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân chủ động tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, tích cực ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Đáng chú ý, nhiều hộ, hợp tác xã đã đưa nông sản lên thương mại điện tử không chỉ tiêu thụ tốt tại thị trường trong nước mà còn tiếp cận được nhiều khách hàng nước ngoài, mở ra cơ hội xuất khẩu trong thời gian tới.

Xí nghiệp May Hưng Hà - (Tổng Công ty May 10) triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng kim ngạch xuất khẩu.

(còn nữa)

Khắc Duẩn