Chủ nhật, 28/07/2024, 15:17[GMT+7]

Nuôi thỏ New Zealand Hướng phát triển kinh tế mới ở Bắc Sơn

Thứ 6, 30/08/2013 | 08:54:00
2,900 lượt xem
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhờ sự chăm chỉ, nỗ lực và không ngừng học hỏi, đến nay gia đình anh Phan Thanh Tạo (thôn Minh Đức, xã Bắc Sơn, Hưng Hà) đang thành công với mô hình chăn nuôi thỏ New Zealand. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí gia đình anh thu lãi trên 150 triệu đồng.

Anh Phan Thanh Tạo (thôn Minh Đức, xã Bắc Sơn, Hưng Hà) giới thiệu về giống thỏ New Zealand.

Dẫn chúng tôi thăm khu chăn nuôi thỏ với hệ thống chuồng trại khép kín, sạch sẽ và thoáng mát, anh Tạo cho biết: Năm 2009, trong lần đi tham quan một số mô hình chăn nuôi trong huyện, nhận thấy thỏ là con vật dễ nuôi, phù hợp với điều kiện gia đình, không cần diện tích chuồng trại lớn; vốn đầu tư thấp, có thể tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên, anh mua 10 cặp thỏ New Zealand giống về nuôi thử nghiệm.

Ban đầu do chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên đàn thỏ bị bệnh cầu trùng chết 5 cặp. Tuy nhiên, thất bại ban đầu không làm anh nản chí mà càng quyết tâm hơn; anh dành gần 1 tháng lên Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc và cách phòng trừ dịch bệnh.

Từ những cặp thỏ ban đầu còn lại, anh chăm sóc cẩn thận, mày mò nhân giống, phát triển đàn thỏ của gia đình. Sau 4 năm không ngừng học hỏi và trau dồi kinh nghiệm, đến nay anh Tạo đã xây dựng được gần 200 m2 chuồng trại kiên cố nuôi 100 cặp thỏ giống và hơn 100 con thỏ thương phẩm, mỗi tháng anh xuất bán hàng trăm con giống và thỏ thương phẩm. Với giá thị trường thỏ thịt như hiện nay dao động từ 90.000 - 100.000 đồng/kg, 100.000 - 120.000 đồng/1 cặp thỏ giống, sau khi trừ tất cả chi phí gia đình anh lãi trên 150 triệu đồng/năm.

Theo anh Tạo, chuồng nuôi thỏ có thể làm bằng nhiều vật liệu như tre, nứa, gỗ… Tuy nhiên, theo anh nên làm bằng sắt để bảo đảm độ bền, có thể sử dụng lâu dài. Chuồng nuôi thỏ phải bảo đảm yêu cầu thoáng mát, sạch sẽ, tránh mưa, dễ quét dọn; đặc biệt phải cách xa chỗ nuôi gia súc vì thỏ rất mẫn cảm, dễ lây bệnh. Quy cách chuồng phù hợp nhất là thiết kế chuồng hình chữ nhật đặt nằm ngang, cao 40 -  50 cm, dài 100 cm, rộng 60 cm, chia ra 2 ngăn, mỗi ngăn nuôi 1 con thỏ giống sinh sản hoặc 2 con hậu bị. Đối với nuôi thỏ thịt cũng nên ngăn nhiều ô, mỗi ô từ 5 - 6 con, nhưng phải bảo đảm chuồng thoáng mát, đủ chỗ cho thỏ đi lại.

Hằng ngày nên cho thỏ ăn 2 bữa rau, 1 bữa cám; đối với thỏ sinh sản và thỏ con nên hạn chế cho ăn cám vì không tốt cho sức khỏe, nên tăng cường nhiều rau xanh. Cũng cần đặc biệt lưu ý là thỏ có thể thiếu thức ăn nhưng không thể thiếu nước uống, đặc biệt là đối với thỏ sinh sản. Bởi theo anh, nếu không cung cấp đủ nước uống cho thỏ có thể dẫn đến thỏ mẹ thiếu sữa, thậm chí ăn cả thịt thỏ con.

Hiện nay, sản phẩm đầu ra cho thỏ giống và thỏ thịt rất thuận lợi, trước khi nuôi thỏ bà con nông dân đã được Công ty Nippon Zoki (Nhật Bản) có trụ sở tại Ninh Bình ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, thỏ giống có thể cung cấp cho các gia đình có nhu cầu chăn nuôi.

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế cho gia đình, anh Tạo còn nhiệt tình giúp đỡ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và hỗ trợ con giống cho những bà con có nhu cầu chăn nuôi. Từ thành công mô hình nuôi thỏ của anh Tạo, nhiều người dân đã đến học hỏi kinh nghiệm và mua thỏ giống về nuôi. Đến nay, toàn xã có khoảng 50 hộ nuôi thỏ theo mô hình nhỏ từ 20 - 30 đôi/hộ. Trong thời gian tới, nếu mô hình này được nhân rộng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế, mở ra hướng đi mới cho người dân địa phương, giúp họ có thêm thu nhập và cải thiện cuộc sống.

Bài, ảnh: Phạm Hưng

  • Từ khóa