Thứ 6, 22/11/2024, 11:55[GMT+7]

Chủ động sản xuất vụ mùa

Thứ 4, 26/06/2024 | 20:06:04
24,275 lượt xem
Để sản xuất vụ mùa năm 2024 đạt năng suất, sản lượng cao, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang tập trung triển khai phương án, kế hoạch sản xuất bảo đảm khung thời vụ tốt nhất.

Toàn tỉnh phấn đấu kết thúc gieo cấy trước ngày 20/7.

Khó khăn, thuận lợi đan xen 

Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn Thái Bình, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, năm 2024 gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn, nắng nóng cục bộ, dông, tố, lốc xảy ra nhiều hơn, cường độ mạnh hơn. Bão mạnh, mưa lớn và áp thấp nhiệt đới xảy ra bất thường, diễn biến phức tạp và không theo quy luật. Mưa cường độ lớn có thể xảy ra nhưng do dự báo nguồn nước sông có thiếu hụt so với trung bình nhiều năm vì vậy có những thời điểm lấy nước phục vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn. 

Ngoài ra, tình hình các đối tượng sinh vật hại cây trồng trong vụ mùa cũng thường diễn biến phức tạp. Do thời gian chuyển vụ từ vụ xuân sang vụ mùa ngắn dẫn đến nguồn sâu bệnh tích lũy; rơm rạ không có thời gian phân hủy, dễ gây ngộ độc hữu cơ cho lúa mới cấy. Trong khi đó, lao động nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch sang các ngành nghề phi nông nghiệp, nhất là lao động trẻ, gây ra thiếu hụt lao động trong sản xuất. 

Mặc dù có nhiều khó khăn như vậy nhưng bù lại, giá cả vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) hiện nay cũng tương đối ổn định, vụ lúa xuân được mùa, được giá, tạo điều kiện, động lực cho người dân yên tâm sản xuất. Công tác chỉ đạo, quản lý điều hành, kinh nghiệm tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành và nhận thức của bà con nông dân đã được nâng lên, nhất là trong việc xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống diễn biến bất lợi của thời tiết. 

Ông Trần Quốc Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Thời gian qua, các mô hình sản xuất theo hướng gia tăng giá trị được triển khai tạo sự chuyên nghiệp trong sản xuất, hình thành quy trình sản xuất theo chuỗi bền vững quản lý được chi phí và hạch toán có lãi. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới và phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp mới được áp dụng vào thực tiễn thúc đẩy sản xuất hàng hóa, tạo giá trị kinh tế cao, bền vững. Tỷ lệ cơ giới hóa trong trồng trọt ngày càng cao và hình thành nhiều khâu dịch vụ chuyên nghiệp (làm đất, gieo mạ khay, máy cấy, máy gặt, sấy sản phẩm...) góp phần giảm chi phí sản xuất và giải quyết tình trạng thiếu lao động trong nông nghiệp. 

Chủ động các giải pháp ứng phó 

Vụ mùa năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy đạt trên 75.000ha, năng suất trên 60 tạ/ha, sản lượng trên 450.000 tấn. Diện tích lúa chất lượng cao chiếm 45 - 50%, gồm các giống Đài thơm 8, Bắc thơm số 7, TBR279, N97, lúa Nhật...; nhóm lúa có năng suất cao, chịu thâm canh chiếm 50 - 55% diện tích, gồm các giống: BC15, Thiên ưu 8, TBR1, TBR225... Mở rộng diện tích lúa gieo cấy bằng máy lên trên 25.000ha; tiếp tục khuyến khích nông dân tích tụ, tập trung đất đai, bỏ bờ ngăn, gieo cấy cùng giống, cùng trà để mở rộng quy mô đồng ruộng thuận tiện áp dụng cơ giới hóa và tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích nông dân mua và sử dụng thiết bị sấy để hạn chế tổn thất sau thu hoạch. Tiếp tục hoàn thiện các chuỗi sản xuất lúa gạo xây dựng nhãn hiệu lúa gạo cho một số địa phương có lợi thế, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo tỉnh Thái Bình. 

Phấn đấu gieo cấy trên 13.000ha lúa mùa, đến nay huyện Kiến Xương đã hoàn thành thu hoạch lúa xuân, tập trung đẩy nhanh tiến độ làm đất, vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị các điều kiện gieo cấy lúa mùa. 

Ông Đinh Công Mấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để chủ động ứng phó với bất thuận của thời tiết, gieo cấy lúa mùa trong khung thời vụ tốt nhất, huyện khuyến cáo nông dân mở rộng diện tích cấy bằng máy, cấy mạ non, phấn đấu diện tích cấy bằng máy đạt 40% tổng diện tích gieo cấy; không áp dụng gieo thẳng đồng thời dự phòng sẵn các loại thóc giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày phòng khi mưa lớn gây ngập úng, làm chết mạ, chết lúa đầu vụ. 

Nông dân xã Tây Sơn (Kiến Xương) làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa mùa.

Ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương căn cứ vào điều kiện đất đai, trình độ thâm canh, cơ sở hạ tầng, diễn biến thời tiết nhiều năm và dự báo thời tiết vụ mùa năm 2024, bố trí cơ cấu trà và cơ cấu giống lúa hợp lý. 

Kỹ sư Phạm Thị Hiên, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình cho biết: Để rơm rạ, cỏ dại, các tàn dư trên đồng ruộng nhanh phân hủy, hạn chế ngộ độc hữu cơ giai đoạn lúa đẻ nhánh nên sử dụng các chế phẩm để xử lý rơm rạ như Sumitri, AT-YTB, Emunix hoặc phân vi sinh Azotobacterin, Trường Sơn Bio hoặc 15 - 20kg vôi bột/ sào để rắc. Trong vụ mùa, cây lúa dễ bị nhiễm bệnh bạc lá, vì vậy nên lựa chọn các giống lúa có khả năng chống chịu hoặc nhiễm nhẹ đối với bệnh bạc lá, đặc biệt không gieo các giống dễ nhiễm bệnh trên các vùng trũng hẩu, kìm hãm. Đối với quỹ đất cấy lúa mùa sớm để trồng cây vụ đông ưa ấm cần gieo cấy trước ngày 10/7. Diện tích gieo cấy đại trà kết thúc việc gieo cấy trước ngày 20/7. Tùy thuộc vào phương thức gieo mạ để xác định lịch gieo mạ cho phù hợp, mạ nền cứng khoảng 7 - 8 ngày, mạ dày xúc khoảng 12 - 15 ngày tuổi. Nên bố trí thời vụ gieo mạ và thời gian làm đất phù hợp, tuyệt đối không để mạ phải chờ ruộng, tốt nhất là làm ruộng trước khi cấy từ 1 - 2 ngày. Trước khi đưa mạ ra ruộng cấy 1 - 2 ngày nên phun phòng, trừ sâu bệnh cho mạ, đặc biệt là rầy các loại. 

Với việc triển khai thực hiện tốt các biện pháp sản xuất ngay từ đầu vụ, giúp các địa phương chủ động trong thực hiện kế hoạch đề ra, bảo đảm thắng lợi toàn diện trong sản xuất vụ mùa trên địa bàn tỉnh. 

Ngân Huyền