Chủ nhật, 28/07/2024, 15:18[GMT+7]

Thống Nhất Trồng thanh long ruột đỏ cho giá trị kinh tế cao

Thứ 3, 10/09/2013 | 09:52:45
3,625 lượt xem
Là người đầu tiên đưa cây thanh long ruột đỏ về trồng thử nghiệm trên vùng đất Hưng Hà, anh Vũ Văn Tuyến, thôn Ngoại Trang, xã Thống Nhất đã trải qua không ít khó khăn, vất vả. Hiện nay, dù đã nắm được kinh nghiệm trồng và chăm sóc loại cây mới cho thu nhập cao này, nhưng anh vẫn luôn suy nghĩ tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm để nâng cao năng suất cây trồng.

Anh Tuyến cho biết: Sau nhiều năm bươn trải nhiều nghề từ bốc vác, đi rừng xẻ gỗ và làm thuê trong các vườn thanh long ở Bình Thuận để kiếm sống. Những ngày đi chăm sóc và thu hoạch thanh long, anh thấy gắn bó với loại cây này từ lúc nào không hay. Quãng thời gian làm việc trong các vườn thanh long, hàng ngày quan sát học hỏi kinh nghiệm chăm sóc của các chủ vườn. Thấy thanh long là loại cây dễ trồng, cho hiệu quả kinh tế cao, anh nảy ra ý định và quyết tâm sẽ đưa cây thanh long về trồng tại địa phương.

Năm 1997, anh đem 9 hom giống thanh long ruột đỏ và ruột trắng về trồng thử nghiệm tại vườn nhà. Thật bất ngờ, sau hơn 1 năm chăm sóc, giống thanh long ruột đỏ cho thấy sự thích nghi với đất địa phương, khả năng cho trái nhiều và ngọt hơn thanh long ruột trắng. Năm 2006, anh Tuyến mạnh dạn chuyển đổi 2 sào cấy lúa kém hiệu quả trước nhà sang trồng thanh long (2/3 diện tích là thanh long ruột đỏ, còn lại là thanh long ruột trắng).

 Với kinh nghiệm tích lũy được từ những năm đi làm thuê cộng với tinh thần ham học hỏi kỹ thuật chăm sóc thanh long từ tivi, sách báo, 130 trụ thanh long cứ thế phát triển xanh tốt. Sau hơn 1 năm chăm sóc, trời không phụ lòng người, những trụ thanh long cho trái sai trĩu, ngọt lịm. Năm đầu tiên gia đình anh thu 2 tấn quả, giá bán lúc bấy giờ chỉ khoảng 20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu lãi gần 30 triệu đồng.

Từ những thành công bước đầu đã tạo động lực cho anh mở rộng diện tích, anh chấp nhận đổi các thửa ruộng tốt nhưng xa nhà lấy những thửa ruộng trũng, xấu gần nhà đăng ký chuyển đổi với UBND xã rồi đổ đất nâng cao mặt ruộng, làm rãnh chống úng và trồng mới nhiều trụ thanh long. Đến nay, gia đình anh đã là chủ của hơn 1 mẫu thanh long với hơn 600 gốc, chủ yếu là giống thanh long ruột đỏ, đang trong thời kỳ cho thu hoạch. Mỗi năm, gia đình anh thu hàng chục tấn quả, sau khi trừ chi phí thu lãi trên 300 triệu đồng.

Chia sẻ về kỹ thuật trồng và chăm sóc thanh long, anh Tuyến cho biết: Thanh long ruột đỏ là giống dễ trồng, tuy nhiên đòi hỏi nhiều công chăm sóc, người trồng phải am hiểu kỹ thuật cũng như cách xử lý để cây ra hoa quanh năm. Trụ trồng thanh long phải vững chắc, tốt nhất là trụ làm bằng xi măng, cao khoảng 2,2 m đến 2,5 m, chôn sâu 70 cm. Mỗi sào chỉ nên chôn từ 60 – 65 trụ. Thời gian trồng tốt nhất là từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm. Mỗi trụ trồng 4 hom thanh long xung quanh, khoảng cách trồng hàng cách hàng là 2,5 m, trụ cách trụ 2,3 m. Sau khi trồng nên chú ý tưới nước định kỳ khoảng 4 đến 5 ngày/lần, hạn chế tưới trực tiếp vào gốc vì sẽ làm úng gốc, chết cây. Ngoài ra, cần thường xuyên cắt tỉa những nhánh thanh long già, không còn khả năng cho trái để tập trung nuôi dưỡng các nhánh khỏe mạnh.

Cũng như một số hộ nông dân khác trong xã, nhận thấy thanh long là giống cây trồng mới, cho hiệu quả kinh tế cao, anh Đinh Thanh Quỳnh, xóm 9, thôn Đại An, đã chủ động cải tạo, vườn, vay vốn đầu tư trồng thanh long ruột đỏ. Đến nay, gia đình anh đã trồng được gần 200 trụ thanh long ruột đỏ, 6 tháng đầu năm đã thu hoạch được khoảng 1,5 tấn quả, với giá bán hiện nay từ 30 – 33.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình anh thu lãi trên 30 triệu đồng. Theo anh, mỗi năm bón phân cho thanh long hai lần (vào thời gian mới trồng và thời gian cây cho quả), bón tăng cường phân hữu cơ. Sau khi trồng một năm là cây có thể cho thu hoạch với năng suất 8 - 10 kg/trụ. Đến năm thứ ba, năng suất trung bình lên đến 20 - 25 kg/trụ.

Ông Đinh Tiến Phượng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thống Nhất cho biết: “Xuất phát từ hiệu quả thực tế mà cây thanh long ruột đỏ mang lại cho bà con nông dân, Hội đã khảo sát, đánh giá từ đó tuyên truyền vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước nhân rộng ra toàn xã, góp phần tăng thu nhập cho nông dân”. Đến nay, toàn xã đã có hàng chục hộ trồng cây thanh long ruột đỏ với diện tích từ 3 sào đến 1 mẫu/hộ với hy vọng thanh long ruột đỏ sẽ trở thành cây xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế của bà con nông dân xã Thống Nhất.

Phạm Hưng

  • Từ khóa