Thứ 2, 01/07/2024, 07:20[GMT+7]

Doanh nghiệp coi nhẹ thương hiệu

Thứ 4, 15/09/2010 | 15:53:46
1,310 lượt xem
Sau khi đất nước chuyển nền kinh tế từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng XHCN thì phạm trù sở hữu trí tuệ (SHTT) xuất hiện và ngày một trở nên phổ biến trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như các hoạt động đời sống, kinh tế- xã hội.

Doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản xuất

Đặc biệt, những năm gần đây, trước xu thế hội nhập, vấn đề SHTT trở thành “kim chỉ nam” dẫn đường cho mọi hoạt động của doanh nghiệp trong việc bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp cho các sản phẩm trí tuệ của mình. SHTT không đơn thuần là những tấm bằng sáng chế tác giả đang nắm giữ trong tay mà tuỳ từng trường hợp nó còn là thương hiệu, hình ảnh cho bất cứ sản phầm nào do lao động trí óc của một tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân đó tạo ra.

Đối với Thái Bình, những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành và chỉ đạo thực hiện tốt nhiều chủ trương, chính sách và biện pháp thúc đẩy phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất. Từ năm 2000 đến nay, toàn tỉnh đã có 6.750 sáng kiến cải tiến trong nhiều lĩnh vực được áp dụng vào thực tiễn sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Từ năm 2005, định kỳ 2 năm/lần, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở KH&CN, Tỉnh đoàn, Liên đoàn lao động tỉnh tổ chức hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn tỉnh. Từ đó, thu hút hàng trăm công trình sáng tạo của các tổ chức, cá nhân trong tỉnh tham dự và đã có hàng chục công trình đạt giải cấp tỉnh và 8 công trình đạt giải cấp toàn quốc.

Tiêu biểu như sáng kiến cải tiến công nghệ sản xuất xơ Polyester từ chai Pet phế liệu do anh Lê Mạnh Thuỷ, Phó giám đốc công ty TNHH Hợp Thành, (Thành phố) làm chủ nhiệm đề tài đã đạt giải nhất Hội thi Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2007, hay sáng kiến nhà tiêu, nhà tắm hợp lý giúp bệnh nhân phong tàn tật trong sinh hoạt tại bệnh viện Phong da liễu Văn Môn của Bác sĩ chuyên khoa I, Giám đốc Bệnh viện- Bùi Huy Thiện, đạt giải nhì Hội thi Sáng tạo KHCN Việt Nam năm 2009...

Cùng với đó, các hoạt động tuyên truyền, đào tạo tập huấn về sở hữu công nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu được đẩy mạnh; thường xuyên xây dựng các chuyên đề, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng nhận biết, phân biệt hàng thật, hàng giả. Vì vậy, đã góp phần quan trọng tạo dựng một số thương hiệu nổi tiếng của địa phương trên thị trường trong nước và quốc tế, như: Bia Đại Việt, nước mắm Diêm Điền...

Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và cấp 145 nhãn hiệu hàng hoá, gần 40 kiểu dáng công nghiệp cho các sản phẩm hàng hoá và 156 bằng sở hữu công nghiệp. Trong đó, năm 2009, hướng dẫn 15 doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, tư vấn cho hàng chục doanh nghiệp xây dựng thương hiệu hàng hoá; đã có 6 doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu hơn 20 sản phẩm nổi tiếng của tỉnh tại Chợ công nghệ thiết bị Việt Nam ASEAN + 3 Hà Nội, trong đó Công ty SXKD tơ tằm Phú Khánh đạt Cúp vàng của Ban tổ chức.

Theo ông Vũ Mạnh Hiền- Phó giám đốc Sở KHCN: Nhằm đưa nhanh các tiến bộ KHCN vào sản xuất và đời sống, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng, phát triển thương hiệu, năm 2006, Sở KH&CN đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Quyết định số 25 và Quyết định số 51 quy định một số chính sách khuyến khích áp dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất. Sau hơn 3 năm thực hiện, đến nay đã có nhiều tổ chức và cá nhân được hỗ trợ với kinh phí hàng trăm triệu đồng.

Thương hiệu của một số doanh nghiệp trong tỉnh đã đứng vững trên thị trường, được người tiêu dùng trong và ngoài nước chấp nhận, trở thành thương hiệu nổi tiếng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế số lượng doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề bảo hộ thương hiệu còn quá ít. Trong số hàng trăm doanh nghiệp quốc doanh, công ty cổ phần... trên địa bàn tỉnh thì mới chỉ có khoảng vài chục đơn vị đăng ký bảo hộ thương hiệu.

Có những sản phẩm đã trở nên quá quen thuộc với đông đảo người tiêu dùng nhưng chưa được đơn vị nào quan tâm bảo hộ thương hiệu và tên gọi xuất xứ của nó như: bánh cáy, ổi bo... Hầu hết các đơn vị kinh doanh chưa quan tâm đến việc xây dựng và đăng ký bảo hộ thương hiệu, chưa có chiến lược bảo vệ uy tín cho sản phẩm của mình.

Không những thế, không ít doanh nghiệp vẫn thờ ơ, thậm chí thiếu hiểu biết về bảo hộ sở hữu công nghiệp, trong đó có bảo hộ thương hiệu. Họ quan niệm, xây dựng nhãn hiệu không nhất thiết phải bảo hộ cho nhãn hiệu đó, chỉ cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ cũng đủ sức tạo uy tín đối với người tiêu dùng, làm được như vậy là đã có chỗ đứng trên thương trường.

Một số doanh nghiệp không hiểu họ sẽ được lợi ích gì khi đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp. Chính vì vậy, dẫn đến tình trạng tranh chấp nhãn hiệu hàng hoá, nhãn hiệu dịch vụ, kiểu dáng công nghiệp thời gian gần đây có xu hướng tăng. Đáng ngại hơn nữa là tình trạng khiếu kiện lẫn nhau nhưng không bên nào chứng minh được mình là chủ thể của các nhãn hiệu được sử dụng.

Mặc dù vậy, khi được vận động đăng ký quyền bảo hộ SHTT, những đối tượng này lại không thực hiện. Trong quá trình hội nhập, các doanh nghiệp cần có chiến lược lâu dài để xây dựng và phát triển thương hiệu của mình, nhất là khi Việt Nam đã là thành viên chính thức của tổ chức Thương mại Thế giới, đã ký cam kết thực hiện Hiệp định TRIPS về SHTT, Công ước Paris về sở hữu công nghiệp, Công ước Berne về quyền tác giả...

Chính vì vậy, chúng ta cần thực hiện nghiêm túc các cam kết, nếu không sẽ dễ bị các đối tác nước ngoài khởi kiện.

Minh Nguyệt

  • Từ khóa