Thứ 7, 21/12/2024, 23:05[GMT+7]

Kiến Xương: Duy trì đà tăng trưởng

Thứ 6, 02/08/2024 | 08:30:37
15,902 lượt xem
Nửa đầu năm 2024, Kiến Xương đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhất là phát triển kinh tế. Đây là cơ sở để huyện hướng tới mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong những tháng cuối năm.

Công ty TNHH Sơn Hà tạo việc làm ổn định cho gần 2.000 lao động.

Nông nghiệp - dấu ấn nổi bật 

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục là dấu ấn nổi bật của huyện thời gian qua. Ông Đinh Công Mấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: 6 tháng đầu năm, lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng 2,35%. Đạt được kết quả đó là nỗ lực rất lớn của toàn ngành bởi đến nay hầu hết các xã đều tổ chức liên kết sản xuất, góp phần quan trọng thúc đẩy giá trị tăng thêm cho ngành nông nghiệp. Ngay ở vụ xuân vừa qua có 22 HTX tổ chức sản xuất tập trung theo vùng có liên kết bao tiêu sản phẩm với tổng diện tích gần 1.300ha, tăng 89ha, có 1.568ha tích tụ, tăng gần 300ha so với cùng kỳ năm 2023. Các mô hình gia tăng giá trị sản xuất tiếp tục được duy trì và mở rộng thực hiện, cho kết quả khả quan. Điển hình như mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ như lúa rươi, lúa cáy không chỉ có giá bán tăng từ 10 - 15% so với lúa thường, tăng nguồn lợi thủy sản tự nhiên như con rươi, con cáy, con cua trên ruộng lúa mà còn giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng độ tơi xốp của đất và cải tạo đất trồng lúa. Ngoài ra, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất trong nhà màng, nhà lưới tiếp tục được duy trì, mở rộng ở nhiều địa phương cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo sức cạnh tranh cao trên thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân.

HTX SXKD DVNN xã Bình Thanh trưng bày và bán các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của địa phương. 

Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Bình Thanh cho biết: HTX tiếp tục duy trì và mở rộng vùng sản xuất lúa giống với Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed và các công ty khác với diện tích trên 125ha. Quy hoạch vùng sản xuất lúa hữu cơ kết hợp với khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên 12ha để làm gạo mang thương hiệu gạo chợ Gốc và mắm cáy mang thương hiệu mắm cáy chợ Gốc cung cấp ra thị trường. Kết quả HTX đã liên kết sản xuất, tiêu thụ 625 tấn thóc, thu về cho người dân trên 7 tỷ đồng. Ngoài ra, HTX còn tiêu thụ 20 tấn thóc tươi bán với giá 9.500 đồng/kg và trên 4 tấn cáy trong vùng lúa hữu cơ, giúp người dân đạt lợi nhuận kép trong sản xuất. Hiện tại, sau khi xay xát đóng gói với nhãn hiệu gạo chợ Gốc, HTX đang bán với giá 35.000 đồng/ kg, tăng 15.000 đồng/kg so với gạo thông thường, giá trị gia tăng là trên 1,2 triệu đồng/sào và gia tăng lợi nhuận từ thu hoạch con cáy trong vùng lúa hữu cơ khoảng 2 triệu đồng/sào. Như vậy, giá trị tăng thêm của sản xuất hữu cơ ở Bình Thanh đạt trên 3,2 triệu đồng/sào. 

Công nghiệp duy trì đà tăng trưởng  

Mặc dù còn nhiều khó khăn song 6 tháng đầu năm nay sản xuất công nghiệp của Kiến Xương có chiều hướng phát triển tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023. 

Ông Phạm Văn Quảng, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: Các doanh nghiệp trên địa bàn đã nỗ lực đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu. Một số sản phẩm công nghiệp xuất khẩu chủ lực của huyện ổn định và tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, ngành may mặc, da giày sau nhiều tháng liên tục gặp khó khăn đến nay hầu hết các doanh nghiệp đã ký được các đơn hàng đến hết năm 2024, chiếm 40% cơ cấu sản xuất công nghiệp của huyện. Một số doanh nghiệp sau khi tạm dừng sản xuất đã trở lại hoạt động bình thường, ổn định; nhiều doanh nghiệp đã tiếp tục đầu tư với quy mô lớn hơn, nhất là việc đầu tư hệ thống tự động ở các khu vực kỹ thuật và đều tổ chức tăng ca, làm thêm giờ. Đó là những tín hiệu lạc quan trong sản xuất, tạo đà cho công nghiệp phát triển ổn định, bền vững. Các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề tiếp tục duy trì sản xuất ổn định, tích cực tìm kiếm thị trường, mở rộng quy mô sản xuất.

Cùng với đó, Kiến Xương tập trung phát triển các cụm công nghiệp (CCN), đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Đến nay đã có 19 nhà đầu tư thứ cấp thuê đất để hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó 16 nhà đầu tư đã đi vào hoạt động ổn định, tạo việc làm cho gần 10.000 lao động với thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/ tháng. Những kết quả trên đã góp phần thúc đẩy giá trị sản xuất ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm đạt gần 2.000 tỷ đồng, tăng 7,02% so với cùng kỳ năm 2023. 

Còn nhiều khó khăn phía trước 

Mặc dù tổng giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm Kiến Xương đạt gần 6.320 tỷ đồng, tăng 5,34% so với cùng kỳ năm 2023 song vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn cần khắc phục. Điển hình như trong sản xuất nông nghiệp, là huyện có nhiều mô hình đặc thù, phát huy được lợi thế của địa phương nhưng đến nay vẫn còn 23 xã chưa xây dựng được vùng sản xuất tập trung quy mô lớn từ 50ha trở lên. Đối với mô hình ao bán nổi, các mô hình thực hiện rất hiệu quả song cũng mới chỉ có 3/10 xã đăng ký đã thực hiện; số lượng sản phẩm OCOP còn ít so với tiềm năng và thế mạnh của huyện. Ngoài ra, việc lan tỏa, nhân rộng các mô hình còn hạn chế, việc triển khai áp dụng các cơ chế, chính sách về hỗ trợ tích tụ ruộng đất còn gặp nhiều khó khăn. Lĩnh vực công nghiệp tăng so với cùng kỳ nhưng mới chỉ đạt 33,6% kế hoạch năm 2024. 

Theo ông Phạm Văn Quảng, nguyên nhân của những khó khăn trên là do giá trị các đơn hàng không cao, giảm từ 30 - 40% so với 3 năm về trước. Ngoài ra, lĩnh vực công nghiệp chưa có sự bứt phá bởi còn nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư về địa bàn, nhất là thu hút đầu tư vào các CCN. Điển hình như CCN Bình Minh đã được giao đất từ cuối năm 2023 song đến nay tiến độ triển khai đầu tư hạ tầng còn chậm; CCN Trung Nê, huyện đã quyết liệt giải phóng mặt bằng, bàn giao quỹ đất sạch cho nhà đầu tư hạ tầng song đến nay vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư thứ cấp. Như vậy, Kiến Xương có tới 7 CCN song mới chỉ có 3 CCN đã có nhà đầu tư thứ cấp, 4 CCN chưa đi vào hoạt động. Do đó, giá trị sản xuất tăng thêm từ các CCN chưa đạt kỳ vọng đề ra. 

Để thực hiện mục tiêu năm 2024 tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,5%, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp, thực hiện tích tụ và liên kết sản xuất, Kiến Xương tập trung phát triển các CCN, nhất là việc đẩy nhanh tiến độ các dự án ở CCN Trung Nê và CCN Bình Minh; tiếp tục bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống như nghề dệt đũi, chạm bạc, mây tre đan; đẩy mạnh phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Lĩnh vực dệt may ở Kiến Xương phát triển ổn định. 

Thu Thủy 

  • Từ khóa