Chủ nhật, 28/07/2024, 15:21[GMT+7]

An Vinh Phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới

Thứ 2, 16/09/2013 | 09:57:22
2,862 lượt xem
Tuy không phải xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện, tỉnh, nhưng thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền xã An Vinh (Quỳnh Phụ) luôn tập trung lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế gắn với xây dựng NTM. Nhờ đó mà từ một xã thuần nông, An Vinh đang “thay da, đổi thịt” từng ngày. Đến nay xã đã hoàn thành 10/19 tiêu chí.

Đường bê tông thôn Gia Hòa 1 rộng hơn 4 m hoàn thành từ nguồn lực trong dân.

Về An Vinh, nhiều người sẽ bất ngờ và vui mừng trước sự đổi thay của vùng quê nội đồng, đường giao thông nông thôn được đổ bê tông, những ngôi nhà kiên cố, cao tầng đua nhau mọc lên. Cách đây chỉ vài năm, người dân An Vinh chỉ trông chờ vào 2 vụ lúa, cuộc sống thiếu thốn. Ông Nguyễn Bá Đài, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Là xã thuần nông, làm thế nào để nâng cao thu nhập của người dân khi triển khai xây dựng NTM? Câu hỏi ấy đã thôi thúc cấp ủy, chính quyền địa phương tìm ra lời giải. Và chỉ có tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích canh tác.

Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã xây dựng các nghị quyết về phát triển kinh tế phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ, trưởng - phó các ban, ngành, đoàn thể phụ trách các thôn, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, tập trung chỉ đạo nhân dân thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Xã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với Trung tâm Dạy nghề của huyện, Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề, xây dựng các mô hình trình diễn để chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân.

Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp của xã có nhiều chuyển biến, năng suất lúa bình quân đạt gần 125 tạ/ha/năm. Trong chăn nuôi, phát huy điều kiện thuận lợi về tự nhiên và kinh nghiệm trong sản xuất, người dân An Vinh đã mở rộng quy mô theo mô hình VAC. Hiện, tổng đàn gia cầm đạt 120.000 con; đàn gia súc đạt gần 19.000 con, với trên 12.000 con lợn, gần 5.000 con thỏ… Nhiều trang trại, gia trại cho thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm. Bên cạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN- TTCN) cũng được An Vinh chú trọng, coi đây là giải pháp trọng tâm góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân.

Trên địa bàn xã có 1 Doanh nghiệp tư nhân Hà Phương chuyên sản xuất vàng mã xuất khẩu, tạo việc làm trực tiếp cho 300 lao động, với thu nhập từ 1,8 - 3 triệu đồng/người/tháng và trên 1.000 lao động vệ tinh, nhận hàng về làm gia công tại nhà trong những lúc nông nhàn. Đồng thời một số cơ sở chế tác gỗ mỹ nghệ, làm hương xuất khẩu, may công nghiệp cũng tạo việc làm cho trên 1.000 lao động. Toàn xã có trên 2.600 lao động tham gia hoạt động trong lĩnh vực CN - TTCN, với thu nhập từ 1,8 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. 6 tháng đầu năm 2013, giá trị sản xuất CN - TTCN và xây dựng chiếm trên 50% tổng giá trị sản xuất của toàn xã.

Khi đời sống của người dân ngày càng được nâng cao thì việc huy động nguồn lực tại chỗ xây dựng NTM, nhất là tham gia đóng góp làm đường giao thông cũng thuận lợi hơn. Vì vậy, chủ trương làm hạ tầng giao thông mà Đảng bộ, chính quyền xã An Vinh đề ra đã trúng với mong mỏi của nhân dân, được mọi người đồng tình hưởng ứng. Với sự linh hoạt, dám làm, dám chịu trách nhiệm của chính quyền nơi đây và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân trong xã, phong trào thi đua chỉnh trang cổng ngõ, tường rào, hệ thống tiêu thoát nước, đường làng,  xây dựng gia đình văn hóa, ngày chủ nhật xanh, sạch, đẹp... diễn ra sôi nổi. Nhiều hộ dân đã tình nguyện hiến đất, phá bỏ hàng rào, cây xanh mà không đòi hỏi bất kỳ quyền lợi nào, nhanh chóng giao mặt bằng cho xã làm đường xây dựng NTM.

Từ năm 2011 đến nay, thông qua phong trào “Chung sức xây dựng NTM”, xã An Vinh đã hoàn thành trên 10 tuyến đường dài gần 8 km, kinh phí đầu tư gần 4 tỷ đồng, chủ yếu do nhân dân đóng góp tiền và ngày công. Đến nay, 100% các tuyến đường của các thôn Gia Hòa 1, Gia Hòa 2, Hưng Đạo 2 đã được bê tông hóa, người dân phấn khởi, giao thông được thuận tiện. 8/8 thôn cơ bản hoàn thành đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng, với trên 80.000 m3.

Cùng với đó, phong trào văn hóa, y tế, giáo dục cũng có  bước phát triển mạnh mẽ. Hằng năm, tỷ lệ huy động học sinh đến trường đạt 100%, không có học sinh bỏ học giữa chừng, chất lượng học tập các cấp học không ngừng được nâng lên. Tỷ lệ học sinh giỏi luôn ở tốp đầu của huyện. 100% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh; người dân có ý thức trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường.

Những nỗ lực phát triển kinh tế của từng hộ và phong trào xây dựng nông thôn mới đã góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo vùng quê An Vinh. Hy vọng trong tương lai không xa, Đảng bộ, chính quyền An Vinh sẽ lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân hoàn tất các tiêu chí còn lại để trở thành xã nông thôn mới.

Bài, ảnh: Minh Nguyệt

  • Từ khóa