Chủ nhật, 28/07/2024, 15:15[GMT+7]

Nông dân xã An Khê Thu mùa, làm đông

Thứ 4, 18/09/2013 | 10:01:57
1,327 lượt xem
Dù thời tiết không thuận lợi nhưng nông dân xã An Khê (Quỳnh Phụ) vẫn có một vụ lúa mùa bội thu, năng suất ước đạt trên 62 tạ/ha. Những ngày này, bà con xã viên tập trung huy động mọi nguồn lực xuống đồng thu hoạch lúa mùa để bắt tay vào sản xuất vụ đông.

Nông dân xã An Khê (Quỳnh Phụ) chăm sóc ngô thu đông.

Chúng tôi về An Khê trong một chiều trung tuần tháng 9, nắng như đổ lửa sau nhiều ngày mưa. Trên những cánh đồng đang vào mùa thu hoạch phảng phất mùi thơm của rơm, rạ; những gương mặt rạng ngời của người nông dân sau bao nhiêu mệt nhọc, vất vả nay thu hái thành quả lao động của mình. Vụ mùa năm nay, An Khê gieo cấy gần 340 ha, trong đó giống lúa chất lượng cao chiếm 35%. Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Đại Đồng, xã An Khê  Nguyễn Công Châu cho biết: Năm nay, các loại sâu bệnh như: cuốn lá, đục thân xuất hiện sớm với mật độ cao, phân bố rộng và diễn biến khá phức tạp do thời tiết mưa, ẩm kéo dài nhiều ngày. Hơn nữa, lúa mùa trà sớm và cực sớm của An Khê chiếm diện tích lớn với trên 250 ha nên sâu bệnh từ lúa xuân có điều kiện chuyển tiếp sang mạ và lúa mùa mới cấy.

Vì vậy, ngay sau khi lúa vừa lên xanh, HTX đã khuyến cáo nông dân tích cực thăm đồng; đồng thời chủ động phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật huyện xác định mật độ sâu bệnh, tuổi sâu để hướng dẫn xã viên các biện pháp phòng trừ kịp thời. Do đó đã khống chế không để các loại sâu bệnh lây lan ra diện rộng nên năng suất lúa không bị ảnh hưởng, ước đạt tương đương vụ mùa năm trước. Nhờ được mùa lúa nên những ngày này nông dân phấn khởi và hăng hái ra đồng như đi hội. Chị Nguyễn Thị Thân, thôn Hiệp Lực vui vẻ góp chuyện với chúng tôi: Năm nay, sâu bệnh nhiều, tưởng thất thu nhưng do chủ động phòng trừ kịp thời nên năng suất không bị ảnh hưởng.

Trong câu chuyện rôm rả, chúng tôi được biết, mặc dù chồng chị đang làm thợ xây ở Quảng Ninh, các con làm công nhân tại khu công nghiệp của huyện Ninh Giang (Hải Dương) nhưng một mình chị vẫn chăm lo trên 8 sào ruộng và chăn nuôi trên 20 con lợn thịt. Những lo âu, thấp thỏm về một vụ mùa đã qua, Chị lại chuẩn bị cho một vụ mới với niềm vui hân hoan khi nghĩ đến những trái ớt, quả bí, củ khoai được mùa, được giá ở vụ đông đang cận kề.

Sau niềm vui thắng lợi vụ mùa, nông dân An Khê lại bắt tay ngay vào gieo trồng cây vụ đông theo phương châm “sáng lúa, chiều cây vụ đông”. Từ việc xác định vụ đông là vụ sản xuất chính thứ 3 trong năm, An Khê đã chủ động lịch thời vụ, chú trọng mở rộng diện tích cây có hiệu quả kinh tế cao, nhất là quy hoạch vùng tập trung, phù hợp cho từng loại cây trồng. Đối với vùng bãi bồi ven đê khu vực Thống Nhất chủ yếu trồng ngô, lạc, đậu tương; khu vực bãi Đại Đồng trồng cà rốt, su hào, bắp cải, rau gia vị. Đối với đất lúa trồng ngô, bí đỏ, bí xanh, khoai tây, ớt, rau các loại.

Bên cạnh đó, HTX đã quy vùng với diện tích hơn 22 ha trồng bí đỏ và nhận bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Ông Nguyễn Công Châu - Chủ nhiệm Hợp tác xã cho biết thêm: “Chúng tôi đang tập trung chỉ đạo bà con nông dân thu hoạch nhanh gọn lúa đã chín, giải phóng đất gieo trồng cây vụ đông. Vụ đông năm nay, An Khê phấn đấu gieo trồng gần 260 ha”. Đến thời điểm này, màu xanh của bí đỏ, ngô ngọt đã dần thay thế màu vàng no ấm của những bông lúa trĩu hạt. Chị Trần Thị Loan, thôn Lộng Khê 1 đang bón đạm cho diện tích ngô ngọt bộc bạch: “Những năm gần đây, các hộ trong thôn, trong xã đều mở rộng diện tích trồng cây vụ đông, chủ yếu là cây bí đỏ, ngô ngọt. Số hộ trồng 1 - 2 mẫu, cho thu nhập vài chục triệu đồng từ cây màu vụ đông không còn là chuyện lạ đối với nông dân An Khê. Mọi người trồng nhiều ngô, bí đỏ bởi những loại cây này tốn ít công chăm sóc, thời gian sinh trưởng ngắn, dễ tiêu thụ, thu nhập khá ổn định, từ 1,5 đến  2,5 triệu đồng/sào. Như gia đình tôi, nhiều năm qua đều phủ kín 100% diện tích, với trên 1 mẫu ngô ngọt và bí đỏ. Ở An Khê, nhà nhà làm vụ đông, người người làm vụ đông. Bởi vậy, gặt đến đâu, nông dân chúng tôi làm đất trồng cây vụ đông sớm ngay”.

Với tinh thần lao động như vậy nên từ nhiều năm nay, việc trồng cây màu, cây vụ đông ở An Khê đã trở thành nguồn thu nhập chính và là hướng thoát nghèo hiệu quả của nhiều gia đình nông dân. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm có nhiều khó khăn, HTX dịch vụ nông nghiệp và tư thương vẫn là đầu mối quan trọng tiêu thụ nông sản cho nông dân. Do vậy, để mở rộng diện tích và nâng cao giá trị sản xuất vụ đông, người nông dân vẫn rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành nhằm chủ động bảo đảm đầu ra cho cây vụ đông.

            Bài, ảnh: Minh Nguyệt

  • Từ khóa